Một ngày đông năm 1987, rét ngọt, mây chì phủ kín trời Hà Nội như kéo con người đến gần nhau hơn, kể cho nhau nghe những câu chuyện dài dài.
Ông Nguyễn Văn Nhất nằm dài trong tấm chăn bông dày, ấm, chỉ để hở từ cằm trở lên. Giọng ông chậm rải, từ tốn. Tôi mở sẵn cuốn sổ ghi chép chật kín chữ. Bà Dương Thị Ngân, vợ ông Nhất mời mỗi người một tách trà nóng và đĩa lạc rang giòn. Như bà nói là đề phòng câu chuyện quá dài. Ông Nhất nhìn vợ, nhỏ nhẹ:
Cám ơn em. Thế này thì chúng tôi chuyện trò quá trưa đấy.
Ông kể:
“Khoảng 9 giờ tối 30 Tết Đinh hợi (27/1/1947) anh Trần Lâm gọi riêng tôi giao nhiệm vụ rời Chùa Trầm, (nơi Đài Tiếng nói Việt Nam đứng chân sau khi rút khỏi Hà Nội) đi đón thượng khách. Tôi đoán là cán bộ cấp cao đến thăm đài. Linh tính như mách bảo tôi hỏi thầm anh Trần Lâm: “Có phải Bác không?”. Anh Lâm ghé sát tai: “Đúng rồi, nhưng tuyệt mật, chỉ anh biết thôi đấy.” Theo mật lệnh, tôi đứng trước cửa chùa Vô Vy chờ Bác.
Mưa dầm, gió bấc, mặt đường lầy thụt trơn tuột, nhưng tôi tập trung hai mắt vào con đường phía trước nên không cảm thấy rét, thấy mệt. Chỉ lo nhỡ ra vì một lý do gì đó không đón được Bác.
Hơn 10 giờ, từ trong đêm đen, một chiếc xe con từ Bãi Vải đi đến. Xe không bật đèn pha nên chỉ thấy lấp lóa qua màn mưa. Đúng là xe của Bác rồi. Tôi trấn tĩnh, ra mật hiệu, chiếc xe từ từ lại gần. Trong xe trao đổi mật hiệu. Tôi vẩy tay dứt khoát, nhận thấy đúng, chiếc xe tiến sát rồi dừng lại. Từ trong xe tiếng cụ già vọng ra: “Đúng đồng chí ấy à?” Một tiếng trẻ hơn đáp lại: “Dạ thưa, đúng ạ” Tiếng cụ già nói tiếp: “Bảo đồng chí ấy lên xe cùng đi cho ấm” Tôi nhanh nhẹn bước lên xe, ngồi cạnh người lái. Tôi đã may mắn được gặp Bác mấy lần, nhưng lần này được ngồi cùng xe với Bác, thật bình yên và ấm áp. Tôi định thưa với Bác nhiều điều như con thưa cha, nhưng hai mắt vẫn dõi theo con đường trong đêm, chỉ dẫn lái xe tránh xóc, lầy thụt. Bác hỏi nhỏ, giọng ấm:
Còn xa không?
Tôi thưa:
Dạ, xe đi độ mươi, mười lăm phút nữa thôi ạ. Lúc nãy cháu đi bộ, đường trơn nên mất cả giờ ạ.
Chiếc xe chắc cũ quá rồi nên mỗi khi chồm lên kêu răng rắc, có lúc xệ xuống ổ voi, cả bốn bánh quay tít. Tôi và đồng chí bảo vệ xuống xe khiêng đá chèn lốp xe mới qua được. Bác nhìn chúng tôi ướt sượt, khẽ nhắc:
Ngồi vào trong này cho ấm.
Xe đến cổng Chùa Trầm, thẳng đến gian chính. Các anh Trần Lâm, Trần Kim Xuyến và Ban chỉ huy quân sự bảo vệ khu điện đài chờ sẵn đón Bác. Qua gian thờ Tổ, Bác rẽ xuống nhà Trai.
Lãnh đạo VOV dâng hương tại chùa Trầm- nơi Bác đọc thơ chúc Tết đồng bào năm 1947. |
Chương trình phát thanh trong ngày đã kết thúc từ lâu, nhưng đêm nay là một đêm đặc biệt nên máy phát điện vẫn chạy, thắp sáng cả khu nhà. Anh Phan Nghiêm, công nhân kỹ thuật đã chuẩn bị xong máy ghi âm đĩa mềm. Chiếc máy này do bà con Việt kiều tặng Bác khi Người đến Pa ri là thượng khách của nước Pháp.
Bây giờ dưới ánh điện sáng trưng, vả lại đã hoàn thành nhiệm vụ nên tôi mới trấn tĩnh, ngắm Bác kỹ hơn. Bác mặc bộ quần áo nâu, khoác thêm chiếc áo bộ đội màu cỏ úa, chân đi đôi giày vải của đồng bào Tày khâu tặng. Chiếc khăn len quàng cổ che kín bộ râu. Đôi mắt sáng và ấm cúng của Bác nhìn chúng tôi hết lượt. Tất cả anh chị em phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên quây quần bên Bác. Vài anh nhanh tay giật vội mấy chiếc quần áo ướt treo trên giây gần đó, vo viên lại dấu dưới chăn màn, nhưng không nhanh bằng ánh mắt của Bác. Bác cười hiền lành rồi hỏi:
Đồng chí nào phụ trách ở đây
Thưa Bác, cháu ạ.
