Câu chuyện người tù bị kết án oan Huỳnh Văn Nén ở xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, Bình Thuận được các cơ quan tố tụng ở Bình Thuận xin lỗi công khai ngày 3/12 đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Dư luận cũng đặc biệt quan tâm sau 17 năm, 5 tháng tù bị kết án oan khiến ông Huỳnh Văn Nén và gia đình phải chịu nhiều thiệt thòi như vậy thì những người làm sai, cơ quan làm sai phải bị xử lý thế nào, đặc biệt cá nhân, cơ quan làm sai sẽ đền bù cho ông Nén như thế nào và đền bù bao nhiêu?

nen_1_eogd_kpol.jpg
Ông Huỳnh Văn Nén - người bị tù oan trong 2 vụ án giết người tại Bình Thuận (Ảnh: Việt Quốc)

Trả lời phỏng vấn phóng viên Dân Trí, luật sư Phạm Công Út - 1 trong 7 luật sư nhiều năm qua bào chữa miễn phí cho ông Huỳnh Văn Nén và hiện đang tiếp tục hỗ trợ đòi bồi thường oan sai cho ông, cho rằng những thiệt hại về tinh thần, thể chất mà ông Nén đã chịu trong gần 18 năm ngồi tù là không gì bù đắp nổi. Vợ con ông cũng chịu bao điều tiếng vì bản án oan ấy. Mẹ ông Nén mất khi con mình bị kết tội là hung thủ giết người. Thiệt hại vô hình đối với tinh thần, sức khỏe, tài sản của ông Huỳnh Văn Truyện trong bao năm ngược xuôi kêu oan cho con mình cũng không thể đo lường được.

“Hiện các luật sư và gia đình ông Nén vẫn chưa thống nhất mức bồi thường nên chưa có con số cụ thể, nhưng chúng tôi đang tư vấn cho gia đình ông Nén tách ra thành 2 vụ án rõ ràng”, luật sư Phạm Công Út nói.

Cụ thể, trong vụ án vườn điều trước đó đã tuyên là oan sai, thống nhất mức bồi thường là 1,2 tỷ đồng, phần ông Nén được mấy chục triệu đồng nhưng chưa thực hiện vì lúc này ông Nén vẫn đang thụ án trong vụ án giết bà Lê Thị Bông. Nay đã chính thức đình chỉ điều tra ông Nén trong vụ án giết bà Bông, cần phải đòi lại phần bồi thường của ông Nén trong vụ án vườn điều. Tất nhiên là không phải mấy chục triệu đồng như trước đây.

Trong vụ án giết bà Lê Thị Bông. Nay đã xác định là ông Nén không giết bà Bông, cơ quan pháp luật đã xin lỗi ông Nén thì cần bồi thường cho thời gian ông ngồi tù oan vì phán xét sai của tòa. Về thời gian thì yêu cầu phải bồi thường trước Tết Nguyên đán.

“Tuy chưa thống nhất con số cụ thể nhưng theo quan điểm của tôi thì mỗi năm ông Nén bị tù oan phải bồi thường 1 tỷ đồng. Bởi thiệt hại vật chất và tinh thần của gia đình ông quá lớn, không gì bù đắp cho đủ. Chúng tôi chỉ mong là mức bồi thường này tạm an ủi được những thiệt thòi mà nhiều thành viên trong gia đình ông phải gánh chịu trong suốt 18 năm qua”, luật sư Phạm Công Út cho biết thêm.

Liên quan việc ai, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho ông Nén, chia sẻ trên Thanh Niên, TS.Lê Minh Hùng, giảng viên trường Đại học Luật TP.HCM, cho rằng trong cả 2 vụ án “vườn điều” và vụ “bà Lê Thị Bông bị giết” cơ quan tiến hành tố tụng sau cùng làm oan sai cho ông Nén đều là TAND tỉnh Bình Thuận. Theo pháp luật, đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm giải quyết việc bồi thường cho ông Nén (điểm a, c khoản 1 Điều 32 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước-gọi tắt Luật TNBT của NN).

Là nạn nhân của hoạt động tiến hành tố tụng gây oan sai, ông Nén sẽ được bồi thường các thiệt hại về vật chất, tinh thần do bị kết án oan gồm: thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, thiệt hại về tinh thần do bị kết án oan, thiệt hại về sức khỏe bị xâm phạm nếu có, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm nếu có (theo quy định tại các Điều 45, 46, 47, 49 Luật TNBT của NN), chi phí đi lại kêu oan…

Tuy nhiên, luật sự Lê Minh Hùng cho rằng, việc xác định trách nhiệm hình sự hay xử lý kỷ luật và buộc gánh chịu trách nhiệm hoàn trả tiền bồi thường trong vụ việc này là không đơn giản, và rất có thể không có ai phải chịu trách nhiệm hình sự cũng như trách nhiệm hoàn trả tiền cho ngân sách. Đây cũng là một trong những bất cập của pháp luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cần được sớm sửa đổi, hoàn thiện./.