Chỉ còn hơn nửa tháng nữa, việc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS sẽ được chuyển dần sang Quỹ bảo hiểm y tế chi trả, thay vì điều trị miễn phí như hiện nay.

Thế nhưng đến nay vẫn còn khoảng một nửa số người nhiễm HIV vẫn chưa có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Điều này có nghĩa là gánh nặng chi phí điều trị sẽ đổ dồn lên những bệnh nhân yếu thế này và đặt ra thách thức mới về sự lây truyền HIV. 

Nguồn viện trợ thuốc điều trị kháng virus (ARV) từ các tổ chức quốc tế cho người nhiễm HIV tại nước ta đang bị cắt giảm mạnh, do Việt Nam đã chuyển từ thu nhập thấp sang giai đoạn thu nhập trung bình.

Điều này dẫn đến việc buộc phải dừng hỗ trợ chi trả thuốc nhiễm trùng cơ hội và chi phí xét nghiệm cho bệnh nhân HIV/AIDS từ ngày 1/1/2018.

phat_dong_thang_hanh_dong_quoc_gia_phong_chong_hiv_aids_tai_hai_duong_anh_bo_y_te_cung_cap__wtsa.jpg
Phát động Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV AIDS tại Hải Dương (Ảnh: Bộ Y tế cung cấp)
Từ năm 2019, Quỹ bảo hiểm y tế sẽ chi trả thuốc ARV và các dịch vụ điều trị khác. Nếu không muốn tự chi trả chi phí điều trị, bệnh nhân HIV phải tham gia BHYT.

Tuy nhiên, hiện nay, trong số hơn 200.000 bệnh nhân HIV/AIDS còn sống ở nước ta vẫn có khoảng 1 nửa số trường hợp chưa có thẻ BHYT.

Một bệnh nhân HIV ở Bắc Ninh cho biết: “Những người nhiễm HIV như chúng tôi thường không có đủ sức khỏe để lao động kiếm tiền. Trong khi đó, mua BHYT phải tham gia cả gia đình nên rất khó khăn. Vấn đề này bất cập vì chúng tôi không có tiền”

Trên thực tế, nhiều người nhiễm HIV/AIDS có tâm lý lo sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên không muốn cung cấp thông tin để tham gia BHYT.

Thậm chí, không ít bệnh nhân, mặc dù có thẻ BHYT nhưng đành bỏ tiền túi ra khám chữa bệnh để che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc có người chuyển đến nơi khác ở để không bị kỳ thị.

Trong khi đó, nhiều địa phương đã có chính sách hỗ trợ kinh phí mua BHYT cho người nhiễm HIV nhưng chỉ hỗ trợ bệnh nhân có hộ khẩu thường trú nên rất nhiều bệnh nhân hiện vẫn không có thẻ.

Ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế cho hay: “Luật BHYT quy định 5 nhóm đối tượng và 25 đối tượng cụ thể, trong đó người nhiễm HIV không có tên thành một đối tượng nào cả. Vừa qua, chúng tôi tham gia sửa đổi Nghị định 105 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT. Ban đầu có ý định gọi người nhiễm HIV là một nhóm đối tượng thuộc diện ngân sách nhà nước hỗ trợ mua BHYT nhưng sau đó, ý kiến của nhiều bên không đồng thuận vì lo ngại không đảm bảo được ngân sách”.

Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% người nhiễm HIV phải có thẻ BHYT và 80% thuốc ARV được Quỹ bảo hiểm thanh toán.

Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Hoàng Đình Cảnh cho biết, Cục đang đẩy mạnh tuyên truyền về việc cần thiết phải có thẻ BHYT, rà soát nhu cầu cấp thẻ cho người nhiễm HIV của một số tỉnh khó khăn để dùng nguồn kinh phí viện trợ quốc tế hỗ trợ trong thời gian đầu rồi dần chuyển đổi hình thức giúp đỡ. 

Điều trị bệnh HIV/AIDS là phải uống thuốc suốt đời, đòi hỏi phải kiên trì và rất tốn kém.

Những người mắc bệnh hầu như mất sức lao động, gia đình khó khăn. Vì thế, người nhiễm HIV chưa có thẻ bảo BHYT sẽ càng thêm gánh nặng.

Đây sẽ là nguyên nhân khiến bệnh nhân bỏ điều trị, bị kháng thuốc và có thể tạo ra những cú sốc tâm lý, gây lây nhiễm bệnh cho người khác.

Ông Lê Trường Sơn, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV tỉnh Thanh Hóa kiến nghị: “Để các bệnh nhân HIV/AIDS được mua thẻ BHYT, tôi đề nghị cho phép họ được mua thẻ bảo hiểm độc lập, không cần theo hộ gia đình. Do việc điều trị bệnh HIV có nhiều đặc thù nên phải đảm bảo bệnh nhân đi khám được thuận lợi nhất và cơ sở khám chữa bệnh được thanh toán bảo hiểm y tế dễ dàng. Vấn đề này cần có quy định cụ thể…”

Theo Bộ Y tế, những năm gần đây, kinh phí từ ngân sách cấp cho các chương trình phòng chống HIV/AIDS liên tục bị cắt giảm.

Trong năm 2018, dự kiến các tổ chức quốc tế sẽ cắt hết kinh phí tài trợ, thay vào đó chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật.

Thời điểm bệnh nhân HIV không có thẻ BHYT phải tự chi trả chi phí điều trị đã cận kề nhưng những chính sách cũng như văn bản hướng dẫn, tháo gỡ để đảm bảo tất cả người nhiễm HIV đều có thẻ bảo hiểm vẫn chưa được ban hành. 

Khoảng 100.000 bệnh nhân HIV chưa có thẻ BHYT sẽ ra sao, trong khi dịch bệnh HIV/AIDS vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát mạnh trở lại?

Đây là thách thức lớn cho ngành y tế và chính quyền các địa phương trong quá trình thực hiện mục tiêu 90% số bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị thuốc ARV vào năm 2020./.