Thời gian gần đây, thông qua các doanh nghiệp cung cấp và quản lý mạng internet, Công an Thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp gửi nhiều tin nhắn cảnh báo tình trạng lừa đảo qua mạng internet, qua điện thoại...

Lừa đảo qua internet là tình trạng phổ biến trong vòng 3 năm trở lại đây. Với thủ đoạn được thay đổi liên tục và tinh vi, nhiều người dân đã "sập bẫy", chuyển vào tài khoản của các băng nhóm lừa đảo số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

lua_dao_qua_mang_tmjb.jpg
Lừa đảo qua mạng: Nhiều thủ đoạn cũ nhưng vẫn có người mắc lừa (Ảnh minh họa)
Các vụ lừa đảo chủ yếu do các băng nhóm người nước ngoài gốc châu Phi hoặc Đài Loan - Trung Quốc thực hiện. Phương thức mới nhất của các đối tượng lừa đảo chính là sử dụng hacker phá hệ thống bảo mật, đột nhập tài khỏan email của doanh nghiệp, đánh cắp các thông tin hợp đồng, tài khoản chuyển tiền, thông tin của đối tác... Sau đó, bọn chúng làm giả email của đối tác với các thông tin trùng khớp, yêu cầu doanh nghiệp chuyển tiền vào một tài khoản khác để chiếm dụng.

Các băng nhóm lừa đảo chỉ cần chi từ 1 đến 2 triệu đồng là có thể mua lại một tài khoản thẻ ATM của người dân. Cho nên, cũng dễ hiểu tại sao chúng có tới hàng trăm tài khoản ngân hàng để mang đi lừa đảo. Những người bán tài khoản ATM của mình vô tình tiếp tay cho các băng nhóm tội phạm lừa đảo. Tất nhiên, khi truy xét các vụ án lừa đảo này, chủ tài khoản thẻ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trung tá Phạm Nguyễn Sĩ Quế, Phó Đội trưởng Đội 8, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong các vụ án đã đưa ra xét xử, mức án cho những hành vi mua bán thẻ ATM từ 15-16 năm.

Trung tá Quế cảnh báo người dân không vì lợi nhuận mà cho mượn hay mua bán thẻ ATM, đây là hành vi tiếp tay cho tội phạm. 

Loại tội phạm này cũng dùng những thủ đoạn lừa đảo khá phổ biến khác như: đóng giả Việt kiều, đại gia hay bác sĩ, kỹ sư, thương gia, quân nhân Mỹ... lên mạng kết bạn với các cô gái, phụ nữ lớn tuổi, chiếm lòng tin, hứa hẹn chuyện tình cảm, sau đó ngỏ ý gửi tặng quà có giá trị lớn như tiền, vàng... để mua nhà tại Việt Nam. Tuy nhiên, chưa gửi những thứ đó thì bọn chúng bất ngờ lại viện nhiều lý do như gia đình đang gặp nạn, chuẩn bị nhận tài sản thừa kế cần tiền đóng thuế, đầu tư kinh doanh... để vay mượn tiền nạn nhân hoặc cho đồng bọn là người Việt đóng giả hải quan, thuế vụ đến nhận phí thông quan, nộp thuế, lo lót để nhận kiện hàng chứa quà...Tóm lại, bọn chúng đánh vào lòng tham, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của nhiều người để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. 

Một phương thức rất quen thuộc được cảnh báo nhiều là đối tượng lừa đảo dùng hệ thống mạng để thực hiện cuộc gọi đến các thuê bao cố định trong nước bằng hình thức lựa chọn ngẫu nhiên, sau đó giả làm người quen mượn tiền, giả danh nhân viên viễn thông thông báo nợ cước với một số tiền lớn hoặc giả mạo người đại diện cơ quan thực thi pháp luật. Bọn tội phạm công nghệ cao này đánh vào tâm lý của nạn nhân để lấy thông tin cá nhân, sau đó hù dọa tìm mọi cách để dẫn dụ nạn nhân tưởng mình đang dính vào vòng lao lý rồi yêu cầu chuyển tiền chạy án vào tài khoản định sẵn. Chỉ cần nạn nhân chuyển tiền thì hành vi chiếm đoạt gần như đã hoàn tất.

Ông Trường, một nạn nhân ở quận 9 (TPHCM) kể lại: “Tụi nó gọi điện tới đưa ra nhiều thông tin rất giống với gia đình mình, tưởng thật mình mới chuyển tiền. Đến khi bình tĩnh, định hình lại mới biết đã mắc lừa, nhưng lúc đó tiền đã chuyển rồi không kịp thu hồi lại được”.

Từ năm 2014-2016, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 58 đơn tố cáo, khởi tố 32 vụ án, 21 bị can với số tiền chiếm đoạt là hơn 22 tỉ đồng. Theo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình tội phạm lừa đảo dùng công nghệ cao diễn biến ngày càng phức tạp, thủ đoạn luôn tinh vi hơn. Ngay trong tháng 3/2017, một phụ nữ ở quận 7 đã bị lừa và chuyển số tiền hơn 1 tỷ đồng cho một đối tượng lừa đảo có tên Juliangandel với sự tiếp tay của một phụ nữ người Việt Nam giả làm nhân viên hải quan.

Mới nhất là tối 4/5, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an phối hợp với một số đơn vị vừa bắt giữ Trịnh Duy Phương (còn gọi là Tuấn Anh, 27 tuổi, quê Cà Mau) người có biệt tài giả giọng nói để lừa đảo qua điện thoại. 

Thượng tá Cao Xuân Lợi, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an TPHCM, cho biết, trong quá trình điều tra, khi kiểm tra công tác quản lý việc mở tài khoản, đã phát hiện hàng trăm trường hợp dử dụng chứng minh giả hoặc mua lại từ các tiệm cầm đồ, sòng bạc...

Công an tiếp tục khuyến cáo người dân nên cân nhắc, tỉnh táo việc chuyển tiền qua tài khoản và nhanh chóng báo với cơ quan chức năng khi nghi vấn dấu hiệu lừa đảo. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần tăng cường công tác quản lý, có thêm chế tài trong đăng ký mở tài khoản, bảo quản, sử dụng thẻ ATM được cấp nhằm phòng ngừa, răn đe việc lợi dụng để cấu kết với các băng nhóm tội phạm thực hiện hành vi lừa đảo./.