Vụ án oan Huỳnh Văn Nén đang được dư luận khá quan tâm. Ngày 3/12 tại thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận đã tổ chức xin lỗi công khai ông Huỳnh Văn Nén - người bị tù oan hơn 17 năm trong vụ án giết bà Lê Thị Bông. Ngoài xin lỗi về oan sai đối với vụ án giết bà Lê Thị Bông, các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận còn xin lỗi ông Nén vì đã điều tra, truy tố, xét xử kết án oan ông trong vụ án giết bà Dương Thị Mỹ (còn gọi là vụ án vườn điều) trong thời gian ông đang bị điều tra vụ án này. Ngay sau buổi xin lỗi công khai của các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận, ông Huỳnh Văn Nén cho biết ông mong muốn các cơ quan tố tụng sẽ tiếp tục xử lý nghiêm những người đã gây oan sai đối với ông.

Bản án sai sẽ được xử lý như thế nào?

PGS.TS  Nguyễn Thái Phúc, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp cho rằng, ông lại quan tâm đến vụ án này ở góc độ khác, đó là xử lý bản án xử sai như thế nào. “Trong trường hợp này, chúng ta sửa cái sai đó như thế nào, theo trình tự giám đốc thẩm hay theo trình tự tái thẩm”.

Điều 272, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 quy định: Giám đốc thẩm là xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án.
thai_phuc_nhcw.jpg
PGS.TS  Nguyễn Thái Phúc, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp

Theo Bộ luật này, pkhi phát hiện bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm quy định: Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi công dân có quyền phát hiện những vi phạm pháp luật trong các bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho những người có quyền kháng nghị. Trong trường hợp phát hiện thấy những vi phạm pháp luật trong bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, Viện kiểm sát, Tòa án phải thông báo cho người có quyền kháng nghị.

Điều 290,  Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 quy định, thủ tục tái thẩm được áp dụng đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó.

Cũng theo Bộ luật này, những tình tiết được dùng làm căn cứ để kháng nghị tái thẩm là: Lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, lời dịch của người phiên dịch có những điểm quan trọng được phát hiện là không đúng sự thật;  Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm đã có kết luận không đúng làm cho vụ án bị xét xử sai;  Vật chứng, biên bản điều tra, biên bản các hoạt động tố tụng khác hoặc những tài liệu khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật; Những tình tiết khác làm cho việc giải quyết vụ án không đúng sự thật.

Theo PGS.TS Nguyễn Thái Phúc, quy định về thủ tục tái thẩm trong Bộ luật của chúng ta chưa thực sự hoàn hảo. Chính vì chưa hoàn hảo nên khi xảy ra vụ ông Huỳnh Văn Nén, vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, chúng ta cũng rất lúng túng trong việc sửa bản án sai- bản án tuyên ông Nén, ông Chấn có tội. “Bản án tuyên ông Huỳnh Văn Nén có tội hiện vẫn đang có hiệu lực pháp luật. Chúng ta mới trả tự do cho ông Nén thôi. Bây giờ chúng ta hủy cái bản án đó như thế nào để thực sự ông Nén không có tội. Ngoài việc trả tự do cho người bị oan sai, chúng ta phải xử lý bản án xử sai đó”- PGS.TS Nguyễn Thái Phúc nói.

Công khai xin lỗi- bước tiến trong dân chủ

Theo PGS.TS Nguyễn Thái Phúc, hiện nay dư luận quan tâm đến các vụ án oan, đặc biệt là vụ án oan Huỳnh Văn Nén là rất đúng, ông Nguyễn Thanh Chấn đã nhận được bồi thường thì ông Huỳnh Văn Nén cũng phải được bồi thường. “Việc này theo luật là đúng. Chúng ta có luật về bồi thường, họ bị oan thì Nhà nước phải xin lỗi, bồi thường cho họ”.

PGS.TS Nguyễn Thái Phúc cũng cho rằng, người dân cũng mong mỏi xử lý trách nhiệm của những người có trách nhiệm trong việc xử lý vụ ông Nén cũng như vụ ông Chấn. “Bây giờ ông Nén được coi là bị xử oan, những người xử lý vụ án này có trách nhiệm đến đâu là vấn đề cũng được dư luận quan tâm”.

Theo PGS.TS Nguyễn Thái Phúc, cũng giống như vụ án oan ông Nguyễn Thanh Chấn, chuyên xảy ra oan sai có 2 khả năng, một là do người đó cố tình, họ tiêu cực vì sự thù oán gì đó, vì động cơ cá nhân, họ cố tình làm sai lệch vụ án dẫn đến việc kiểm sát viên cũng không biết lời khai đã bị sửa. Đương nhiên trong trường hợp này, sau khi Nhà nước bồi thường, thì Nhà nước yêu cầu những người có lỗi trong việc làm oan phải bồi hoàn lại cho Nhà nước. Luật đã quy định việc này.

 
Ông Huỳnh Văn Nén và gia đình nghe xin lỗi công khai (ảnh- Việt Quốc)

 

Còn trường hợp thứ hai, nếu những người có trách nhiệm xử những bản án oan cho ông Huỳnh Văn Nén là hoàn toàn do trình độ chuyên môn yếu kém thì trường hợp này, họ không phải bồi thường lại cho Nhà nước. “Nhà nước phải chịu bồi thường, bởi vì họ là công chức của Nhà nước, được Nhà nước đào tạo, bổ nhiệm. Còn việc Nhà nước tuyển chọn không đúng thì Nhà nước phải có trách nhiệm. Những người yếu kém như thế không nên bổ nhiệm làm điều tra viên, nhưng Nhà nước bổ nhiệm họ, không kiểm tra kỹ thì phải chịu bồi thường và không có quyền yêu cầu cá nhân này phải bồi hoàn lại. Nhưng Nhà nước phải có trách nhiệm xử lý trách nhiệm của những người đó, có thể cách chức, thôi việc, kỷ luật… tùy vào từng trường hợp, mức độ cụ thể”- PGS.TS Nguyễn Thái Phúc nói.

PGS.TS Nguyễn Thái Phúc cũng cho rằng, những vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, Lương Ngọc Phi, Huỳnh Văn Nén... và nhiều vụ khác được các cơ quan chức năng công khai xin lỗi trong thời gian qua cũng không phải là việc giờ mới có, trước đây cũng đã có những trường hợp oan sai được in lỗi, bồi thường. Chúng ta đã có những quy định cụ thể về bồi thường, nhưng ngày càng có hướng dẫn cụ thể hơn nên trong thời gian qua, có nhiều vụ oan sai được công khai xin lỗi, bồi thường. “Đây là một bước tiến dân chủ trong quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Khi Nhà nước thấy công dân có lỗi thì phạt và khi Nhà nước có lỗi thì phải xin lỗi. Nhà nước pháp quyền phải vậy, Nhà nước và công dân phải đặt ở vị trí ngang hàng, chứ không phải ở vị trí là ban-cho”- PGS.TS Nguyễn Thái Phúc nói./.