Theo dự kiến, chiều nay (14/5), HĐXX cấp phúc thẩm sẽ tuyên án với các bị cáo trong vụ án Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) liên quan đến dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.

Phiên toà được mở theo đơn kháng cáo của 15/22 bị cáo. Tuy nhiên, trước khi diễn ra phiên xét xử, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã có đơn xin rút kháng cáo kêu oan và nêu lý do sức khoẻ để xin vắng mặt ở phiên toà. Do đó, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định đình chỉ phúc thẩm với bị cáo Thanh và bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, đồng nghĩa với việc giữ nguyên cả về hình phạt hình sự (tổng hình phạt chung thân cho 2 tội) cũng như trách nhiệm bồi thường dân sự với bị cáo Trịnh Xuân Thanh.

Trong ngày đầu diễn ra phiên toà, khi được gọi lên kiểm tra căn cước, con trai bị cáo Trịnh Xuân Thanh là anh Trịnh Hùng Cường xin nộp đơn rút kháng cáo liên quan đến một số tài sản như biệt thự và xe hơi.

dinh_la_thang_phuc_thamm2_bqtk.jpg
Các bị cáo trong vụ án xảy ra tại PVN và PVC tại phiên toà phúc thẩm. Ảnh: TTXVN

Theo đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội, tại phiên tòa phúc thẩm xét thấy hầu hết các bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, bị cáo Đinh La Thăng không thừa nhận trách nhiệm như bản án sơ thẩm quy buộc. Bị cáo cho rằng, để xảy ra các sai phạm trong việc ký kết hợp đồng và tạm ứng cho PVC là trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trực tiếp thực hiện.

Bị cáo Thăng chỉ thừa nhận trách nhiệm là Chủ tịch Hội đồng thành viên, do sức ép về tiến độ nên nôn nóng, chưa chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên nên để xảy ra hậu quả đáng tiếc. VKS xét thấy không có tình tiết giảm nhẹ mới, do vậy đề nghị giữ nguyên quyết định bản án sơ thẩm đối với bị cáo Đinh La Thăng (13 năm tù và bồi thường 30 tỷ đồng về tội Cố ý làm trái).

Tuy vậy, sau phần tranh luận, VKSND Cấp cao tại Hà Nội đã đề nghị áp dụng thêm tình tiết bị cáo Đinh La Thăng khai báo thành khẩn, nhưng vẫn giữ quan điểm không đề nghị giảm hình phạt vì “13 năm tù là nghiêm khắc nhưng cần thiết”.

Trong khi đó, các luật sư của ông Thăng cho rằng thân chủ của mình nhận thức trách nhiệm, tuy nhiên ở một tội khác chứ không phải tội Cố ý làm trái. Nhiều lần khai trước toà ông Thăng cũng nói rằng mình không khi nào chỉ đạo làm trái và trong lời nói sau cùng mong HĐXX cho chuyển tội danh sang Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Liên quan đến trách nhiệm bồi thường dân sự, bị cáo Đinh La Thăng cho biết “tôi có căn chung cư đang ở nếu bán cũng chỉ được phần nhỏ so với số tiền phải bồi thường. Tôi sẵn sàng cùng gia đình khắc phục khi tòa xử đúng trách nhiệm”.

Một cựu lãnh đạo PVN khác là bị cáo Phùng Đình Thực – cựu Tổng Giám đốc lại được ghi nhận có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhất. Thậm chí, đại diện VKS còn nhấn mạnh, bị cáo có rất nhiều cống hiến, thể hiện qua những phần thưởng cao quý mà bị cáo nhận được trong quá trình công tác.

Tại phiên toà sơ thẩm, bị cáo Phùng Đình Thực bị tuyên 9 năm tù và có trách nhiệm bồi thường 7,5 tỷ đồng. Ở phần luận tội trong phiên toà phúc thẩm, xét vai trò của bị cáo trong vụ án, VKS đề nghị HĐXX giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo. Quá trình tranh luận, luật sư của ông Thực cho biết gia đình bị cáo đã đặt cọc nhà để bồi thường một phần hậu quả và bị cáo Thực cũng hứa sẽ cố gắng khắc phục tối đa.

Thái độ thành khẩn trên của bị cáo tiếp tục được ghi nhận và VKS đề nghị có thể xem xét giảm nhẹ tối đa cho bị cáo. Dù nêu đề nghị giảm từ 2-3 năm tù cho nhóm bị cáo bị toà sơ thẩm tuyên phạt 9-10 năm tù, trong đó có bị cáo Thực, song cơ quan công tố còn nhấn mạnh thẩm quyền của HĐXX có thể phán quyết “giảm sâu hơn”.

Trong lời nói sau cùng, bị cáo Phùng Đình Thực mong không bị cách ly khỏi xã hội để có thể tiếp tục công việc có ích mà ông gắn bó hàng chục năm với ngành dầu khí.

Cùng bị toà sơ thẩm tuyên mức án 9 năm tù và có trách nhiệm bồi thường 7,5 tỷ đồng, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh – cựu Phó Tổng Giám đốc PVN được ghi nhận có thái độ tích cực nhất trong khắc phục hậu quả.

Ngay trước phiên sơ thẩm, theo lời bị cáo là dù chưa biết trách nhiệm của mình đến đâu, nhưng với vai trò ở tập đoàn, bản thân thấy có lỗi nên gia đình đã có khắc phục ngay số tiền 2 tỷ đồng. Sau khi bị tuyên án, gia đình bị cáo bồi thường thêm 4 tỷ đồng. Và khi phiên toà phúc thẩm đang diễn ra, gia đình ông Khánh tiếp tục nộp nốt số tiền 1,5 tỷ đồng để bồi thường hoàn toàn phần trách nhiệm dân sự mà toà cấp sơ thẩm đã tuyên.

Đánh giá thái độ trên, VKSND Cấp cao từ đề nghị xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt ở phần luận tội đã đề nghị xem xét giảm nhẹ tối đa cho bị cáo Khánh trước khi bị cáo nói lời sau cùng.

Còn bị cáo Vũ Đức Thuận – cựu Tổng Giám đốc PVC – một trong hai bị cáo bị quy buộc phạm cả hai tội Cố ý là trái và Tham ô tài sản (cùng với Trịnh Xuân Thanh), tại phiên toà phúc thẩm cũng thừa nhận hành vi sai trái của mình.

Trong phần luận tội, VKS cho rằng, quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối lỗi... và nhất là có trách nhiệm cùng gia đình khắc phục hậu quả cho tội tham ô tài sản theo bản án sơ thẩm nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo ở tội tham ô tài sản. Tuy nhiên, trước khi bị cáo nói lời sau cùng, đại diện VKS đã đề nghị giảm cho bị cáo 1 năm tù ở tội Cố ý làm trái và 2-3 năm tù ở tội Tham ô tài sản.

Ngoài ra, VKSND Cấp cao tại Hà Nội còn đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần phần hình phạt cho nhiều bị cáo như: Lê Đình Mậu – cựu Phó Trưởng ban Kế toán và Kiểm toán của PVN; Nguyễn Anh Minh - nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC; Bùi Mạnh Hiển - nguyên Chánh Văn Phòng PVC; Nguyễn Mạnh Tiến - nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC... Ngược lại, VKS cũng đề nghị bác kháng cáo của một số bị cáo.

Liên quan vụ án này, PVN và PVC cũng có văn bản gửi các cơ quan chức năng, trong đó có HĐXX, đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho nhiều bị cáo từng là cán bộ của đơn vị. Điều này một lần nữa được chính đại diện của hai đơn vị trên khẳng định tại phiên toà phúc thẩm./.