Đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội nêu quan điểm này khi đối đáp quan của luật sư bào chữa cho các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) trong phiên xét xử phúc thẩm, chiều nay (11/5).
Với những bị cáo bị toà sơ thẩm tuyên 9 đến 10 năm tù thì VKSND cấp cao đề nghị giảm từ 2-3 năm tù. Các bị cáo bị tuyên 6 năm thì đề nghị giảm 2 năm. Còn với Vũ Đức Thuận – nguyên TGĐ PVC, VKS đề nghị giảm 1 năm ở tội cố ý làm trái và giảm từ 2-3 năm ở tội tham ô. Cơ quan này cũng đề nghị giảm án với bị cáo Nguyễn Anh Minh, Lê Đình Mậu.
Với bị cáo Đinh La Thăng, VKS áp dụng thêm tình tiết khai báo thành khẩn, tuy nhiên không đề nghị giảm nhẹ hình phạt. “13 năm tù là nghiêm khắc nhưng là sự nghiêm khắc cần thiết do tính chất vụ án và vai trò của bị cáo” – đại diện VKS nêu quan điểm.
"Ai cũng yêu cầu thu hồi triệt đểtài sản của nhà nước"
Sau khi các luật sư và bị cáo nêu quan điểm tranh luận, đại diện VKS đã đối đáp cụ thể từng trường hợp. Trước hết, đại diện VKS khẳng định đến thời điểm này không có bị cáo nào kêu oan. Riêng bị cáo Đinh La Thăng và bị cáo Phùng Đình Thực cho rằng mình có phạm tội nhưng là thiếu trách nhiệm gây hậu quả chứ không phải cố ý làm trái.
Nhấn mạnh đây là vụ án có đồng phạm nên lời khai của bị cáo này là chứng cứ để xác định hành vi của bị cáo khác, VKS cho biết, 8/14 bị cáo có kháng cáo thì không phủ nhận về tội cố ý làm trái, chưa kể bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị kết án chung thân nhưng đã rút kháng cáo.
Hơn nữa, nhiều kết luận giám định và giám định viên đến phiên toà trình bày bảo vệ kết luận của mình thực hiện đúng quy định pháp luật. VKSND cấp cao đồng quan điểm cho rằng kết luận giám định tài chính hoàn toàn chính xác và là căn cứ quan trọng để quy kết với các bị cáo.
Các bị cáo trong vụ án xảy ra tại PVN và PVC |
Nhấn mạnh tinh thần cải cách tư pháp, đại diện VKS có mặt ở các khâu tố tụng và khẳng định quá trình điều tra, truy tố, xét xử, sơ thẩm và phúc thẩm đảm bảo đúng pháp luật, không có vi phạm. Qua tiếp xúc, dù có nhiều ý kiến nhưng nhìn chung đều yêu cầu giải quyết vụ án phải khách quan, công bằng và có tính giáo dục pháp luật. Điều đặc biệt mà ai cũng yêu cầu là thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, đặc biệt là tài sản của nhà nước, của nhân dân.
“Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, cứ cấp trên chỉ đạo là làm, dù biết sai cũng làm” – đại diện VKS nhấn mạnh và cho biết thêm chưa đề nghị mức án cụ thể vì riêng với vụ án này thấy vẫn có thể xem xét giảm nhẹ hình phạt qua quá trình xét xử.
"Lần đầu thấy bị cáo có nhiều cống hiến như ông Thực"
Đi vào cụ thể với từng bị cáo, trước hết là bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV PVN, đại diện VKSND cấp cao cho biết, qua xác định hành vi, soi chiếu vị trí chức năng nhiệm vụ, hành vi của bị cáo để quy kết bị cáo có vai trò chính trong việc dẫn đến gây thiệt hại.
Còn với bị cáo Phùng Đình Thực - nguyên TGĐ PVN, dù bác quan điểm cho rằng bị cáo không nhận được 4 băn bản thể hiện bị cáo biết về sự việc vì không có cơ sở, nhưng VKS cấp cao cũng nhấn mạnh ông Thực có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Đại diện VKS cũng chia sẻ, qua tham gia rất nhiều vụ án nhưng lần đầu thấy một bị cáo có nhiều đóng góp trong quá trình công tác như ông Thực.
“Do tính chất vụ án không có căn cứ miễn trách nhiệm hình sự nhưng VKS đề nghị có thể xem xét giảm nhẹ tối đa cho bị cáo” – đại diện VKS nêu quan điểm, đồng thời lưu ý thêm, với điều kiện sức khoẻ, gia đình và đặc biệt là cống hiến của bị cáo Phùng Đình Thực thì HĐXX có thể xem xét phán quyết theo thẩm quyền.
Một cựu lãnh đạo PVN khác là ông Nguyễn Quốc Khánh, VKSND cấp cao cũng nhấn mạnh có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhất là tại phiên toà này đã khắc phục toàn bộ bồi thường nên cũng có thể xem xét cho bị cáo.
Ngoài ra, với các bị cáo khác, đại diện VKS cũng phân tích cụ thể về hành vi, quy kết và việc đánh giá các tình tiết giảm nhẹ để tiếp tục nêu quan điểm có thể giảm nhẹ cho nhiều bị cáo về hình phạt, thờ gian thử thách hoặc trách nhiệm dân sự./.