Nghị định 176/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, nhằm góp phần siết chặt tình trạng tự ý mua bán thuốc diễn ra phổ biến nhiều năm qua. Tuy nhiên để thực hiện nghiêm quy định này, thực tế còn không ít khó khăn.

“Thuốc là loại hàng hóa có tính chất đặc thù nhưng có thể mua được dễ dàng”- đó là ý kiến của chị Nguyễn Thu Hoa, ở tỉnh Phú Thọ cũng như rất nhiều người dân khác. Từ trước đến nay, chị Hoa mua thuốc mà chưa bao giờ cần sử dụng đơn. Nếu biết tên thuốc, cứ ra hiệu thuốc, đọc tên thuốc là người bán thuốc sẽ bán. Hoặc nếu bị ốm, ra hiệu thuốc, kể triệu chứng bệnh thì họ cũng tự bán thuốc cho mình.

Chị Hoa cho biết, bố chị bị bệnh tim, đang điều trị theo đơn thuốc của Bệnh viện Bạch Mai. Nhưng mới đây do ông để quên thuốc ở quê nên chị phải mua hộp thuốc khác cho ông uống. Như bao lần khác, không cần đơn, chị Nguyễn Thu Hoa cũng mua được thuốc một cách dễ dàng.

“Tôi mua thuốc không cần mang theo đơn. Những thuốc này tôi nhớ tên rồi đến hiệu thuốc mua thì họ bán cho hoặc kể triệu chứng bệnh thì họ sẽ bán. Tôi chỉ mang theo đơn khi nào không nhớ tên thuốc”, chị Hoa cho biết.

Việc quản lý bán thuốc chữa bệnh đã có Thông tư, Quyết định của bộ Y tế từ năm 2008 quy định rõ các danh mục về thuốc không kê đơn và thuốc phải theo đơn. Tuy nhiên, trên thực tế, một số hiệu thuốc vì chạy theo lợi nhuận đã không thực hiện nghiêm túc quy định dẫn đến tình trạng bán thuốc không kê đơn hoặc bán thuốc quá liều, khiến người bệnh "tiền mất tật mang" mà bản thân họ cũng không biết nguyên nhân do đâu.  

Tình trạng cả người mua và người bán thuốc không cần đơn của bác sĩ đang diễn ra khá phổ biến tại nhiều hiệu thuốc tây. Việc mua bán thuốc không đơn không chỉ xảy ra đối với các loại thuốc thường dùng như kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, tiêu hóa, thuốc bổ… mà cả các loại thuốc thuộc diện bắt buộc phải bán theo đơn và theo dõi chặt chẽ cũng được một số cửa hàng thuốc bán mà không cần đơn của bác sĩ.

Chủ một hiệu thuốc tại quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Cái này thì ít có đơn lắm, tôi là người bán và cũng là người trực tiếp tư vấn. Tôi học Dược ra, nên tự hỏi triệu chứng của bệnh nhân rồi bán thuốc. Khu này nhiều dân lao động, tôi thường bán theo nhu cầu của khách, ít khi có đơn”.

Nghị định 176/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực sẽ góp phần siết chặt tình trạng mua, bán thuốc không theo đơn của bác sĩ. Ông Đặng Văn Chính, Chánh thanh tra Bộ Y tế cho biết: Muốn giải quyết được tình trạng này, cần có sự thực hiện nghiêm từ hai phía là người bán và người mua, trong đó, ý thức người dân là vấn đề cốt lõi. Chỉ khi người bệnh nắm được tác hại và mức độ nguy hiểm của việc sử dụng thuốc không theo đơn thì họ mới có ý thức được việc khám chữa bệnh đúng cách. Để quy định thực sự đi vào thực tế và hiệu quả thì cần có biện pháp tuyên truyền thiết thực và sâu rộng đến từng đối tượng.

Ông Đặng Văn Chính cho rằng: “Bây giờ phải tích cực thanh tra, kiểm tra, có những tập huấn để giáo dục chủ cửa hàng thực hiện các quy định, thông tin tới nhân dân để nhân dân thực hiện đúng. Bên cạnh đó, chủ yếu là hậu kiểm, khi thanh tra, kiểm tra các nhà thuốc sẽ yêu cầu họ phải xuất trình các đầu thuốc nhập vào, cái tồn hiện tại ở thời điểm kiểm tra, thanh tra, so với những đơn đã bán rồi để đánh giá”.

Nhiều sự cố đáng tiếc đã xảy ra với người sử dụng thuốc không theo đơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của chính người bệnh. Trước những tác hại khôn lường của việc sử dụng thuốc không theo hướng dẫn của bác sĩ, người dân cũng cần nâng cao ý thức, sử dụng thuốc theo đơn để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra./.