Bốn doanh nghiệp nội dung số vừa bị xử phạt, với tổng số tiền lên đến hơn 1,7 tỷ đồng do có nhiều hành vi sai phạm, trong đó, nặng nhất là phát tán tin nhắn rác, tin lừa đảo. Đây không phải là những doanh nghiệp đầu tiên bị xử phạt. Hành vi phát tán tin nhắn rác từng bị lên án, từng bị xử phạt rất nhiều lần, nhưng vì sao vẫn tồn tại? Nói chuyện văn hóa trong việc phát tán tin nhắn rác vào lúc này có phải là điều cần thiết?.

Bốn doanh nghiệp bị phạt lần này gồm: Tinh Vân Telecom, Hà Thành, Lạc Hồng và E-Way với mức phạt từ  80 triệu đồng đến 929 triệu đồng, trong đó đáng lên án là các Công ty Lạc Hồng, Hà Thành và E-Way đã liên kết với nhau trong kinh doanh tin nhắn, dịch vụ nội dung số để vi phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tin nhắn có nội dung đồi trụy. Tuy vậy, đây chỉ được coi là một hồi chuông nhỏ được gióng lên sau hàng loạt các vụ khiếu nại của người tiêu dùng vì bị quấy rầy do liên tục nhận được tin nhắn rác vào dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ vừa qua. Trên thực tế, hiện tượng này diễn ra khá lâu và liên tục bị báo chí chỉ trích trong suốt thời gian qua.Thử đi tìm nguyên nhân của vấn đề. Có lẽ không cần tìm hiểu kỹ, ai cũng thấy rõ, nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là lợi nhuận của các nhà mạng. Các số liệu điều tra cho thấy, mỗi năm, các nhà mạng thu về từ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng. Chỉ xin đơn cử năm 2011, doanh thu từ các tin nhắn giải trí của các nhà mạng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số, có đầu số lên đến 7.000 tỷ đồng. Như thế đủ thấy “sức hấp dẫn” từ lợi nhuận mà các tin nhắn đem lại cho các nhà mạng cao đến mức nào.

Theo phân tích của các chuyên gia, một nguyên nhân khác là do tỷ lệ phân chia lợi nhuận giữa các nhà mạng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số, có đầu số chưa công bằng, các nhà mạng bao giờ cũng hưởng một tỷ lệ khá cao. Do vậy, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số phải tìm cách phát triển tin nhắn rác để quảng cáo dịch vụ, thu hút người sử dụng. Việc làm này nhằm bù lại tỷ lệ lợi nhuận thu về quá ít của họ.

Một số liệu điều tra của thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, mỗi năm có hàng trăm tỷ tin nhắn được gửi đến thuê bao và có tới 10% trong số này có nội dung quảng cáo. Riêng với tin nhắn rác và lừa đảo từ các thuê bao di động trả trước, mỗi giờ có tới 10.000 tin được phát tán. Một con số không hề nhỏ.

Điều đáng nói là những tin nhắn này thuộc đủ loại tin nhắn tạp nham. Nào là tử vi bói toán tình duyên gia đạo, cá độ bóng đá, đố vui có thưởng, quà tặng âm nhạc… Mà hễ ai lỡ dại bấm máy nhắn tin trả lời thì sẽ tiếp tục bị quấy nhiễu, dụ dỗ nhắn tiếp cho đến khi hết tiền trong tài khoản nếu là thuê bao trả trước, hay cuối tháng móc sạch túi trả cước nếu là thuê bao trả sau!

Nạn nhân của các mánh lừa đảo công khai này hầu hết là giới trẻ. Tin nhắn trả lời lần đầu là 15.000 đồng, rồi sau đó là cấp số nhân lên năm bảy chục, rồi cả trăm nghìn đồng. Và những nhà mạng “đồng lõa” mỗi ngày ung dung bỏ túi nhiều tỷ đồng.

Một người thiếu văn hóa, say sưa quậy phá hay làm phiền hàng xóm chắc chắn sẽ bị công an mời lên trụ sở cảnh cáo, xử phạt hành chính, có khi còn bị xử lý hình sự. Trong khi những tổng đài nhắn tin thường xuyên nhắn tin lừa gạt, làm phiền hàng vạn người sử dụng điện thoại, vẫn ngang nhiên hoạt động mà không hề bị pháp luật “sờ gáy”.

Trong trường hợp này, rõ ràng không phải các nhà mạng không biết những hành vi lừa gạt của các tổng đài nhắn tin. Nhưng biết mà không làm gì thì có khác gì “bảo kê”, nhắm mắt làm ngơ để cho các đối tác tự tung tự tác lừa gạt và làm phiền khách hàng của chính mình để thu lợi. Đây chính là những biểu hiện thiếu văn hóa của các tổng đài nhắn tin- hay chính xác hơn của các nhà mạng./.