Ngày 23/10, TAND tỉnh Hà Nam mở phiên tòa phúc thẩm vụ án dân sự về việc tranh chấp thừa kế di sản của cụ Lê Thị Tuyến (SN 1915, trú tại thôn Văn Phái, xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên).
Nguyên đơn trong vụ án được tòa phúc thẩm xác định là bà Trần Thị Thoan (SN 1949, trú tại Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) và bị đơn ông Nguyễn Văn Tĩnh (SN 1963)- ở địa chỉ xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Ông Tĩnh là con trai bà Nguyễn Thị Nhiền (SN 1941) ở cùng địa chỉ xã Bạch Thượng. Bà Nhiền được Tòa phúc thẩm xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà Trần Thị Thoan là 2 luật sư ông Lê Minh Tuấn, Trần Mạnh Tùng, Công ty Luật TNHH Hà Đô (Đoàn luật sư TP Hà Nội).
Phiên tòa phúc thẩm mở ra theo kháng cáo của các bên liên quan.
Trước đó, bà Trần Thị Thoan kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm khi cho rằng, tòa sơ thẩm nhận định, đánh giá chưa đúng, còn nhiều thiếu sót và áp dụng quy định của pháp luật không chính xác.
Bà Nguyễn Thị Nhiền và anh Nguyễn Văn Tĩnh cũng có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Trình bày tại phiên tòa bà Trần Thị Thoan đề nghị Tòa xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ Tuyến. Bà Thoan cho rằng bà Nhiền không phải là con cụ Tuyến.
Tài sản cụ Tuyến để lại là thửa đất 842 m2 và 603 m2 đất nông nghiệp di sản trên đất là nhà cấp 4 xây năm 1991 do cụ Tuyến xây.
Bà Thoan không chấp nhận các chi phí liên quan đến chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ bà của ông Nguyễn Văn Tĩnh; Không đồng ý với việc xác định tài sản trên đất đối với phần định giá; Việc cấp sổ đỏ 842m2 đất cho ông Tĩnh trên cơ sở kê khai và xác minh nguồn gốc đất của xã.
Trình bày quan điểm đối với các lời khai của bà Thoan, ông Nguyễn Văn Tĩnh hoàn toàn bác bỏ, anh Tĩnh cho rằng năm 1986 vợ chồng ông ra ở riêng ở với cụ Lê Thị Tuyến trên gian nhà trên lợp ngói nhà vách đất.
Năm 1989, dỡ gian nhà vách đất xây một gian nhà 4 gian mái bằng, xây bằng gạch đóng tay, thuê của cụ Bùi Văn Hoạt người cùng thôn xây dựng sinh sống đến nay. Bên cạnh đó, anh Tĩnh còn có những tài sản trên đất khác như: nhà mái bằng 2 tầng xây năm 2014, nhà cấp 4…
Ngoài ra, Anh Tĩnh cũng không công nhận việc đưa tiền ma chay của bà Thoan cho bà Nhiền và cho rằng, bà Thoan không hề chăm sóc cụ Tuyến.
Khi cụ Tuyến mất, anh và mẹ là bà Nhiền làm ma chay cho cụ Tuyến. Tiền cải táng và xây mộ cho cụ cũng do mẹ con anh chi phí lo liệu.
Trình bày quan điểm, luật sư Trần Mạnh Tùng cho rằng, về nhận định của TAND cấp sơ thẩm đối với giá trị giảm trừ di sản là “công sức đóng góp của anh Tĩnh” thì diện tích đất được coi là phần di sản được coi là phần di sản của cụ Tuyến để lại mà chưa có di chúc hay văn bản hợp pháp nào để xác định hàng thừa kế, người thừa kế hợp pháp của cụ Tuyến thì phải tuân theo quy định của pháp luật.
Theo đó, những giá trị tài sản ông Tĩnh đóng góp trên mảnh đất của cụ Tuyến, luật sư đề nghị HĐXX cân nhắc, xem xét thấu đáo.