Anh Trần Lâm thưa. Bác lại hỏi:
Các chú đã chuẩn bị xong chưa?
Anh Trần Lâm nhìn thợ máy Phan Nghiêm:
Thưa Bác, xong rồi ạ. Mời Bác thu thử.
Bác nhẹ nhàng ngồi xuống ghế, hướng thẳng micro đặt giữa chiếc bàn nhỏ. Bác cẩn thận lấy giọng rồi nói: “Bác bắt đầu nhé”. Bác đọc thử một đoạn rồi cẩn thận nghe lại, và cuối cùng đọc thư chúc tết đồng bào chiến sỹ Nam Bộ:
“Nhân dịp nguyên đán âm lịch, tôi thay mặt Chính phủ đặc biệt chúc đồng bào và chiến sỹ Nam Bộ năm mới.
Vì quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc, đồng bào và chiến sỹ đã hy sinh chiến đấu hơn một năm nay, mà từ nay vẫn kiên quyết hy sinh phấn đấu nữa. Sự trung thành dũng cảm đó sẽ đem Tổ quốc đến thắng lợi, và sẽ ghi những trang vẻ vang trong lịch sử nước nhà.
Vì yêu chuộng hòa bình, vì thực tâm muốn cộng tác với nhân dân Pháp, Chính phủ ta đã tìm hết cách dàn xếp với Pháp. Nhưng bọn thực dân phản động bội tín bất nhân, hòng dùng vũ lực để cướp nước ta một lần nữa. Chúng gây ra cuộc chiến tranh toàn quốc đã hơn một tháng nay.
Vì chủ quyền, vì Tổ quốc, toàn dân Việt Nam đã thề kiên quyết kháng chiến đến cùng, kháng chiến đến lúc lấy lại được thống nhất, độc lập mới thôi. Chúng ta đã thề thà chết chứ không làm nô lệ.
Chúng ta đã phải trải qua những bước gay go, cực khổ trong cuộc trường kỳ kháng chiến, nhưng chúng ta chắc rằng thắng lợi cuối cùng sẽ về ta….”
Sau đó Bác giải thích, phân tích những luận điệu xuyên tạc, tuyên truyền lừa bịp của thực dân Pháp và mong đồng bào hiểu rõ, đừng mắc lừa chúng.
Cuối cùng Bác đọc thơ chúc Tết gửi đồng bào chiến sỹ cả nước và kiều bào ở nước ngoài:
“Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
Tiến lên chiến sỹ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông
Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi!
Thống nhất, độc lập nhất định thành công!”
Bác đọc hết khoảng bảy, tám phút. Dừng lại một chút, Bác bảo: “Cho Bác nghe lại.” Anh Pham Nghiêm bấm máy quay lại. Bác chăm chú lắng nghe rồi hỏi mọi người như vậy đã được chưa? Chúng tôi không dám khen hay mà chỉ cười sung sướng vì lần đầu tiên đi kháng chiến, đón Tết xa nhà lại được gặp Bác, quây quần bên Bác như trong gia đình.
Bài thơ chúc tết đầu tiên của Bác được trang trọng phát lên sóng vào chương trình phát thanh Thời sự 6 giờ sáng mùng Một tết Đinh Hợi.
Bác dành ít phút nói chuyện với cán bộ nhân viên Đài Tiếng nói Việt Nam tại Chùa Trầm. Bác nhấn mạnh: “Đài phát thanh là công cụ hết sức quan trọng của Đảng và Chính phủ để chỉ đạo và động viên nhân dân cả nước trường kỳ kháng chiến và chọc thủng bức màn bưng bít của địch nhằm cô lập chúng ta. Cho nên các cô các chú phải giữ gìn bằng được tiếng nói của Đảng và Chính phủ liên tục trong mọi tình huống.”
Giọng kể của ông Nguyễn Văn Nhất rưng rưng, nước mắt rân rấn. Ông thực sự đang sống lại không khí Tết Đinh hợi cách đây hơn 40 năm ở Chùa Trầm.
Bà Dương Thị Ngân tiếp cho chúng tôi ấm chè nữa với mấy chiếc kẹo lạc. Tôi hỏi bà Ngân lúc bấy giờ đứng gần Bác không? Bà bảo thời ấy ở Trầm bà là người con gái duy nhất nên được Bác ưu tiên cho đứng gần. Bà Ngân kể:
“Tôi xúc động quá, tính lại nhút nhát nên không biết làm gì chỉ vân vê tà áo dài. Chiếc áo mẹ tôi may cho, mặc khi tết nhất hoặc lễ lạc. Bác nhìn tôi từ đầu đến chân rồi nhẹ nhàng:
Bây giờ cháu đi kháng chiến chứ không phải ở trong thành Hà Nội nữa đâu. Đi đánh giặc thì phải ăn mặc gọn gàng. Áo dài phụ nữ Việt Nam ta rất đẹp, nhưng nó chỉ thích hợp khi ở thành phố. Nay đi kháng chiến, sống ở nông thôn, rồi còn lên rừng núi nữa, áo dài không phù hợp. Cháu nên cắt ngắn vạt áo, may thêm được một chiếc áo ngắn nữa. Cháu đồng ý không?
