Chiều 3/10, người dân từ các tỉnh vùng dịch phía Nam di chuyển bằng xe máy về quê đến tỉnh Kon Tum. Tại Chốt kiểm dịch số 1 Sao Mai, thuộc xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum, cửa ngõ phía Nam vào tỉnh, các lực lượng chức năng đã tổ chức phân luồng phòng dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân tiếp tục hành trình về quê.

Thông tin từ lực lượng chức năng tại chốt kiểm dịch số 1 Sao Mai, riêng trong chiều nay đã có 644 xe máy với gần 1.300 người dân từ các tỉnh vùng dịch phía Nam di chuyển về quê đến tỉnh Kon Tum. Qua rà soát phân loại có 94 người là công dân tỉnh Kon Tum; 17 người là công dân tỉnh Quảng Ngãi và gần 1.200 người là công dân các tỉnh từ Quảng Nam trở ra Bắc.

Để đảm bảo công tác phòng dịch COVID-19 và an toàn cho người dân trong quá trình di chuyển qua tỉnh, UBND thành phố Kon Tum đã huy động 100 cán bộ, công nhân viên chức các lực lượng làm công tác phòng dịch và hỗ trợ người dân.

Ông Nguyễn Thanh Mân, Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum, Chốt trưởng Chốt kiểm dịch số 1 Sao Mai, cho biết, nhằm hỗ trợ người dân giảm bớt khó khăn, thuận tiện đi đường, thành phố Kon Tum hỗ trợ 1.000 lít xăng. Xe ai hết xăng sẽ hỗ trợ. Cùng với đó còn cung cấp thức ăn, nước uống và thực hiện các biện pháp y tế để đảm bảo người dân qua địa bàn an toàn.

Cũng theo thông tin từ lực lượng chức năng tại Chốt kiểm dịch số 1 Sao Mai, tỉnh Kon Tum, trong chiều nay có 1 thai phụ người dân tộc Mông, 31 tuổi về tỉnh Sơn La có biểu hiện trở dạ, lực lượng chức năng tại chốt đã thực hiện test nhanh cho 2 vợ chồng với kết quả âm tính và hỗ trợ đưa trường hợp này tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum.

Đến gần 18h tối 3/10, lại có thêm một đoàn 676 xe máy với trên 1.300 người từ các tỉnh vùng dịch phía Nam di chuyển về quê đến chốt kiểm dịch số 1 Sao Mai.

** An Giang: Lượng người về quá đông, tỉnh triển khai phương án tiếp nhận

Mặc dù tỉnh An Giang đã có thông báo chưa có kế hoạch tiếp nhận thêm công dân về quê tự phát, thế nhưng mấy ngày qua, hàng ngàn người dân vẫn nối đuôi nhau về quê bằng phương tiện cá nhân. Tỉnh này đang khẩn trương thành lập Tiểu ban tiếp nhận người lao động tự do; đồng thời xây dựng kế hoạch, triển khai phương án tiếp nhận phù hợp​​​​, đảm bảo an toàn về phòng chống dịch.

Tại chốt kiểm soát T2 thuộc khu vực Vàm Cống, thành phố Long Xuyên, cửa ngõ vào tỉnh An Giang, trong ngày 3/10, dòng người vẫn tiếp tục nối đuôi nhau đổ về. Tất cả chạy xe máy, với mong muốn về được quê nhà càng sớm càng tốt; hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn, có nhiều người già, trẻ em, phụ nữ mang thai… nhiều tháng nay không có công ăn việc làm, nên không có tiền trả nhà trọ và chi phí sinh hoạt, ăn uống hàng ngày phải nhờ vào các tổ chức từ thiện xã hội.

Một số người dân ở Bình Dương về, chia sẻ: "Đã thất nghiệp 4 tháng nay, không có việc gì làm nên đói. Chủ nhà trọ không giảm tiền nhà. Được trợ cấp 500.000 đồng, chủ nhà trọ cũng gạt ngang qua tiền nhà trọ luôn, không còn gì ăn hết”.

Một người dân thừa nhận: "Tôi tự phát từ trên đó về đã biết là sai rồi, tuy nhiên ai cũng mong muốn về được quê nhà hết. Chỉ cần được về tới quê nhà, phải cách ly cũng chịu, vì bây giờ ở trên đó đã quá khổ cực rồi”.

