Tháng 3, trong nắng bụi khô khốc của vùng biên giới Đắk Lắk, một số khu vườn ở thôn 3, xã biên giới Ia Re, huyện Ea Súp vẫn như những ốc đảo tươi xanh. Một trong số đó là của gia đình anh Hà Văn Đức. Dưới tán của những cây xoài vừa trĩu quả, vừa bung hoa, đàn dê gần 70 con của gia đình đang gặm ăn những lá rừng do bố con anh vừa hái về. Anh Đức cho biết, trước Tết vừa rồi  anh đã bán 40 con dê thịt, thu khoảng 60 triệu đồng, 70 con dê còn lại đều là dê sinh sản.

Đây là thành quả 2 năm chăm sóc đàn dê 30 con do Đồn biên phòng 737, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Đắk Lắk, hỗ trợ. Theo anh Đức, thời điểm này, chỉ có dê là thích nghi được với khi hậu khô nóng kéo dài của vùng biên giới và cho hiệu quả kinh tế. Từ vốn liếng do bộ đội biên phòng cấp, ang Đức có kế hoạch phát triển một trang trại dê.

"Mỗi con dê cái 1 năm đẻ khoảng 3 con. Dê đực thì bán, dê cái giữ lại để phát triển lên đàn khoảng 200 con để tăng thêm thu nhập và tận dụng hết sức lao động của gia đình" - anh Đức nói.

vov_bien_phong_2_udio.jpg
Nhiều mô hình nuôi dê, bò của BĐBP Đắk Lắk hỗ trợ phát huy hiệu quả cho người dân vùng biên.

Vừa giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, vừa tích cực đóng góp vào lĩnh vực an sinh xã hội là 2 trong nhiều cách bộ đội biên phòng Đắk Lắk thực hiện công tác dân vận ở vùng biên giới. Một trong những điểm sáng rất hiệu quả là chương trình "nâng nước em đến trường"; tặng sách vở, học bổng, xe đạp; mở các lớp xóa mù cho người dân ở khu vực biên giới. Em Bùi Lan Anh học sinh lớp 10A9, trường THPT Ea Súp, huyện Ea Súp cho biết, được các chú bộ đội biên phòng nâng bước, không chỉ em có điều kiện tiếp tục đến lớp mà gia đình cũng thoát khỏi khó khăn.

"Được các chú bên đồn biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê giúp đỡ, hỗ trợ tiền học hàng tháng nên gia bố mẹ cháu đỡ hơn trước rất nhiều. Kết quả học tập của cháu năm qua  được học sinh tiên tiến.Cháu đã an tâm tiếp tục việc học, và sẽ cố gắng học thật tốt" - Lan Anh nói.

Tỉnh Đắk Lắk có 4 xã biên giới gồm: Ia R'vê, Ia Lốp, Ea Bung thuộc  huyện Ea Súp, và Krông Na của huyện Buôn Đôn, đây là những xã vùng xa khó khăn nhất của địa phương, với tỷ lệ hộ nghèo trên 65%. Toàn khu vực có khoảng 11.000 hộ với trên 25.000 nhân khẩu, thuộc 30 dân tộc anh em cùng sinh sống. Dù được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư, nhưng do điều kiện đất đai thổ nhưỡng cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, lại hay phải chịu thiên tai nên đời sống còn nhiều khó khăn.

Thầy giáo mang quân hàm xanh đang dậy học cho các cháu học sinh ở biên giới ở Đắk Lắk.

Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết, công tác dân vận gắn với việc thực hiện hỗ trợ an sinh – xã hội thông qua việc hỗ trợ thực hiện các mô hình phát triển kinh tế do Bộ đội biên phòng đã giúp ích rất lớn cho người dân địa phương, nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giầu, an tâm định cư ở khu vực biên giới.

"Biên phòng tỉnh đã có những chương trình thiết thực hỗ trợ nhân dân biên giới như giống bò, dê; ngoài ra thì còn hỗ trợ cây giống, kỹ thuật các mô hình trồng trọt các loại cây ăn trái để người dân làm ăn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống ở khu vực biên cương của tổ quốc. Tình quân dân ngày càng bền chặt" - ông Đông cho biết.

Với phương châm "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt" nên lực lượng Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk luôn hết lòng giúp đỡ, chăm lo đời sống cho người dân ở khu vực biên giới.

Theo đại tá Đào Viết Hùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk, việc xây dựng thế trận biên phòng toàn dân đóng vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Lực lượng Biên phòng Đắk Lắk đã thực hiện hiệu quả công tác hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng việc hỗ trợ an sinh.

Bộ độ Biên phòng Đắk Lắk trao tặng tiền hỗ trợ học sinh nghèo ở biên giới.

Cụ thể, Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk đã triển khai nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như trồng cây thanh long ruột đỏ, vườn cam không hạt, mít Thái Lan siêu sớm; hỗ trợ gần 100 bò giống, gần 200 dê cái sinh sản để người dân phát triển chăn nuôi. Đặc biệt, đơn vị đã chi  82 tỷ đồng xây dựng đập nước giúp người dân trồng lúa nước hai vụ, làm đường giãn dân trên khu vực biên giới. Qua đó, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo ở các xã khu vực biên giới của tỉnh.

Đại tá Đào Viết Hùng cho biết, để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác dân vận, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật cho nhân dân vùng biên, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng nhiều hơn nữa các mô hình kinh tế để hỗ trợ người dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

"Trong thời gian tới, Đảng ủy Bộ chỉ huy Biên phòng tiếp tục quán triệt đến các phòng, ban, các đồn biên phòng và tiểu đoàn huấn luyện cơ động triển khai thêm các mô hình hiệu quả trong thời gian qua để giúp dân. Hỗ trợ bà con giống lúa mới để bà con canh tác tăng sản lượng, tăng năng suất… Qua đó, phối hợp với bộ đội biên phòng bảo vệ biên giới" - Đại tá Đào Viết Hùng nói

Thực tế ở khu vực biên giới phía tây tỉnh Đắk Lắk đang cho thấy dân vận khéo, việc gì cũng thành công. Cái khéo ấy, chính là hiệu quả của từng việc làm giúp dân. Hiệu quả ấy cũng là chất keo để tình cảm quân-dân thêm bền chặt, thế trận lòng dân được giữ vững, qua đó xây dựng vùng biên ngày càng vững mạnh, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc./.