Quay sang mọi người đang vây quanh, bác cười hồn hậu:
Bác nói thế, có đúng không nào?
Mọi người cùng thưa: “Thưa Bác đúng ạ.” Tôi ngượng ngịu nói theo. Chợt nhìn thấy khuỷu tay áo của anh Phan Nghiêm bị rách, Bác dịu dàng bảo tôi: “Ở đây có một mình cháu là gái. Cháu nên giúp đỡ, khâu vá cho anh em. Kháng chiến còn lâu dài, đời sống khó khăn gian khổ, anh em cần thương yêu, đoàn kết với nhau như trong một gia đình.” Tôi lý nhí đáp: “Vâng ạ”
May quá, giữa lúc ấy hòa thượng trụ trì Chùa Trầm đưa ra cặp bánh chưng xanh và nói:
Chả mấy khi Cụ Chủ tịch đến thăm chùa chúng tôi. Nhân dịp năm hết Tết đến, tôi xin biếu Cụ cặp bánh chưng để Cụ ăn Tết.
Bác khéo léo từ chối, nhưng hòa thượng cứ nằn nì mãi. Bác nói:
Chính phủ và nhân dân đã lo cho tôi đầy đủ cả, không thiếu thốn gì đâu. Người ta nói bần tăng chứ ai nói phú tăng bao giờ, mà cụ lại cho tôi. Vậy tôi cho cụ cái gì cụ cũng phải nhận nhé.
Hòa thượng vui vẻ:
Vâng, tôi xin nhận ạ.
Bác liền đưa cặp bánh chưng lên và nói:
Cụ đã có tấm lòng tốt cho tôi bánh chưng. Tôi xin nhận và cảm ơn. Bây giờ tôi xin tặng lại cụ cặp bánh này, cụ nhận nhé.
Nhà sư đành vui vẻ nhận lại cặp bánh.
Ông Trần Sinh, biên tập viên và là phát thanh viên tiếng Quảng Đông, Trung quốc đứng gần được Bác hỏi chuyện gia đình và cuộc sống hiện tại. Vui câu chuyện Bác hỏi: “Chú có hút thuốc lá không?” Ông Trần Sinh thưa ngay: “Dạ, không ạ”.
Sau này đến tuổi “thất thập cổ lai hy” nhớ lại ông Trần Sinh tiếc mãi. Giá như lúc ấy thưa với Bác là có hút thuốc chắc được điếu thuốc của Bác cho để kỷ niệm. Ông Trần Sinh hạ giọng: “Mình thật thà quá mà”
Ông Nguyễn Văn Nhất kể tiếp:
Câu chuyện Tết kháng chiến đầu tiên đang sôi nổi thì Bác hỏi có giấy đỏ không, anh em đưa cho Bác ít giấy hồng điều. Bác cắt giấy gói những món quà nhỏ rồi bảo: “Bây giờ Bác về đến nhà cũng đã giao thừa. Đây là những món quà đầu xuân tặng cho con ông bà chủ nhà.” Mọi người vỗ tay tán thưởng sự chu đáo của Bác thì sư cụ trụ trì chùa Trầm từ tốn nói:
Thưa Cụ Chủ tịch, chả mấy khi Cụ đến, xin Cụ mấy chữ để dán trước cửa nhà chùa.
Bác vui vẻ nói: “Thế thì được” liền viết vào tờ giấy hồng điều bằng chữ Hán:
“Kháng chiến tất thắng/ Kiến quốc tất thành”
Sư cụ trụ trì chùa Trầm nâng câu đối ngang mặt, cám ơn Hồ Chủ tịch và mùng một Tết dán trang trọng trước cửa gian nhà Tổ.
***
12 giờ trưa ngày 3 tháng 3 năm 1947, sau khi thực hiện chương trình phát thanh cuối cùng ở Chùa Trầm, ông Trần Sinh, ông Lê Quang Lân cùng nhóm kỹ thuật vượt vòng vây quân Pháp lên nơi sơ tán mới ở ao cá Phú Hộ, Phú Thọ. Đi được một quãng, chợt nhớ ra điều gì quan trọng, ông Lê Quang Lân quay trở lại kịp gỡ câu đối Tết của Bác Hồ dán ở gian nhà Tổ, cất tận đáy ba lô. Ông giữ báu vật nguyên vẹn qua 14 lần di chuyển ở Việt Bắc, qua những năm chống Mỹ, sau những lần khu tập thể của đài Tiếng nói Việt Nam bị bom Mỹ hủy diệt. Cuối đời ông trang trọng trao lại kỷ vật quý báu cho Ban quản lý di tích Chùa Trầm./.