Giá trị tài sản được cho là hợp pháp thì phải được hình thành trên cơ sở hợp pháp của pháp luật.
Theo luật sư, UBND huyện Duy Tiên đã có Quyết định GCN Quyền sử dụng đất đã cấp cho ông Tĩnh, việc thu hồi này dẫn đến hệ quả toàn bộ công trình xây dựng trên đất bị thu hồi cần được xem xét và đánh giá. Tòa án nhân dân huyện Duy Tiên không thể bảo vệ cho sai phạm.
Về việc cấn trừ giá trị di sản đối với công sức đóng góp của anh Tĩnh (tiền công chăm sóc, tiền thuê người giúp việc…) trong 10 năm sinh sống cùng cụ Tuyến, theo luật sư, ông Tĩnh và cụ Tuyến đều không có thỏa thuận dân sự liên quan đến việc bỏ chi phí chăm sóc cụ Tuyến để sau này được trừ vào di sản thừa kế.
Việc con cái, cháu chắt chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ là nghĩa vụ tự nhiên không thể đem ra để tính công sức và giảm trừ vào giá trị tài sản thừa kế.
TAND cấp sơ thẩm đã không xem xét toàn diện và không có căn cứ để xác định tiền thuê giúp việc và tiền sinh hoạt hàng tháng mà đã ghi nhận chi phí là thiếu cơ sở.
Luật sư cũng cho rằng, ông Tĩnh không phải là hàng thừa kế thứ nhất của cụ Tuyến và việc đối trừ chi phí không có cơ sở nêu trên vào giá trị di sản của cụ Tuyến là hoàn toàn trái với các nguyên tắc của Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về chế định thừa kế.
Việc TAND cấp sơ thẩm chia phần di sản của cụ Tuyến cho bà Thoan mà phần nghĩa vụ tài sản lại lớn hơn phần di sản được hưởng là hoàn toàn trái quy định pháp luật.
Về hồ sơ thẩm định giá, luật sư Lê Minh Tuấn đề nghị xem xét: việc thẩm định giá căn cứ Bộ Luật Dân sự 2015, tuy nhiên toàn bộ hồ sơ không đưa ra căn cứ pháp lý xác định các số liệu.
Ví dụ: phải căn cứ vào Quyết định của UBND tỉnh Hà Nam tại thời điểm định giá (năm 2017).
Bên cạnh đó, trình tự thủ tục thẩm định phải ghi ý kiến từng thành viên hội đồng thẩm định giá, tuy nhiên trong hồ sơ không có ý kiến của thành viên thẩm định giá.
Ông Tĩnh là bị đơn, đồng thời là người có tài sản liên quan, tại phiên tòa này cũng không công nhận giá trị thẩm định của TAND huyện Duy Tiên.
Căn nhà ông Tĩnh xây dựng vào năm 1989, đến nay là gần 30 năm sử dụng, đây là nhà cấp 3 (mái bằng), theo quy định của pháp luật thời gian sử dụng 25 năm, dẫn đến việc thẩm định giá là không chính xác, đề nghị HĐXX thẩm định giá lại theo quy định pháp luật.
Từ các căn cứ trên luật sư đề nghị hủy bản án sơ thẩm, theo Khoản 1, Điều 310 Bộ Luật Dân sự.
Trước tòa, ông Nguyễn Văn Tĩnh, bà Nguyễn Thị Nhiền cũng nhất trí quan điểm của luật sư nguyên đơn thẩm định lại giá trị di sản.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam đề nghị tạm dừng phiên tòa để định giá lại.
Từ các kiến nghị trên, căn cứ theo quy định pháp luật, Chủ tọa phiên tòa đã quyết định tạm ngừng phiên tòa để thu thập chứng cứ bổ sung./.
Người phụ nữ được chia thừa kế bỗng trở thành con nợ!?