Theo thông báo từ Bộ Y tế, tại Việt Nam, từ đầu năm 2014 đến ngày 18/4 ghi nhận 3.256 trường hợp mắc sởi trên 8.779 người bị phát ban nghi mắc bệnh sởi. Phần lớn số mắc là trẻ em dưới 10 tuổi (76,5%), 87% ca mắc sởi không được tiêm chủng hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng vaccine sởi. 
tiem-phong.jpg
Phòng chờ của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội chật kín người (Ảnh: motthegioi)

Theo chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới và báo cáo của các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur, hiện nay các chủng virus sởi gây bệnh tại Việt Nam chưa có sự biến đổi về gen cũng như độc lực của virus sởi. Đến nay đã ghi nhận 25 trường hợp tử vong xác định do sởi trong số 112 trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh sởi. Số tử vong ghi nhận tại các tỉnh miền Bắc, trong đó 50% số trẻ tử vong tại Hà Nội.

Bộ Y tế nhận định dịch bệnh sởi năm 2014 có số mắc thấp hơn so với vụ dịch năm 2009-2010, tuy nhiên số trường hợp mắc nặng và tử vong sẽ tiếp tục gia tăng do: Một số bệnh nhân là trẻ em nhỏ trong đó có nhiều trẻ em dưới 9 tháng tuổi nên dễ diễn biến nặng phải điều trị thời gian dài; Quá tải bệnh nhân nên việc kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện khó khăn; Điều kiện thời tiết giao mùa thuận lợi cho bệnh viêm phổi phát triển; Tâm lý lo lắng cho các gia đình đã đưa trẻ đến khám chữa bệnh vượt tuyến tại Bệnh viện Nhi trung ương và các bệnh viện của thành phố Hà Nội gây hiện tượng quá tải cục bộ.

Để sớm kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh sởi trên phạm vi toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo tiếp tục triển khai các giải pháp: Giảm tình trạng quá tải và tử vong tại các bệnh viện Nhi Trung ương và Hà Nội. Tăng cường rà soát quy trình khám và điều trị bệnh, sàng lọc phân loại bệnh nhân nghi Sởi ngay tại Khoa Khám bệnh để có phương án điều trị hiệu quả; kiểm soát phòng chống lây nhiễm chéo đối với bệnh nhi đang điều trị trong bệnh viện, phân tuyến điều trị phù hợp.

Rà soát pháp đồ điều trị Sởi cho phù hợp, tăng cường các biện pháp nhằm giảm thiểu tử vong ở trẻ thông qua việc bổ sung các máy máy thở, cung ứng các phương tiện và thuốc đầy đủ; bảo đảm dinh dưỡng cho các cháu điều trị tại bệnh viện, đặc biệt các cháu khó ăn uống nhằm nâng cao thể trạng cho bệnh nhi; áp dung chế độ, chính sách bồi dưỡng cho cán bộ y tế tại Bệnh viện Nhi cũng như khoa Nhi các bệnh viện trong công tác phòng chống bệnh Sởi.

Thiết lập hệ thống bệnh viện vệ tinh để giảm tải cho các bệnh viện Trung ương, trong đó giao các bệnh viện trung ương hỗ trợ kỹ thuật và chuyên môn cho tuyến dưới, cụ thể Bệnh viện Nhi Trung ương hỗ trợ bệnh viện Sain Paul, Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ Bệnh viện Thanh Nhàn; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hỗ trợ Bệnh viện Đống Đa.

Phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, đơn vị tiếp tục tiến hành tiêm vaccine Sởi cho tất cả trẻ trên 9 tháng tuổi trên toàn quốc; tổ chức các đoàn đi kiểm tra giám sát, đôn đốc việc triển khai kế hoạch tiêm bổ sung vaccine sởi cũng như các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Tiếp tục chỉ đạo giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh sởi tại cộng đồng, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch; chỉ đạo các Viện tiếp tục nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng, virus để đánh giá sự biến đổi của virus cũng như đề xuất các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Tăng cường truyền thông về phòng chống bệnh Sởi để người dân hiểu đúng và biết cách phòng ngừa, đưa trẻ em đi tiêm phòng Sởi đầy đủ; thông tin cho người dân không hoang mang lo lắng, khi trẻ có dấu hiệu bệnh nên đưa trẻ đến cơ sở khám và điều trị kịp thời, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện tuyến trên nhằm tránh lây nhiễm Sởi trong bệnh viện./.