Tại Khoa Đột quỵ, bệnh viện Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Tám, ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đang chăm sóc chồng, nhập viện tuần trước. Bà Tám cho biết, sức khỏe chồng bà trước đó hoàn toàn bình thường, tuy nhiên trời trở lạnh đột ngột, nhiệt độ giảm sâu kéo dài nhiều ngày là nguyên nhân khiến ông lên cơn đột quỵ.
“Khi phát hiện chồng tôi bị ngã xuống, bất tỉnh, gia đình lập tức đưa ra bệnh viện Đà Nẵng. Lúc đó chồng tôi có lên cơn co giật, các bác sĩ ở đây nói chồng tôi bị đột quỵ tai biến”, bà Tám cho hay.
Theo thống kê của bệnh viện Đà Nẵng, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 15 đến 20 bệnh nhân nhập viện cấp cứu, điều trị do đột quỵ. Riêng trong trong tháng 1 này, lượng bệnh nhân đột quỵ tăng hơn 400 ca.
Hầu hết bệnh nhân là người cao tuổi, mắc bệnh lý nền như cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, xơ vữa mạch máu kết hợp với trời giá rét kéo dài dẫn đến tăng nguy cơ đột quỵ rất cao. Thậm chí, dẫn đến tử vong. Đáng lưu ý, ngoài người lớn tuổi, có đến 20% số người dưới 40 tuổi.
Bác sĩ Dương Quang Hải, Phó Trưởng khoa đột quỵ, bệnh viện Đà Nẵng khuyến cáo, để phòng nguy cơ đột quỵ, đặc biệt là người lớn tuổi nên thường xuyên tầm soát và điều trị các bệnh lý nền trước đó. Khi phát hiện bệnh nhân có triệu chứng đột quỵ nên nhanh chóng đưa vào bệnh viện cấp cứu, tránh can thiệp, sử dụng các biện pháp dân gian.
Theo bác sĩ Dương Quang Hải, hiện nay bệnh viện phải vừa điều trị tích cực cho bệnh nhân vừa phải đảm bảo an toàn chống dịch Covid -19 nên việc chăm sóc bệnh nhân đều do nhân viên y tế thực hiện, trừ trường hợp đặc biệt.
“Chúng tôi cũng luôn đảm bảo giãn cách như khoảng cách giường giữa bệnh nhân với bệnh nhân. Ngoài ra, cũng hạn chế người nhà bệnh nhân vào thăm. Chỉ có những trường hợp cần thiết thì sẽ cho vào thăm nuôi. Còn những bệnh nhân nặng sẽ được nhân viên chăm sóc toàn diện từ cho uống thuốc, ăn uống và vệ sinh, tắm rửa đều do nhân viên bệnh viện làm”, bác sĩ Hải cho biết thêm./.