Ông Vũ Văn Đảo – Giám đốc Công ty Việt Séc và ông Đinh Văn Quyết – Giám đốc Công ty Vũng Tàu- Maria mới đây cho biết, suốt 4 năm qua, đã nhiều lần có đơn kêu oan và tố cáo các hành vi cố tình khởi tố, truy tố người không có hành vi phạm tội của Cơ quan điều tra (PC44) và Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM tới Cục Điều tra Hình sự - Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Ông Đảo và ông Quyết là hai người bị cáo buộc tội Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn trong vụ án Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ xảy ra vào ngày 2/8/2013.
Tàu CSB do Cty CP công nghệ Việt Séc đóng mới bằng vật liệu PPC. |
Theo ông Đảo, những tố cáo của mình có căn cứ pháp lý, có bằng chứng đầy đủ. Ông Đảo cho rằng, các vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng mang tính hệ thống ngay từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can đã cho thấy những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng vụ án này đã bất chấp các quy định của pháp luật.
Theo đó, ngày 4/9/2013, Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Các quyết định khởi tố bị can được Viện kiểm sát phê chuẩn vào ngày 23/10/2013, tức là sau 49 ngày, vi phạm quy định tại khoản 4, Điều 126 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS).
Việc cơ quan điều tra khởi tố bị can ngày 4/9/2013 khi chưa có đủ căn cứ xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội là vi phạm khoản 1, Điều 126 BLTTHS. Việc làm này là xâm phạm quyền con người, quyền công dân.
Ngày 24/10/2013, Cơ quan điều tra đã thi hành các quyết định khởi tố và lệnh bắt bị can để tạm giam. “Chúng tôi đã phản đối các quyết định tố tụng và ghi ngay trong biên bản bắt người ngày 24/10/2013 là không phạm tội theo Điều 214 BLHS”, ông Đảo cho hay.
Khi hết thời hạn gia hạn điều tra ngày 4/9/2014, các bị can đã có đơn yêu cầu đình chỉ điều tra vào ngày 7/9/2014. Thay vì đình chỉ điều tra theo quy định tại khoản 6 Điều 119 BLTTHS “Khi đã hết thời hạn gia hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra” thì Cơ quan điều tra lại ban hành Bản kết luận điều tra số 372-25/KLĐT-PC44-Đ3 ngày 12/9/2014 trái pháp luật (quá thời hạn điều tra 8 ngày) với nội dung chứng minh tội phạm hoàn toàn sai trái….
Những vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố vụ án Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ được nêu trên theo ông Vũ Văn Đảo là một trong những nguyên nhân gây oan sai đối với ông và Đinh Văn Quyết.
Liên quan đến quá trình tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử, trước đó, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Mai Khanh – Đoàn Quốc hội Ninh Bình trong bài phát biểu của mình tại nghị trường cho rằng, qua một số vụ án, nguyên nhân oan sai do nhận thức của các cơ quan tiến hành tố tụng trong thượng tôn pháp luật, trong thực hiện nghiêm ngặt trình tự, thủ tục tố tụng.
“Có nhiều vụ án xét xử, tòa án xác định có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, đã chỉ ra được những vi phạm đó, nhưng quan điểm của một số điều tra viên nói chung thì đấy là thiếu sót nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án”, đại biểu Mai Khanh nêu.
Theo đại biểu Quốc hội Mai Khanh, theo quy định của pháp luật về mặt tố tụng, chỉ có xác định vi phạm hay không vi phạm thủ tục tố tụng, chứ không có “thiếu sót” về mặt tố tụng.
“Chính vì thế nhận thức khác nhau về quan điểm tố tụng này nên có nhiều vụ án phải xem xét lại nhiều lần, đến bây giờ chưa có kết quả”, ông Khanh nói.
Ông Mai Khanh cho hay, vấn đề vi phạm tố tụng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử cần phải khắc phục không chỉ đảm bảo sự thượng tôn pháp luật mà còn bảo đảm được quyền lợi của công dân, quyền con người. Bởi vậy, những quy định về thủ tục tố tụng trong hoạt động tố tụng theo ông Khanh cần phải thực hiện nghiêm túc.
Quay lại diễn biến vụ án Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ, mới đây, Đoàn Luật sư Bà Rịa – Vũng Tàu cũng nêu lên 9 vi phạm của cơ quan tiến hành tố tụng TP.HCM trong hoạt động điều tra đối với vụ án. Các chuyên gia pháp lý, cũng khẳng định rằng, vụ án Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ có dấu hiệu oan sai./.
9 vi phạm trong điều tra vụ án Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