Không một cơ quan báo chí cách mạng nào ở Việt Nam được hưởng nhiều đặc ân của cách mạng và dân tộc như Đài Phát thanh quốc gia-Đài Tiếng nói Việt Nam.

Từ thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, chỉ 5 ngày sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Đài Tiếng nói Việt Nam cất tiếng chào đời. Người trực tiếp chỉ đạo thành lập Đài Phát thanh quốc gia, chính là Lãnh tụ Hồ Chí Minh!

70 năm qua, Đài Tiếng nói Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, ghi dấu ấn trong mỗi giai đoạn lịch sử gian lao, hào hùng của dân tộc và tạo nên giá trị văn hóa di sản sừng sững và lâu bền: Di sản Tiếng nói Việt Nam!

radio_rvue.jpg
Trung tâm Phát thanh Quốc gia- 58 Quán sứ- Hà Nội

Lịch sử đau thương và quật cường của dân tộc cùng hào khí Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã trao cho Đài Phát thanh quốc gia sứ mệnh đặc biệt: Sứ mệnh truyền tin về nước Việt Nam mới. Danh xưng Tiếng nói Việt Nam vang lên từ buổi phát thanh đầu tiên 70 năm trước, là tâm thế kiêu hãnh, hào hùng của một dân tộc yêu hòa bình, khát vọng độc lập, tự do, được cách mạng-dân tộc trao cho Đài Phát thanh quốc gia, để Đài quốc gia cất thay lời non sông!

Nhạc hiệu là bản nhạc Diệt phát xít cất lên cùng với lời xướng mỗi ngày, là thông điệp với thế giới về một dân tộc từng quật cường chống thực dân, phát xít để giành độc lập, tự do; không nguôi khát vọng hòa bình, luôn đứng về nhân loại tiến bộ và lẽ phải chống lại cái xấu, cái ác.

Không một cơ quan báo chí cách mạng nào ở Việt Nam được trực tiếp tham dự vào nhiều sự kiện lịch sử hệ trọng của đất nước như Đài Tiếng nói Việt Nam. 

Từ buổi đầu truyền trực tiếp lễ mít tinh cùng tiếng Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập trên Quảng trường Ba Đình chiều 2/9/1945, đến cuộc tường thuật trực tiếp nhiều tiếng đồng hồ lễ tiếp đón Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pháp về nước qua cảng Hải Phòng vào cuối năm 1946, cho đến những cuộc tường thuật các sự kiện quan trọng, hệ trọng của đất nước sau này, Đài Tiếng nói Việt Nam luôn luôn là nơi truyền tin nhanh nhất, kịp thời nhất, gây xúc động nhất.

Những khi vận nước cam go, Đài là nơi phát lời kêu gọi, hiệu triệu, tuyên bố của Đảng, Nhà nước và Lãnh tụ Hồ Chí Minh, là nơi biểu thị ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của toàn dân tộc!

Những dịp Tết đến, Xuân về, vào thời khắc giao thừa thiêng liêng, Đài là nơi truyền đi lời chúc Tết cùng thơ Xuân của Bác Hồ đến với đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài, tạo nên dấu ấn về nét đẹp văn hóa một thuở.

Trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược, Đài là nơi truyền đi mật lệnh, hiệu lệnh tấn công bí mật, bất ngờ và cực kỳ hiệu quả; là điểm truyền tin kết nối hậu phương-chiến trường; trong nước-thế giới; từ chiến trường đến bàn đàm phán hòa bình.

Mạnh hơn mọi vũ khí, Tiếng nói Việt Nam làm nên những kỳ tích “Rút lại cách ngăn, đẩy lùi bóng tối/Thắp niềm tin cháy sáng giữa tim người”- như lời thơ của một nhà thơ thời chống Mỹ. Suốt những năm đất nước đổi mới, Đài theo sát bước đi của thời cuộc, phát hiện, cổ vũ cái mới; đấu tranh chống lại cái xấu, cái tiêu cực; dự báo những vấn đề nảy sinh trong quá trình hội nhập quốc tế và vận hành nền kinh tế theo quy luật thị trường…

Đài Tiếng nói Việt Nam, hơn mọi cơ quan truyền thông, báo chí Việt Nam khác, là nơi hội tụ tinh hoa các bậc tài danh báo chí, văn học, âm nhạc khắp ba miền. 

Những Nguyễn Đình Thi, Hoài Thanh, Anh Đức, Nguyễn Sáng, Bảo Định Giang, Xuân Diệu, Đoàn Giỏi… 

Những Phạm Tuyên, Phan Nhân, Trần Kiết Tường, Cao Việt Bách, Thuận Yến, Lưu Cầu, Vũ Thanh, Cát Vận, Đỗ Hồng Quân, Trọng Đài… 

Những Dương Thị Ngân, Nguyễn Văn Nhất, Tuyết Mai, Việt Khoa, Nguyễn Thơ, Trần Phương, Kim Cúc, Hà Phương, Hoàng Yến… 

Những Châu Loan, Thương Huyền, Quách Thị Hồ,Trần Khánh, Trần Thụ, Tân Nhân, Thanh Hoa… 

Những cái tên nhắc đến đều đem lại những xúc cảm đẹp đẽ lạ thường trong lớp lớp công chúng - thính giả, gợi lại những ký ức sáng tươi một thuở.

Lớp lớp những tên tuổi tài danh trong ngôi nhà Tiếng nói Việt Nam góp phần tạo nên di sản văn hóa Tiếng nói Việt Nam sừng sững và lâu bền. Biết bao thế hệ thính giả trong nước và bạn bè quốc tế yêu mến, tin cậy, thủy chung với Tiếng nói Việt Nam, chính là vì yêu mến, tin cậy những con người và những sự kiện mang dấu ấn, giá trị khác biệt, cụ thể.

Hơn ai hết và hơn bao giờ hết, những người làm việc dưới mái nhà Đài Tiếng nói Việt Nam hôm nay càng nhận thức sâu sắc rằng, những giá trị truyền thống dù kết thành di sản, thì cũng không thể là vĩnh hằng, bất biến nếu không được thế hệ hôm nay tiếp nối, bồi đắp thêm giá trị.

Từ một Đài Phát thanh quốc gia, đến nay đã phát triển thành một cơ quan truyền thông đa phương tiện, với 7 kênh phát thanh, 1 tờ báo điện tử, 1 tờ báo in, 2 kênh truyền hình và 1 đài truyền hình kỹ thuật số VTC, đó là cơ hội của sự phát triển, nhưng cũng là một thách thức không hề nhỏ.

Bài học ý nghĩa nhất 70 năm qua của Đài Tiếng nói Việt Nam, đó là CON NGƯỜI, với những tư duy đổi mới, hành động sáng tạo, biết tự trọng và tự hào, biết đặt lợi ích Đài quốc gia và dân tộc lên trên hết, sẽ đoàn kết, vượt qua thách thức, làm sáng lên di sản Tiếng nói Việt Nam!./.