Dịch sởi đang diễn ra

Diễn biến dịch sởi tiếp tục “nóng” tại nhiều địa phương trên cả nước với số mắc và tử vong do sởi vẫn tăng. Tính đến 19/4, cả nước phát hiện thêm 116 trường hợp mắc sởi trong tổng số 241 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 32 tỉnh, thành phố; ghi nhận thêm 2 trường hợp tử vong liên quan đến dịch bệnh này.

Tích lũy từ đầu năm đến nay (tính đến 19/4), cả nước ghi nhận 3.360 trường hợp mắc sởi trong tổng số hơn 9.000 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 61 tỉnh, thành phố, trong đó có 25 trường hợp tử vong do sởi trong số 116 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi.

Trước những thông tin trái chiều về tình hình dịch sởi, mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã khẳng định Bộ Y tế không hề giấu dịch. Ông giải thích: công bố hay không công bố không có nghĩa là không có dịch, mà thực tế dịch đã và đang diễn ra và các hoạt động phòng, chống dịch đang được triển khai một cách quyết liệt, đúng các quy định.

Cụ thể, ngay từ tháng 5/2012, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn giám sát phòng chống dịch sởi. Trong đó nêu rõ, nếu ổ dịch có 3 trường hợp, trong đó có 2 trường hợp dương tính với sởi thì sẽ thông báo có dịch. Cuối năm 2013, trong các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế đối với UBND các tỉnh thành phố đề nghị phòng chống dịch sởi và Bộ không bao giờ nói rằng không có dịch sởi.

soi.jpg
Bệnh nhi mắc sởi đang được điều trị tại khoa Nhi-Bệnh viện Bạch Mai

 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nêu rõ, việc công bố hay không công bố dịch thì các biện pháp chuyên môn đều phải thực hiện theo Quyết định 4845/QĐ-BYT năm 2012 hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sởi, rubella do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành cũng chỉ rõ, chỉ 1 trường hợp nghi ngờ mắc sởi đã phải triển khai các biện pháp phòng chống dịch, bệnh nhân nên làm thế nào? Cộng đồng nên thực hiện ra sao?...

Sự khác biệt giữa thế giới và Việt Nam là thế giới dùng từ “thông báo dịch”, còn tại Việt Nam, Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm hiện hành chỉ rõ nếu “công bố dịch” thì phải ở mức độ cao hơn. Các điều kiện gồm: dịch bệnh vượt quá tầm kiểm soát của tỉnh, thành phố; biến đổi mang tính độc lực cao, cần áp dụng biện pháp hành chính ở mức độ cao như: hạn chế giao thông liên lạc, đóng cửa trường học, hạn chế hội họp, họp chợ, cưỡng chế về mặt cách ly… thì khi đó sẽ cân nhắc về việc công bố. Ngoài ra, chúng ta còn có điều khoản cao hơn là thông báo tình trạng khẩn cấp khi quốc gia mất tầm kiểm soát. “Như tình hình hiện nay theo đúng tiêu chí của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế đã thông báo dịch”, Thứ trưởng Long nói.

Về phản ứng trước dịch bệnh, ngay khi xảy ra những ca bệnh sởi lẻ tẻ ở một số tỉnh miền núi như Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang, Bộ Y tế đã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, tiêm vaccine, khuyến cáo cộng đồng… do đó đã ngăn chặn hiệu quả được bệnh dịch ở 3 tỉnh nói trên.

Thứ trưởng Long dẫn chứng thêm, sau khi dịch có dấu hiệu lan ra các tỉnh, tiếp đó là Hà Nội, TP HCM thì ngay lập tức Bộ Y tế đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố tổ chức chiến dịch tiêm vét vaccine cho tất cả trẻ em dưới 2 tuổi trong 63 tỉnh thành. Trong khi đó, vụ dịch năm 2009 chỉ tiêm vaccine cho trẻ ở ổ dịch. Điều này cho thấy, Bộ Y tế đã lường trước được nguy cơ dịch lan truyền.

Song, Thứ trưởng cũng thừa nhận đúng là có chuyện “nóng” về chỉ đạo, “lạnh” về thực hiện nên có một số nơi không triển khai thực hiện đúng.

Thứ trưởng Long cho hay, ngoài việc tổ chức tiêm vét vaccine, Bộ Y tế đã yêu cầu Chính phủ xuất cấp máy thở từ nguồn dự trữ Quốc gia, đến sáng 18/2 đã cấp 42 máy thở. Bộ cũng đã yêu cầu Chính phủ cấp hết máy thở cho các bệnh viện nhằm đáp ứng nhu cầu chống dịch. “Đến thời điểm hiện nay, Bộ đã chỉ đạo hết sức quyết liệt tất cả các hoạt động, nhất là việc tổ chức tiêm chủng mở rộng, tiêm vét, vì các biện pháp dự phòng đạt hiệu quả rất thấp, nên việc tiêm chủng gần như là biện pháp duy nhất để ngăn chặn lây nhiễm”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Bộ Y tế khẳng định minh bạch thông tin dịch sởi

Về việc Bộ Y tế có minh bạch thông tin về dịch bệnh, về con số tử vong, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Chúng tôi hoàn toàn minh bạch về thông tin, không chỉ báo cáo số ca mắc, số tử vong mà kể cả số ca nghi mắc sởi. Con số 112 bệnh nhân tử vong liên quan đến sởi nhưng chắc chắn 25 ca do sởi là hoàn toàn đúng. Bởi thực tế ghi nhận nhiều trẻ mắc sởi trên nền bệnh lý rất nặng, đồng nhiễm nhiều virus, đồng nhiễm nhiều loại bệnh. Như 2 ca tử vong ở Yên Bái, 1 ca đột tử tại nhà nhưng trong vùng dịch tễ, 1 ca khi xét nghiệm phát hiện em bé đồng nhiễm 4 loại virus”.

Hiện, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh sởi tại cộng đồng, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch; chỉ đạo các Viện tiếp tục nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng, virus để đánh giá sự biến dổi của virus cũng như đề xuất các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khuyến cáo thêm: Điều quan trọng hơn cả là tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng các biện pháp dự phòng ngăn chặn sởi lây lan để người dân hiểu đúng và biết cách phòng ngừa, đưa trẻ đi tiêm phòng sởi đầy đủ; thông tin cho người dân không hoang mang lo lắng. Khi trẻ có dấu hiệu bệnh nên đưa trẻ đến cơ sở khám và điều trị kịp thời, hạn chế đưa trẻ đến bệnh viện tuyến trên nhằm tránh lây nhiễm sởi trong bệnh viện./.