Số người mắc sởi ở Hà Nội đang tiếp tục tăng. GS Đỗ Sĩ Hiển - Uỷ viên Ban điều hành Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết: Việc gia tăng người mắc bệnh sởi ở lứa tuổi lớn là hiện tượng bình thường ở các nước đã làm tốt việc tiêm phòng vaccine sởi. Việt Nam cũng không được loại trừ.
Hà Nội cũ, Hà Tây cũ là hai địa phương làm rất tốt công tác tiêm chủng vaccine sởi cho trẻ em, do vậy miễn dịch cộng đồng rất cao. Nếu việc tiêm chủng không được thực hiện tốt thì đây sẽ là dịch sởi lớn với hàng chục nghìn người mắc.
Hiện nay, số người mắc bệnh sởi ở Hà Nội gia tăng là do Hà Nội là nơi tập trung nhiều đối tượng ở các địa phương khác, xác suất người có mang virus sởi cao. Đối tượng nguy cơ mắc bệnh chủ yếu là học sinh, sinh viên là do giao lưu nhiều tại các trường học.
Theo GS Đỗ Sĩ Hiển, thời điểm này đúng với mùa sởi từ tháng 11, 12 đến tháng 5. Tuy nhiên, nếu không có các biện pháp tích cực thì số người mắc bệnh sẽ gia tăng và sẽ lây lan rộng ra các địa phương khác.
Để hạn chế việc gia tăng căn bệnh này,Viện Vệ sinh dịch tễ Hà Nội, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã có buổi làm việc với Sở Y tế Hà Nội và đưa ra giải pháp là tuyên truyền cho cộng đồng hiểu để phòng tránh, những đối tượng mắc bệnh cần cách ly, có phác đồ điều trị hợp lý... Việc tiêm nhắc vaccine sởi cho các đối tượng nguy cơ tại các vùng nguy cơ đang được tính đến. Dự kiến, sẽ có khoảng 700.000 học sinh, sinh viên được tiêm vaccine phòng chống sởi. Quyết định này sẽ được đưa ra trong những ngày tới.
Tuy nhiên, tiêm vaccine sởi hiện nay chỉ có trong chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ em. Tại các điểm dịch vụ không có loại vaccine này, nên người dân có nhu cầu sẽ không tiêm được.
Một thói quen cố hữu của nhiều người dân, đó là khi dịch bệnh xảy ra mới đổ xô đi tiêm vaccine. Theo TS.Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, với bất cứ loại vaccine nào, khi tiêm phòng phải sau một thời gian nhất định cơ thể mới sinh ra kháng thể chống lại dịch bệnh.
Vì thế, để phòng dịch bệnh tốt nhất nên tiêm phòng vaccine trước mùa dịch. Tuy nhiên, nếu đang ở trong vùng dịch, vùng có bệnh hoặc người có nguy cơ lây bệnh sởi, người dân vẫn nên đi tiêm vaccine phòng bệnh sởi. Trong giai đoạn chờ cơ thể sinh kháng thể bảo vệ, mọi người nên chú ý phòng ngừa vì vẫn có nguy cơ mắc sởi.
Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà - Phó Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia thì virus sởi rất dễ lây lan, đặc biệt qua đường hô hấp. Người dân ở độ tuổi dưới 30 nên đi tiêm phòng vaccine sởi, kể cả trong trường hợp chưa tiêm vaccine sởi cũng như đã tiêm một lần từ nhỏ. Còn với những người có biểu hiện mắc bệnh như sốt cao chưa rõ nguyên nhân, gia đình nên cách ly bệnh nhân ở phòng riêng, cho đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với những người trẻ. Ngoài ra, người dân cũng cần vệ sinh nơi ở sao cho thoáng mát, nguồn nước sinh hoạt phải được đảm bảo sạch...
Trước tình trạng bùng phát dịch sởi tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, Bộ Y tế cũng cho rằng, người dân không nên quá hoang mang. Bộ cũng đã có văn bản chỉ đạo các bệnh viện, các địa phương tăng cường giám sát, phân loại các ca bệnh để điều trị, cách ly kịp thời, hạn chế sự lây lan của bệnh./.