Hội nghị Phông ten nơ blô tan vỡ, ngày 13/9/1946, phái đoàn Chính phủ ta lên đường về nước.

Hội nghị Phông ten nơ blô chưa đạt được mục đích là ký hiệp ước chính thức và toàn bộ giữa Việt Nam và Pháp, nhưng đã được dư luận quốc tế chú ý đến nguyện vọng hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc ta. Đặc biệt hoạt động của Bác tại Pháp trong và sau những ngày diễn ra hội nghị đã thu hút chú ý của chính giới Pháp, nhân dân Pháp yêu chuộng hòa bình, chống chiến tranh xâm lược của nhà cầm quyền ở Đông Dương. Việt kiều ở đây đã giành trọn tình cảm và sự giúp đỡ tận tình với phái đoàn Chính phủ ta và Bác Hồ.

chua_tram_izbo.jpg
Bia di tích tại Hang Trầm nơi Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch.

Để tranh thủ sự đồng tình của nhân dân thế giới và đặc biệt tranh thủ thời gian “hòa để tiến” Bác Hồ ở lại Pa ri và ngày 14/9/1946 ký với Chính phủ Pháp bản Tạm ước, quy định:

Hai bên đình chỉ mọi xung đột.

Phía Pháp cam kết thi hành các quyền tự do dân chủ ở Nam Bộ và thả những người yêu nước bị bắt giam.

Chính phủ Việt Nam bảo đảm cho Pháp một số quyền lợi kinh tế và văn hóa ở Việt Nam..

Cuộc đàm phán giữa hai bên sẽ tiếp tục vào tháng 1/1947.

“Tình thế chính trị, quân sự, ngoại giao lúc này nóng bỏng và căng như giây đàn”

Ông Nguyễn Văn Nhất, phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên giọng nam đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam nhận xét như vậy khi kể cho tôi nghe câu chuyện dài dài về đài phát thanh Quốc gia. Xin nói thêm ông Nguyễn Văn Nhất là phó Tổng biêp tập Đài Tiếng nói Việt Nam, cuối đời bị liệt nửa người phải nằm tại chỗ trên giường, nhưng đầu óc ông vẫn minh mẫn và có thể chuyện trò liên tục suốt cả buổi.

Ông kể, lúc bấy giờ ta vừa đấu tranh ngoại giao vừa tranh thủ từng giờ, từng ngày chuẩn bị khẩn trương mọi mặt cho chiến đấu lâu dài. Thâm hiểm nhất là thực dân Pháp cùng tay sai lỳ lợm và trâng tráo cố tách Nam Bộ ra khỏi cơ thể Việt Nam. Chúng lập ra cái gọi là “Nam kỳ quốc” làm bàn đạp tiến công Miền Bắc mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Việt Nam. Tình hình phức tạp như vậy, nhưng nói lên đài như thế nào cho dân hiểu thì thật là khó. Mấy ngày liền đài chỉ đưa tin, phản ánh tình hình mà không dám viết bài bình luận. Đặc biệt trong những ngày Bác Hồ lênh đênh triên đại dương trở về nước sau Tạm ước 14 tháng 9 được ký kết tại Pa ri, đồng bào chiến sỹ cả nước vô cùng lo lắng.

Ông Trần Lâm nhớ lại:

“Được tin ngày 21 tháng 10 năm 1946, chiến hạm Đuy mông Đuyêcvin chở Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ cập cảng Hải Phòng, tôi bàn với anh Nguyễn Văn Nhất, Hoàng Tuấn là hai phóng viên chủ chốt của Đài và bác Nguyễn Cung chịu trách nhiệm kỹ thuật lúc bấy giờ là có tường thuật trực tiếp lễ đón Bác ở Hải Phòng được không? Về khâu phóng viên nói trực tiếp thì anh Nhất và anh Tuấn đảm nhiệm được, còn lo nhất là khâu kỹ thuật. Suy nghĩ một lúc, bác Cung cho là đài đang thực hiện đọc trực tiếp chương trình trong studio. Bây giờ ta cũng nói trực tiếp, chỉ khác là lưu động từ Hải Phòng về Hà Nội. Quan trọng là giải quyết đường truyền tín hiệu. Cuối cuộc họp, bác Cung quả quyết là làm được. Vậy là “ông thợ cả” Nguyễn Cung dẫn tổ kỹ thuật xuống ngay cảng Hải Phòng chuẩn bị”.