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh An Giang, tính đến 12h ngày 3/10, số người dân tự phát đi về quê bằng phương tiện cá nhân là hơn 18.000 người. Qua test nhanh Covid-19 sàng lọc, đã ghi nhận 30 trường hợp dương tính với Covid-19, địa phương đã đưa đi điều trị và xác định các F1 để có biện pháp cách ly hợp lý; đã bàn giao về cách ly tại các địa phương là hơn 8.600 người.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, việc giải quyết cho người dân tự phát trở về quê vẫn đang được tỉnh thực hiện trên tinh thần nhân văn, tình nghĩa. Trong thời gian chờ để sàng lọc và đưa về các khu cách ly tại các địa phương, tỉnh An Giang đã bố trí người dân vào khu vực tiếp nhận tạm thời; lực lượng chức năng cũng được tăng cường nhằm kiểm soát tình hình an ninh trật tự, đồng thời tổ chức phát cơm, bánh mì, sữa và nước uống miễn phí cho người dân, đảm bảo cho người dân không bị đói, khát…

Hiện tỉnh An Giang đang khẩn trương thành lập Tiểu ban tiếp nhận người lao động tự do, đồng thời xây dựng kế hoạch, triển khai phương án tiếp nhận phù hợp. Mỗi huyện, thị xã, thành phố cũng đã thành lập Tổ công tác hậu phương và Tổ công tác tiền phương phối hợp ngành y tế test nhanh người về. Huy động nhân lực, kể cả y tế tư nhân tập trung sàng lọc, test nhanh để khẩn trương đưa bà con về các địa phương để kịp thời cách ly, kiểm soát.

Hiện nay, các khu cách ly tập trung của địa phương đã quá tải, tỉnh chỉ đạo các địa phương, vận động xã hội hóa các cơ sở lưu trú để cách ly tập trung; vừa phòng chống dịch, vừa tiếp nhận người và đảm bảo an ninh trật tự. Trước mắt, tỉnh hỗ trợ 500 triệu đồng cho mỗi huyện, thị xã, thành phố; tạm thời hỗ trợ 50% tiền ăn của người dân trong 7 ngày đầu cách ly tập trung…

** Kiên Giang tổ chức xe lên TPHCM đón người già, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ

Từ sáng đến 15h chiều 3/10, Kiên Giang đã đón tiếp hơn 8.500 người dân về quê. Tổng cộng đã có hơn 10.000 người dân hồi hương chỉ trong vòng 2 ngày, dự kiến sẽ còn tăng trong những ngày tới. 

Ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Kiên Giang cho biết, để kịp thời đón tiếp và hỗ trợ bà con tự phát về quê, Ban thường vụ Tỉnh uỷ có công điện khẩn chỉ đạo tăng cường lực lượng đủ sức làm nhiệm vụ 24/24 tại các cửa ngõ của tỉnh để tiếp nhận, phân luồng người dân theo từng địa phương và tổ chức đưa bà con về tận nhà an toàn. Đồng thời chỉ đạo các huyện, thành phố có người dân từ tỉnh về phải tạo điều kiện cho họ được về nhà sớm nhất và thực hiện các biện pháp cách ly theo quy định.

Công điện cũng hướng dẫn rất kỹ quy trình thực hiện. Đối với những hộ thực hiện cách ly tại nhà, bí thư chi bộ, trưởng ấp, khu phố tổ chức họp dân tại khu vực gia đình có người từ vùng dịch về để thông báo cho nhân dân biết và tham gia giám sát, phát huy vai trò của tổ Covid cộng đồng thường xuyên nhắc nhở thực hiện tốt việc cách ly theo quy định. Trong thời gian 14 ngày cách ly tại nhà, bà con sẽ được lấy mẫu kiểm tra 3 lần vào ngày thứ 3 test nhanh, ngày thứ 7 test nhanh và ngày thứ 14 xét nghiệm PCR.

Ông Bình cho biết, qua kiểm tra thực tế tại chốt cửa ngõ tại huyện Tân Hiệp vào sáng 3/10, số lượng bà con về quê quá đông, vì vậy tỉnh chỉ đạo lập danh sách đưa bà con về các huyện, thành phố. Khi về đến địa phương, chính quyền tại đó tổ chức test nhanh Covid. Nếu có kết quả âm tính thì đưa về cách ly tại nhà, đồng thời giao cho ấp, khu phố, tổ nhân dân tự quản quản lý, theo dõi y tế đúng quy trình, quy định. Người có kết quả dương tính thì đưa vào khu cách ly điều trị. Nhờ vậy đã giải toả được áp lực tại các chốt cửa ngõ, tạo điều kiện cho bà con về địa phương nhanh nhất, tránh ùn ứ, cách tắc giao thông, không đảm bảo trong công tác phòng chống dịch.

Song song với việc hỗ trợ bà con tự phát về quê, Kiên Giang ban hành kế hoạch tiếp nhận người dân trở về từ TP HCM và các tỉnh bị ảnh hưởng dịch Covid-19 đợt 2. Tỉnh dự kiến ngày 5/10 sẽ tổ chức xe lên đón 500 người dân về quê, ưu tiên cho thai phụ, người cao tuổi, trẻ em, người bệnh xuất viện chưa kịp về địa phương…

** Người Ninh Bình ở vùng dịch vui mừng được đón về quê

Chiều 3/10, chuyến tàu SE12 đã rời ga Sài Gòn để đưa hơn 650 người dân Ninh Bình đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai về quê tránh dịch. Được tỉnh tạo điều kiện đón về quê, những hành khách đặc biệt này đều rất vui mừng, phấn khởi. 

