<< Việt Nam có nhiều đóng góp thiết thực vào ASEM 8

Chiều 6/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn Chính phủ nước ta đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 8 (ASEM 8 ).

Chuyến đi được đánh giá thành công trên nhiều phương diện. Không chỉ tham gia đóng góp thiết thực vào kết quả Hội nghị ASEM 8 mà các cuộc tiếp xúc song phương của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn góp phần thắt chặt quan hệ, đẩy mạnh hợp tác giữa nước ta với các nước đối tác ở cả hai châu lục.

ASEM 8 ghi dấu mốc quan trọng, tăng cường tiềm năng hợp tác cũng như vị thế của Diễn đàn khi Nga, Australia và New Zealand gia nhập đại gia đình ASEM, nâng tổng số thành viên lên con số 48, đại diện khoảng 60% dân số thế giới, đóng góp 50% GDP và 60% thương mại toàn cầu.

ASEM 8 khép lại với nhiều văn kiện và tuyên bố chung được thông qua, thể hiện mạnh mẽ quyết tâm tái cấu trúc nền kinh tế, tài chính toàn cầu, hướng tới các mô hình phát triển bền vững.

thu-tuong-1.jpg

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị

Các lãnh đạo Á-Âu cũng thông qua hàng loạt các sáng kiến mới về tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh lương thực, giao thông vận tải, quản lý rừng, nghiên cứu và phát triển nguồn nước, giáo dục cũng như tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEM.

Trên tinh thần chủ động và xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và phát biểu tại hầu hết các phiên họp, đưa ra nhiều đề xuất, sáng kiến nhằm đưa ASEM trở thành động lực thúc đẩy phát triển bền vững; đồng thời nhấn mạnh vai trò, vị trí của ASEAN, sự phối hợp công tư để đóng góp tốt hơn trong tiến trình phát triển của khu vực.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng cho biết, ASEM 8 đã ghi vào văn kiện của hội nghị 2 sáng kiến mới mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất, đó là tổ chức “Diễn đàn ASEM về tăng trưởng xanh” và “Diễn đàn ASEM về lưới an toàn xã hội” đều là các vấn đề rất bức thiết, đòi hỏi tất yếu đối với các nền kinh tế trong giai đoạn hậu khủng hoảng.

Không chỉ tham gia đóng góp trực tiếp tại các phiên họp cấp cao ASEM 8, đoàn Việt Nam còn tích cực tham gia các sự kiện quan trọng hướng tới hội nghị mà nổi bật là Việt Nam đem đến Triển lãm văn hóa "2500 năm giao lưu Á-Âu” 30 cổ vật quý và có ý nghĩa lớn về lịch sử và văn hóa của dân tộc như trống đồng Đông Sơn, bình gốm Sa Huỳnh...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Hà Lan ký Hiệp định Đối tác chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nước

Đại diện Chính phủ Việt Nam tham dự triển lãm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với cách trưng bày hiện vật theo 2 chuyên đề rõ nét “Tín ngưỡng” và “Con đường phát triển thương mại” của Việt Nam qua các thời kỳ đã thể hiện nền văn hóa đa dạng, phong phú của Việt Nam trong hơn 4.000 năm lịch sử.

Sự tham gia của Việt Nam đã góp phần vào thành công chung của triển lãm, tạo ấn tượng với bạn bè quốc tế về bề dày lịch sử, nền văn hóa lâu đời và đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Trong số 5 thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thì ASEM có tới 4 thành viên tham gia.

12 thành viên của ASEM cũng nằm trong Nhóm G20 với tiếng nói quan trọng tại nhiều tổ chức khu vực và quốc tế.

Trong 2 ngày diễn ra hội nghị, ngoài tham dự 6 phiên họp cấp cao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có tới 15 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương.

Trên nền tảng quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước và quan hệ cá nhân giữa Thủ tướng Chính phủ với các nhà lãnh đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đạt được nhiều thỏa thuận cụ thể đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam với Bỉ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan, Áo, Phần Lan, Anh, Luxembourg, Estonia, Slovenia....

Nổi bật là sự kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hà Lan trực tiếp ký Hiệp định Đối tác chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nước.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên Hiệp định là khuôn khổ pháp lý quan trọng giúp Việt Nam từng bước giải quyết những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, mở ra chiến lược mới trong lĩnh vực này với sự hỗ trợ thiết thực của Chính phủ Hà Lan.

Giai đoạn trước mắt dự kiến thực từ 3 đến 5 năm với mức đầu tư khoảng 60 triệu USD tập trung nâng cao năng lực trình độ cán bộ quản lý và kỹ thuật của Việt Nam.

Hà Lan cũng sẽ chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao một số công nghệ, kỹ thuật cho Việt Nam liên quan đến xây dựng quai đê lấn biển, đắp đê và xử lý các vùng đất trũng sâu hơn mặt nước biển...đây là những lĩnh vực thế mạnh truyền thống của Hà Lan.

Một sự kiện được coi là dấu mốc lịch sử, đặt nền tảng quan trọng cho quan hệ đối tác toàn diện, lâu dài với các thành viên châu Âu trong chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đó là Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã ký tắt Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso cũng công bố chính thức khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do song phương (FTA) giữa Viêt Nam và EU với quyết tâm chính trị nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác bình đẳng, ổn định, lâu dài và hợp tác toàn diện vì hòa bình và phát triển.

Đây là cơ sở để có thể khẳng định rằng trong tương lai không xa EU sẽ chấm dứt áp thuế chống bán phá giá đối với giầy mũ da của Việt Nam, công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầu đủ cũng như trao quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Việt NamĐiều này xét cho cùng sẽ đáp ứng được lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

Với sự tham gia tích cực và những đóng góp thiết thực vào các vấn đề của hai châu lục, ASEM 8 một lần nữa để lại những dấu ấn về một Việt Nam đang vươn lên, hòa nhập, sánh vai cùng bạn bè quốc tế, cùng chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu trong tiến trình toàn cầu hóa.

ASEM 8 còn góp phần thắt chặt quan hệ, đẩy mạnh hợp tác giữa nước ta với các nước đối tác ở cả hai châu lục ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, ổn định và bền vững hơn./.