Phóng viên già, kỳ cựu Nguyễn Văn Nhất kể tiếp:

Lần thứ hai được đứng gần Bác Hồ tôi xúc động quá, quên hết mọi ý tứ, câu văn hay đã soạn sẵn trong đầu, chỉ nói ngắn gọn: Thưa đồng bào chiến sỹ cả nước, Bác Hồ của chúng ta đã về đến cảng Hải Phòng. Bác có hơi gầy, nhưng vẫn mạnh khỏe. Sau đây Bác nói chuyện với đồng bào Hải Phòng ra đón Bác. Sau đó Bác thăm cảng và về Hà Nội bằng xe lửa. Bác nói chuyện với đồng bào thủ đô, thay mặt cả nước đón Bác ở ga Hàng Cỏ. Cuộc đón tiếp và phát biểu của Hồ Chủ tịch được truyền trực tiếp trên làn sóng Đài phát thanh Quốc gia.

Ngày 23 tháng 10 năm 1946 Bác đến studio đài Tiếng nói Việt Nam đặt tại số 4 Phạm Ngũ Lão trực tiếp nói chuyện với đồng bào chiến sỹ cả nước.

Bác đến bất ngờ với thư ký và một bảo vệ.

Bà Dương Thị Ngân, nữ phát thanh viên đầu tiên của đài Tiếng nói Việt Nam nhớ lại:

“Tôi và anh Nguyễn Văn Nhất đang thay nhau đọc bản tin trưa thì Bác đến. Nhìn thấy Bác, mọi người mừng quá như muốn đứng dậy, reo lên thì Bác giơ tay vẫy ra hiệu giữ trật tự, im lặng. Bác từ từ đi đến chiếc bàn kê ở góc phòng đặt nhẹ chiếc mũ, treo chiếc gậy vào mép bàn rồi đứng sau ghế phát thanh viên chờ. Anh Trần Lâm viết cho tôi mấy chữ. Anh Nhất vừa đọc xong bản tin rồi đứng dậy nhường chỗ cho Bác. Lần đầu tiên được gần Bác đến thế, tôi hồi hộp quá nói giọng to hơn và cao hơn bình thường: “Mời đồng bào và chiến sỹ cả nước nghe Bác Hồ nói chuyện.” Bác mỉm cười nhìn tôi rồi cất giọng ấm áp, truyền cảm:

“Hỡi đồng bào toàn quốc. Tôi đi vắng đã hơn 4 tháng. Hôm nay về đến nước nhà, trông thấy Tổ quốc, trông thấy Đồng bào, tôi thật là vui vẻ….”

 Bác giải thích về Tạm ước 14 tháng 9 mà Bác đã ký với Chính phủ Pháp tại Pa ri. Bác nói về tình thế của đất nước hiện hay, phân tích, phê phán những luận điệu xuyên tạc của các đảng phái phản động. Bác bảo những điều xấu, những điều sai thì không nên tin mà hãy tin vào mình, tin vào Chính phủ. Lúc này có hai điều quan trọng là bình tĩnh, đoàn kết một lòng, một khối để sẵn sàng đối phó với mọi tình huống và phải biết tranh thủ thời gian. Thời gian lúc này là tình từng khắc, từng ngày, là quý hơn vàng.

Cuối bài nói chuyện, giọng Bác lặng xuống, nghẹn ngào: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi trân trọng hứa với đồng bào rằng với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam Bộ yêu quý nhất định trở lại trong lòng Tổ quốc.”

Bác nói xong liền nhẹ nhàng đứng dậy nhường chỗ cho phát thanh viên tiếp tục chương trình phát thanh. Ra đến cửa đồng chí bảo vệ đưa mũ và gậy cho Bác.

Tổng biên tập Trần Lâm tiễn Bác ra cổng. Trên đường đi Bác căn dặn là phải hết sức cảnh giác, đề phòng bọn phản động chiếm micro để tuyên truyền phản cách mạng.

Ông Trần Lâm thưa với Bác là các biện pháp kỹ thuật và bảo vệ đã chuẩn bị chu đáo. Bác khen như thế là tốt, nhưng đừng chủ quan. Nói rồi, Bác nhanh nhẹn lên xe./.