Những giọt nước mắt của Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) và người thân họ trong ngày được các cơ quan tố tụng giải nỗi oan hàng chục năm bỗng dưng họ phải gánh chịu đã nói lên nhiều điều. Đương nhiên đó là những giọt nước mắt hạnh phúc bởi “nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”, nhưng trong đó cũng ẩn chứa nỗi xót xa, cay đắng cùng cực không thể nói thành lời.
Ông Nguyễn Thanh Chấn trong ngày được xin lỗi (Ảnh: Việt Đức) |
Với bản thân ông Chấn, bị bắt vào tù oan nhưng tai tiếng mà những người thân của ông ở bên ngoài phải gánh chịu luôn khiến ông chực trào nước mắt mỗi khi nhắc tới. “Gần 4.000 ngày tôi bị giam cầm cũng là chừng đó ngày vợ tôi sống với những mặc cảm, với những lời lẽ miệt thị của hàng xóm: “Chồng nó là kẻ giết người, hiếp dâm”. Với vợ tôi, những lời nói đó còn đau hơn trăm ngàn mũi dao đâm vào tim”. Cũng vì miệng tiếng của người làng xã, mà 2 năm đầu ông Chấn đi tù, bà Chiến không thèm nhìn mặt chồng bởi bà cũng nghĩ chồng bà gây ra tội thật.
Trong những bức thư viết vội gửi về cho gia đình, vợ con, ông Chấn không lúc nào ngừng nhắc về sự oan khuất của mình: “Không biết đèn giời có soi xét cho không? Sao mà pháp luật lại có những người mất hết lương tâm, bắt người vô tội phải nhận việc tày đình”. Trong một bức thư gửi mẹ, ông Chấn viết: “Nhiều lúc con tự hỏi, mình không giết cô Hoan, sao lại phải nhận lấy tội về mình. Chỉ vì hành động tắc trách, thiếu lương tâm của người mang danh pháp luật, để bây giờ con phải chịu khổ thế này… ".
Sự kiên trì kêu oan của người thân ông Chấn cuối cùng đã được đền đáp. Ông Chấn được Tòa án Nhân dân tối cao xin lỗi công khai vào sáng 17/4/2015 tại hội trường UBND xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Có thể nỗi đau đớn, tủi nhục đè nặng tâm trí ông trong 10 năm ngồi tù đã khiến ông khó cười được trong ngày ông và gia đình được “gột rửa tội lỗi trước làng, xã” – như lời của người đại diện pháp luật cho ông phát biểu đáp từ trong buổi xin lỗi công khai.
Ông Huỳnh Văn Nén đọc bài đáp từ đã được thầy Nguyễn Thận chuẩn bị trong ngày được xin lỗi công khai (Ảnh: Việt Quốc) |
Không được “may mắn” như ông Chấn “chỉ” phải bóc 10 cuốn lịch đã được tự do, ông Huỳnh Văn Nén phải mất hơn 17 năm mới được minh oan. Trong bài đáp từ dài 3 trang giấy A4 do ông Nguyễn Thận, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh (Hàm Tân, Bình Thuận), từng là thầy giáo của ông Nén và cũng là người đã kiên trì kêu oan cho ông Nén, chuẩn bị trước, ông Nén đã bộc bạch những lời gan ruột, những lời mà ông từng khao khát có ngày được nói ra và ngày đó đã trở thành hiện thực.
“Tôi là Huỳnh Văn Nén, người được các cơ quan báo chí gọi là người tù thế kỷ, với hai bản án oan cho tội giết người trong 2 vụ án. Tôi là người đã đi tù hơn 17 năm vì sự sai sót có chủ đích của những người làm việc trong cơ quan tố tụng.
Hơn 17 năm sau tôi trở về, làng xóm thay đổi, chỉ có nhà tôi là xơ xác.
17 năm khi tôi ở tù, mẹ tôi ra đi với nỗi lo đau đáu, đến trước khi nhắm mắt, bà vẫn nói với cha tôi rằng, hãy lo cho tôi.
Khi bị rơi vào tận cùng của nỗi đau, ý chí, nghị lực sống của con người ta trở nên mãnh liệt hơn lúc nào hết. Ông Nén cho biết, có người đã hỏi ông khi ở tù đã bao giờ ông nghĩ sẽ chết, ông khẳng định là không bởi ông có niềm tin vào công lý, ở đây người ta làm oan cho ông, ở chỗ khác sẽ minh oan cho ông. Kiên định với niềm tin đó, trong suốt hơn 17 năm ngồi tù, ông Nén không nhận một mức ân xá hay đặc xá nào. Ông tự dặn mình nếu ông giời không thương, không cho mình nhìn thấy công lý, ông giời bắt mình phải chết, thì cũng là chết không nhận tội. Không thể nhận tội.
Và ông đã chờ được đến ngày đó. Ngày ông được đình chỉ điều tra, tôi được trở về với gia đình, với người thân, với cuộc sống đời thường. Sự trở về đó với ông là món quà quý giá, để có được nó ông đã phải đánh mất tuổi trẻ và sự ra đi không thể thanh thản của người mẹ già trước nỗi oan chưa được giải của con trai bà.
Những lời cuối trong bài đáp từ của ông Nén tại buổi xin lỗi công khai của các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận diễn ra sáng 3/12/2015 tại trụ sở UBND thị trấn Tân Minh (huyện Hàm Tân - Bình Thuận) chắc chắn sẽ khiến những người làm công tác tố tụng phải suy nghĩ.
“Tôi tha thiết mong, bằng những đòn roi tôi đã nhận, những oan ức tôi đã trải qua, những tan nát khi gia đình tôi, vợ con tôi nếm trải, các điều tra viên, các kiểm sát viên, các thẩm phán, khi đặt bút phán quyết, hãy cân nhắc thật kỹ, suy nghĩ không chỉ bằng lý trí, mà bằng cả pháp lý để không làm oan cho bất kỳ ai. Bởi oan ức chỉ một ngày có thể tiêu tan cả đời.
Tôi mong, các cơ quan tố tụng, hãy nghĩ đến trường hợp oan sai của tôi, như là oan sai đối với người thân của mình. Tôi mong, các ông bà, hãy đặt vào hoàn cảnh của tôi, để đưa ra một bản án hợp lý để người chịu án tâm phục khẩu phục”./.