Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, số lượng lao động xã hội trong độ tuổi lao động(từ 15-60 tuổi) đang làm việc trong các thành phần kinh tếcó hơn 50,3 triệu người; số lao động làm công, hưởng lương có khoảng 15 triệu người, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có hơn 1,7 triệu người. Số lao động đang làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài có tới hàng chục vạn người. Mỗi năm cả nước có trên 1 triệu người bước vào tuổi lao động.
Cơ cấu đội ngũ lao động chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ trong các ngành giáo dục, y tế, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng và khu vực kinh tế ngoài nhà nước, giảm tỷ lệ trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và khu vực kinh tế nhà nước.
Nhìn chung, lao động nước ta có tuổi đời trẻ, trình độ học vấn, nghề nghiệp khá hơn trước, có khả năng tiếp cận với khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt khoảng 42%, đào tạo nghề khoảng 30%. Ở một số ngành, nghề như dầu khí, hàng không, điện, điện tử - tin học, bưu chính - viễn thông, xây dựng cầu, hầm, thuỷ điện, lắp máy... chất lượng nguồn lao động cao hơn các ngành, nghề khác.
Trong những năm qua, do Nhà nước có những cơ chế, chính sách khuyến khích tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề và do người lao động tích cực tự tìm việc làm cho nên vấn đề giải quyết việc làm đã đạt một số kết quả tích cực, hàng năm đã giải quyết được hơn 1,0 triệu việc làm mới cho người lao động.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới dẫn đến kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, hàng chục ngàn doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, làm cho hàng trăm ngàn lao động bị thiếu việc làm, thất nghiệp./.