Hội nghị Đối ngoại đa phương thế kỷ 21 và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam diễn ra tại Hà Nội trong tuần qua đã để lại dư âm tốt đẹp đối với người dân và bạn bè thế giới. Từ hội nghị này, nhiều khuyến nghị mới đã được đưa ra, trong đó Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm sáng về chính sách đối ngoại đa phương làm bạn với thế giới. Cũng tại hội nghị này, câu chuyện “cần một tư duy mới” để hình ảnh, vai trò và vị thế của Việt Nam vươn xa hơn trên trường quốc tế lại được đặt ra.
Trong hơn một thập kỷ trở lại đây, đối ngoại đa phương đã trở thành yêu cầu cấp thiết và là phương thức hữu hiệu của các quốc gia, nhằm tranh thủ nguồn lực phục hồi và phát triển kinh tế cũng như định vị vai trò của mình trong một cục diện quốc tế đang định hình. Cũng không thể phủ nhận rằng, đối ngoại đa phương đang trở thành một trong những phương tiện quan trọng để các quốc gia triển khai chính sách đối ngoại và phục vụ phát triển.
Đối với Việt Nam, kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới, đối ngoại đa phương đã trưởng thành vượt bậc, trở thành mũi nhọn trong triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, góp phần tạo thế và lực mới cho đất nước; bảo vệ chính nghĩa quốc gia thông qua các cơ chế, diễn đàn đa phương quốc tế.
Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đối ngoại đa phương trong nhiều thời điểm trước đây và hiện tại khi Việt Nam đang hội nhập nhanh chóng và mạnh mẽ. Với cương vị ủy viên không thường trực Liên Hợp Quốc và chủ tịch ASEAN 2010; đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà của nhiều sự kiện đa phương lớn, hình ảnh Việt Nam đã được bạn bè quốc tế biết tới, được cộng đồng quốc tế tin tưởng, tín nhiệm và góp phần nâng cao vị thế của đất nước.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về hoạt động đối ngoại đa phương khẳng định rằng, đối ngoại đa phương đem lại cho Việt Nam rất nhiều cơ hội. Đó là bảo vệ độc lập và phá vỡ thế bao vây cô lập, nâng cao vị thế dân tộc và phát triển kinh tế đất nước, đồng thời giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo vệ các lợi ích của nước vừa và nhỏ trước sức ép từ các nước lớn.
Thế nhưng, bối cảnh một thế giới đang xoay chuyển nhanh chóng đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam. Mối liên hệ giữa chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa tiêu dùng khiến người ta không khỏi lo ngại về những ảnh hưởng xấu của chúng đối với hòa bình, ổn định của thế giới.
Trong bối cảnh ấy, đối với Việt Nam, vai trò của đối ngoại đa phương càng trở nên quan trọng. Việc Trung Quốc hạ, đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam gây ra những căng thẳng trên Biển Đông; đồng hành cùng ASEAN xây dựng Cộng đồng chung vào năm 2015; duy trì hòa bình, an ninh khu vực và toàn cầu với các tổ chức quốc tế đa phương khác đang đặt ra những nhiệm vụ cấp bách mới. Trong đó, yêu cầu đối ngoại đa phương phải chuyển từ tư duy “gia nhập và tham gia” sang “chủ động đóng góp, khởi xướng và tích cực tham gia định hình thế giới”, cấp thiết hơn bao giờ hết. Điều đó cũng có nghĩa là Việt Nam cần chủ động hơn, phải thể hiện được sự chủ động hơn cùng các quốc gia khác ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Bối cảnh mới đặt ra yêu cầu tiên quyết trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia. Làm thế nào thực hiện được chính sách đối ngoại đa dạng hóa mà không dẫn tới sự đối đầu, không phương hại tới quan hệ song phương và lệch pha với bàn cờ quan hệ quốc tế là một thách thức không nhỏ.
Muốn như vậy vai trò của đối ngoại đa phương phải mạnh hơn trong bối cảnh mới. Trong đó, bài học cần coi trọng là sự tương tác biện chứng giữa nội lực và sự chuẩn bị trong nước với sức vươn và hiệu quả của đối ngoại đa phương. Và chúng ta phải đầu tư cho con người, có chiến lược lâu dài phát triển con người, mới có thể làm rạng danh Việt Nam.
Biết là khó nhưng đó là việc phải làm. Biết là khó nhưng đó là việc nên làm. Một mình ngành ngoại giao cũng sẽ không đủ sức làm, mà cần tới sự nỗ lực của cả bộ máy và người dân. Bởi có như vậy, hình ảnh, vai trò, uy tín của Việt Nam mới có thể vươn xa hơn trên trường quốc tế. Và có như vậy, thì mới có thể bảo vệ lợi ích dân tộc và chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của chúng ta./.