Sáng 28/9, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) công bố kết quả khảo sát ý kiến cộng đồng về thiết kế đoàn tàu tuyến đường sắt đô thị số 3, Nhổn - ga Hà Nội.

c1_rwko.jpg
Tàu điện Nhổn - ga Hà Nội có 3 gam màu xanh và đỏ hồng và xám.

80% ý kiến ủng hộ mẫu tàu đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội

Ban quản lý dự án đã lấy ý kiến của trên 1.000 người thuộc nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp và nơi cư trú. Hầu hết người được hỏi nằm trong độ tuổi từ 18 - 60; hiện đang sinh sống hoặc học tập, làm việc gần 8 nhà ga trên cao của tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.

Kết quả cho thấy, 80% ý kiến khảo sát đánh giá thiết kế đoàn tàu đẹp, hài hòa và hơn 90% cho biết sẵn sàng sử dụng khi đoàn tàu theo thiết kế đi vào hoạt động.

Mẫu thiết kế nội thất bên trong đoàn tàu.

Trưởng ban MRB Nguyễn Cao Minh cho hay, công tác khảo sát đã đảm bảo đúng theo kế hoạch, chủ trương của UBND TP Hà Nội; tiến hành theo các bước chặt chẽ, chuyên nghiệp và cho kết quả rất khách quan, chính xác.

“Sau khi mẫu thiết kế được thành phố Hà Nội phê duyệt, đơn vị thiết kế và thi công của Pháp sẽ bắt đầu sản xuất. Kết quả khảo sát cho thấy đa số người dân nhất trí nên tôi hoàn toàn tin tưởng thiết kế sẽ được thành phố phê duyệt để đưa vào triển khai trong thời gian tới", ông Minh cho hay.

Màu sơn đoàn tàu lấy cảm hứng từ cây lúa, quả thanh long

Giám đốc Quốc gia của Alstorm tại Việt Nam Đoàn Việt Dũng thay mặt liên danh nhà thầu cho biết, đoàn tàu tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội được thiết kế với 3 màu: Vàng - đỏ - ghi xám mang nét đặc trưng của các nông sản, gần gũi với người Việt Nam.

Theo ông Đoàn Việt Dũng, đoàn tàu có ba màu chủ đạo là xanh mạ, hồng đỏ và ghi xám, lấy cảm hứng từ cây lúa, quả thanh long - nông sản đặc trưng của Việt Nam. Đơn vị thiết kế mất hàng năm để chọn màu sắc vừa đặc trưng cho Việt Nam, thủ đô Hà Nội, vừa phù hợp với điều kiện phần lớn quãng đường tàu di chuyển trên cao.

Dây nắm cho hành khách có gam màu đỏ hồng.

"Ở châu Âu họ không biết vịnh Hạ Long nhưng khi nói đến quả Thanh Long là biết. Khi nhìn thấy thiết kế họ nói hình như đoàn tàu này sản xuất cho Việt Nam", ông Dũng nói.

Liên doanh nhà thầu cho biết, tốc độ thiết kế của tàu tương ứng với các tàu đường sắt đô thị trên thế giới với vận tốc 80 km/h. Tuy nhiên, tốc độ thương mại khoảng 35-38km/h do khoảng cách giữa các ga ngắn và phụ thuộc vào trình độ vận hành của Việt Nam.

Ngoài ra, nhà sản xuất Alstorm (Pháp) còn trang bị cho đoàn tàu đầy đủ các tiện nghi hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu; sử dụng sàn thấp rất tiện lợi cho hành khách lên xuống, nhất là những người mang hành lý nặng và người khuyết tật.

Ông Nguỵ Như Nguyện, đại diện Ban quản lý dự án cho biết  tiến độ trên toàn tuyến đạt khoảng 45%, riêng đoạn đi trên cao (từ ga Nhổn đến Cầu Giấy) đạt 70%. 

Ông Nguỵ Như Nguyện, đại diện Ban quản lý dự án thông tin, gói mua sắm 10 đoàn tàu giá trị 110 triệu Euro đã hoàn tất, nhà sản xuất Alstorm sẽ cung cấp 10 đoàn tàu cho dự án, mỗi đoàn chứa 950 người trong năm 2020.

“Hiện tiến độ trên toàn tuyến đạt khoảng 45%, riêng đoạn đi trên cao (từ ga Nhổn đến Cầu Giấy) đạt 70%. Đoàn tàu đầu tiên sẽ về Việt Nam vào giữa năm 2020, các tàu còn lại sẽ về vào cuối năm để vận hành toàn tuyến trên cao 8 km vào cuối năm 2020. Đến cuối năm 2022 sẽ thành toàn tuyến", ông Nguyện cho biết./.

Dự án tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đang được xây dựng này có chiều dài 12,5km, với 12 nhà ga (8 ga trên cao, 4 ga ngầm). Có tổng số 10 đoàn tàu, mỗi đoàn được thiết kế với khả năng chuyên chở 850 - 950 người/đoàn, với mật độ khoảng từ 6-8 người/m2 và khai thác với tốc độ thương mại 35km/h, tốc độ thiết kế 80km/h.

Các đoàn tàu sẽ được chế tạo tại Pháp, với vật liệu chính là hợp kim nhôm. Khoảng cuối năm 2020, cả 10 đoàn tàu sẽ về đến Hà Nội để chuẩn bị vận hành. Dự kiến năm 2020 dự án sẽ được khai thác trước 8 km đi trên cao, năm 2022 khai thác đoạn đi ngầm còn lại.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm; được khởi công từ tháng 9/2010, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2017.

Tuy nhiên, đầu năm 2017 thành phố báo cáo lùi tiến độ đến sau năm 2021. Tổng mức đầu tư dự án sau hai lần tăng giá, hiện lên gần 36.000 tỷ đồng.