Thông tin từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, năm 2015 là năm cuối của giai đoạn 2011 – 2015 trong tổ chức, triển khai thực hiện chính sách, công tác lao động, người có công. Theo đó, trong giai đoạn này, nhiều kết quả đáng ghi nhận về an sinh xã hội.

Vượt mốc đưa 100.000 lao động ra nước ngoài

Trong giai đoạn này, giải quyết việc làm trong nước được chú trọng, thị trường lao động ngày càng phát triển, lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng mạnh với chất lượng đưa đi ngày càng cao, thị trường được mở rộng. Nhờ triển khai thực hiện nhiều chính sách, cơ chế mới trong giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động, trong 5 năm từ 2011-2015, cả nước đã tạo việc làm cho trên 7,8 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị  giảm xuống dưới 4%, góp phần giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông – lâm – thủy sản từ 50% năm 2010 xuống còn 40 – 41% năm 2015, đạt chỉ tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra.

Đối với việc làm ngoài nước, Việt Nam tiếp tục nối lại thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới. Năm 2014, lần đầu tiên, số lao động đưa đi vượt qua mốc 100.000 người. Hiện có trên 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề, gửi về nước hàng năm từ 1,6 - 2 tỷ USD. Lao động Việt Nam đã đi được ở những lĩnh vực, nghề mới có yêu cầu, chất lượng cao hơn như y tá, điều dưỡng đi làm việc tại Nhật Bản và CHLB Đức…

viec_lam_vdjy_kisf.jpg
Vấn đề lao động, việc làm được cải thiện

Thu nhập của người lao động được cải thiện

Từ năm 2013 đến nay, nhờ hoạt động có hiệu quả của Hội đồng Tiền lương Quốc gia trong cải thiện cơ chế xác định tiền lương tối thiểu theo nguyên tắc thị trường và hội nhập, mức lương tối thiểu vùng năm 2015 đã tăng gần 2,2 lần so với năm 2011. Thu nhập bình quân/tháng của người lao động năm 2015 tăng 1,8 triệu đồng so với năm 2011.

Nhờ đó, quan hệ lao động trong giai đoạn 2011 – 2015 cũng được cải thiện, số vụ đình công trên cả nước tính đến hết tháng 10/2015 giảm xuống còn 1/4 so với năm 2011. Đời sống của người lao động ngày càng được nâng cao.

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi, bổ sung năm 2014) đã quy định lộ trình thực hiện nguyên tắc đóng hưởng và mở rộng đối tượng tham gia. Tính đến nay, cả nước có trên 12 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, chiếm 23,1% lực lượng lao động, tăng thêm 2,4 triệu người so với năm 2010.

Cả nước cũng có khoảng 10 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 3,6 triệu người so với năm 2010, trong đó đã có gần 2,1 triệu lượt người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, được tư vấn, giới thiệu việc làm mới là trên 1,7 triệu người.

Lần đầu tiên, Luật An toàn, vệ sinh lao động đã được Bộ trình Quốc hội thông qua với các quy định rộng hơn, bao quát và cụ thể hơn về trách nhiệm của người sử dụng lao động, chế độ bảo hiểm đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp... sẽ góp phần tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời gian tới.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 4,5%

Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân khoảng 2% mỗi năm, từ 14,2% (cuối năm 2010) xuống dưới 4,5% (năm 2015); riêng các huyện nghèo giảm khoảng 6% mỗi năm, từ 58,3% xuống còn 28%. Thành tựu về giảm nghèo của Việt Nam luôn là điểm sáng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 4,5%

Tiếp tục thể hiện quyết tâm giảm nghèo bền vững theo hướng tiếp cận mới được cộng đồng quốc tế khuyến nghị, năm 2015, với sự tham mưu, đề xuất của Bộ LĐTBXH, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đơn chiều sang nghèo đa chiều làm cơ sở để nhận dạng đối tượng nghèo chính xác, cụ thể hơn, qua đó có giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn nhu cầu và đặc tính của hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, là một trong hai chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn tới.

Chuẩn ưu đãi người có công tăng

Theo Bộ LĐTNXH, cả nước hiện có 8,8 triệu người có công, trong đó có trên 1,4 triệu người có công được hưởng các chế độ trợ cấp thường xuyên. Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đối tượng người có công hưởng chính sách đã tăng lên đáng kể. Cả nước đã phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho trên 60.000 mẹ.

Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi đã tăng lên 71,2% so với năm 2010. Tổng kinh phí thực hiện chính sách đối với người có công tăng từ 20.000 tỷ đồng năm 2011 lên gần 32.000 tỷ đồng năm 2015.

Trong nhiệm kỳ, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với Bộ Quốc phòng triển khai nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý những sai phạm trong lĩnh vực người có công, góp phần tăng cường công khai, minh bạch và công bằng trong thực hiện chính sách.

Trong hai năm 2014 – 2015, Bộ đã phối hợp Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam triển khai Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng với kết quả trên 2 triệu người được rà soát. Qua đó, đã kịp thời xem xét, giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, giải quyết tồn đọng chính sách cho 10.682 trường hợp.

Việc triển khai Đề án xác nhận hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin thông qua thực chứng và giám định GENE đã góp phần giảm thiểu những tiêu cực, lừa đảo trong hoạt động tìm kiếm mộ liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm, tâm linh. Đây cũng là nhiệm kỳ huy động được nhiều nguồn lực của cộng đồng chung tay chăm sóc người có công với nhiều hình thức phong phú, đa dạng./.

Một số chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội giao cho ngành giai đoạn 5 năm 2016-2020 và năm 2016 là: (1) Tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%; (2) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65% vào năm 2020, năm 2016 là 53%; Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân khoảng 1-1,5%/năm, năm 2016 là 1,3-1,5% (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%).
Chỉ tiêu kế hoạch của ngành: (1) Tạo việc làm, phát triển trị trường lao động: Giải quyết việc làm cho 7.500 - 8.000 người gồm tạo việc làm trong nước cho 7.000 – 7.500 nghìn người; số người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng 500 nghìn người. Năm 2016, giải quyết việc làm cho 1,5-1,6 triệu lao động; Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội trong lực lượng lao động đạt 50% vào năm 2020, năm 2016 đạt 23-25%.
(2) Giáo dục nghề nghiệp: Tuyển mới 10.750 nghìn người (trong đó, trình độ trung cấp và cao đẳng là 1.350 nghìn người; trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng là 9.400 nghìn người); Năm 2016 tuyển mới dạy nghề 2,15 triệu người; Tốt nghiệp học nghề theo các trình độ đào tạo đạt 9.451 nghìn người.
(3) Chăm sóc người có công: Đến năm 2020 đảm bảo 99% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú, năm 2016 là 98,5%; phấn đấu 10% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ người có công, năm 2016 là 98,5%.
(4) Bảo trợ xã hội: 100% các đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 85% các đối tượng người khuyết tật được tiếp cận tối thiểu 1 trong các dịch vụ xã hội, năm 2016 khoảng 81%.
(5) Bảo vệ, chăm sóc trẻ em: Đến năm 2020 có 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, năm 2016 khoảng 86%; 85% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, năm 2016 khoảng 80%.
(6) Phòng, chống tệ nạn xã hội: Tỷ lệ số người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý đạt 90% vào năm 2020, năm 2016 là 74%; giảm điều trị nghiện bắt buộc tại các trung tâm cai nghiện xuống còn 6%, năm 2016 là 17%; số người bán dâm được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội khoảng 75.000 lượt người.