Mặc dù 15h30 chiều nay chuyến tàu đặc biệt SE12 mới lăn bánh nhưng từ 12h trưa, rất đông hành khách quê Ninh Bình đã có mặt tại Ga Sài Gòn để chuẩn bị lên tàu. Là một trong những người có mặt từ sớm, bà Lê Thị Hiền (60 tuổi) cho biết, cách đây hơn 1 tuần, khi nghe tin tỉnh Ninh Bình bố trí tàu đón người dân khó khăn ở TP.HCM về quê là bà đăng ký ngay. Đêm qua bà đã mất ngủ vì mừng vui và mong chờ giây phút được lên tàu về nhà.

“Mong mãi mới đến ngày hôm nay, rất xúc động, rất sung sướng. Tôi sống ở TP.HCM cũng đã gần 10 năm nhưng trong mấy tháng dịch vừa qua khổ quá. Người già yếu như mình phải ở trong nhà suốt. Con cái làm công nhân nên kinh tế cũng khó khăn", bà Hiền xúc động bày tỏ.

Anh Nguyễn Đức Tâm, 27 tuổi, một hành khách của chuyến tàu cho biết, anh vào TP.HCM học nghề đã nửa năm, không may bị mắc kẹt lại do dịch bệnh. Được về nhà đợt này anh rất vui mừng vì sự quan tâm của địa phương. Anh hy vọng sẽ quay lại TP.HCM để hoàn thành việc học của mình vào một ngày không xa.

Trong số 650 người dân được tỉnh Ninh Bình ưu tiên đón về đợt này, ngoài người già, người khuyết tật, học sinh, sinh viên gặp khó khăn thì có khá nhiều phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ. Là một công nhân, thất nghiệp do dịch lại đang mang thai tháng thứ 9 nên chị Phạm Thanh Hà cảm thấy rất may mắn khi chị, chồng và em gái đều được lên tàu về quê hôm nay.

“Em đang mang bầu ở tuần thứ 36 rồi nên mong được về quê để sinh nở cho an toàn. Bọn em mong những người ở các nơi khác cũng sớm được tỉnh tạo điều kiện đón về quê bởi vì mấy tháng trời kẹt ở đây thì nhiều người cũng đang rất khó khăn, muốn về mà không về được”, chị Hà bày tỏ.

Được UBND tỉnh Ninh Bình phân công làm trưởng đoàn công tác vào TP.HCM đón người dân về quê, ông Dương Viết Yên - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình cho biết, đây là chủ trương nhất quán của tỉnh ngay từ những ngày đầu TP.HCM bùng dịch. Tuy nhiên, do việc giãn cách xã hội nên đến hôm nay tỉnh mới phối hợp được với ngành đường sắt để tổ chức chuyến tàu này.

Toàn bộ người dân đi về quê trên chuyến tàu đều được tỉnh đài thọ miễn phí vé và 3 suất ăn chính trong ngày. Sau khi đón người dân về tới ga Ninh Bình, tỉnh cũng đã bố trí sẵn sàng các khu cách ly tập trung cho bà con để đảm bảo phòng chống dịch.

Toàn bộ hành khách trước khi lên tàu đều đã được xét nghiệm và cho kết quả âm tính với COVID-19. Tổ công tác tỉnh Ninh Bình cũng phối hợp với các cán bộ, nhân viên ga Sài Gòn để thực hiện cấp phát đồ bảo hộ, phân luồng, hướng dẫn lên tàu, bố trí chỗ ngồi đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo các quy định của Bộ Y tế và Bộ Giao thông - Vận tải. Nhân viên nhà ga và nhân viên phục vụ trên tàu cũng đều đã tiêm 2 mũi vaccine và xét nghiệm âm tính với COVID-19. Đặc biệt trên tàu còn có tổ y bác sĩ với đầy đủ trang thiết bị y tế, sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra trong hành trình.

Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết ông và các nhân viên ngành đường sắt đều rất vinh hạnh và luôn sẵn sàng phối hợp cùng các địa phương thực hiện các chuyến tàu an toàn để đưa bà con về quê.

“Trước chuyến tàu này, chúng tôi đã phối hợp với nhiều địa phương tổ chức các chuyến tàu đưa hành khách về quê hương, ví dụ như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế. Ngành đường sắt sẽ bằng tinh thần, trách nhiệm cao nhất để phối hợp với các địa phương thực hiện các chuyến tàu đưa người dân về quê theo yêu cầu của các tỉnh”, ông Văn cho biết.

Chuyến tàu SE12 sau khi rời ga Sài Gòn sẽ dừng ở ga Dĩ An (Bình Dương) và ga Biên Hòa (Đồng Nai) để đón thêm người dân Ninh Bình đang sinh sống, làm việc tại 2 địa phương này. Dự kiến tàu sẽ về tới ga Ninh Bình vào 6h30 sáng 5/10 tới./.