Trong Báo cáo toàn cảnh đầu tiên về hiện trạng an toàn thông tin (ATTT) của Việt Nam công bố ngày 18/11 tại TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), ông Ngô Vi Đồng đã quan ngại về tình trạng ứng dụng ATTT ở Việt Nam “không đủ mạnh để có thể ngăn ngừa và chống lại các cuộc tấn công qua mạng Internet, thậm chí là những cuộc tấn công đơn giản”. Báo cáo được đưa ra trong Ngày An toàn thông tin Việt Nam, lần đầu tiên được VNISA và Sở Thông tin-Truyền thông TP Hồ Chí Minh tổ chức.

VNISA cho biết: từ đầu năm đến nay, tỷ lệ vi phạm ATTT và số máy tính nhiễm vi-rút ở Việt Nam đã tăng nhanh chóng. Hơn 40 vụ án “công nghệ cao” gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng đã bị phát hiện và xét xử. Khảo sát mới nhất của VNISA đối với hơn 200 doanh nghiệp, tổ chức hành chính khu vực phía Nam cho thấy không chỉ nhận thức mà đầu tư vào hệ thống phòng thủ an ninh mạng cũng rất thấp khiến ATTT ở các đơn vị này ở mức dưới trung bình. Hơn 40% doanh nghiệp không có hệ thống tường lửa (firewall), 70% không có quy trình xử lý sự cố ATTT và 85% không có chính sách ATTT. Khảo sát này cũng cho thấy Việt Nam hiện thiếu trầm trọng nguồn nhân lực bảo mật thông tin có trình độ và việc đào tạo ATTT ở các trường đại học còn rất manh mún và tự phát.

VNISA kiến nghị cần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong công tác phòng chống tội phạm công nghệ cao và tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ATTT. Hiệp hội này cũng đề xuất TP Hồ Chí Minh lập một Trung tâm đầu mối về ứng cứu sự cố máy tính, tạo điểm tựa cho các cơ quan, doanh nghiệp và công dân trong khu vực trong vấn đề ATTT. Các doanh nghiệp được khuyến cáo sử dụng các sản phẩm, công nghệ bảo mật nội địa vì tính chất đặc thù của lĩnh vực an ninh thông tin và đầu tư dài hạn, hoàn chỉnh cả về công nghệ, thiết bị, nhân lực lẫn quy trình đảm bảo ATTT. Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông TP Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà cho biết năm 2008, Sở sẽ hoàn tất việc xây dựng mô hình tổng thể an toàn mạng và an ninh thông tin cho hơn 80 sở, ngành, quận, huyện./.