Theo thống kê từ Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), trong năm 2012, có tới 40% cơ quan, doanh nghiệp trong cả nước có hệ thống internet bị tấn công bởi những hacker và những mã độc hại. Những phần mềm không muốn gây ảnh hưởng tới dữ liệu của 54% máy tính ở trong nước. Ngoài ra, nhiều loại virus xâm nhập trên 30% hệ thống máy tính của Việt Nam.

Những yếu tố trên đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình làm việc, lợi nhuận kinh doanh cũng như dữ liệu thông tin của các đơn vị. Tuy nhiên, điều đáng nói là họ không biết cách xử lý khi gặp phải xử cố bị tấn công hệ thống thông tin. Chính vì vậy, cần có những biện pháp quyết liệt để đảm bảo cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), an toàn thông tin và hệ thống internet. Đây là nội dung chính tại buổi tọa đàm An toàn thông tin số do Bộ Thông tin-Truyền thông tổ chức sáng 14/3.

anh-ngoai.jpg
Đại biểu tham dự Tọa đàm

Theo ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc VNCERT, để đảm bảo an toàn thông tin cho các cơ quan, doanh nghiệp, Bộ Thông tin-Truyền thông cần chỉ đạo các Sở Thông tin-Truyền thông tuyên truyền và tập huấn cho các cơ quan, doanhg nghiệp trong cả nước nâng cao nhận thức đảm bảo an toàn thông tin và kỹ năng tự xử lý nếu bị những mã độc hại, hacker tấn công hệ thống dữ liệu.

Bên cạnh đó là Bộ cần có chiến lược xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực CNTT đạt trình độ và kỹ năng chuẩn quốc tế để có thể ứng cứu khẩn cấp cho các cơ quan, doanh nghiệp trong những trường hợp bị hacker và những mã độc hại tấn công.

Ông Pierre Noel, Giám đốc kiêm cố vấn An ninh thông tin của Microsoft ở châu Á cho rằng, Việt Nam cần có những biện pháp để ngăn chặn sự tấn công trên internet vì mục đích chủ ý hay trục lợi. Đó là tình trạng dùng máy tính để phát tán tin nhắn rác, thư từ có nội dung độc hại hay hoạt động “ăn cắp” dữ liệu của tội phạm công nghệ cao với mục đích rút tiền từ ngân hàng, khách hàng sử dụng điện thoại, mua bán trực tuyến trên internet./.