Năm 2013 là một năm có nhiều thành công trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam. Không chỉ nâng cao vị thế quốc tế trong các diễn đàn đa phương, Việt Nam cũng đã xác lập được khuôn khổ hợp tác với tất các đối tác lớn, hình thành các liên kết tiểu khu vực về kinh tế góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ tổ quốc. Bước sang năm 2014, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh có cuộc gặp gỡ báo chí và chia sẻ về những kết quả hoạt động đối ngoại năm 2013 cùng với những kỳ vọng cho ngành ngoại giao trong năm mới.

tran-binh-minh.jpg
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh

PV: Thưa Phó Thủ tướng, năm 2013, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, xin Phó Thủ tướng cho biết, công tác đối ngoại của ta đã được triển khai như thế nào, và đạt được những kết quả gì?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Hoạt động đối ngoại năm 2013 của Việt Nam có thể nói mang tính chiến lược toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Việt Nam là một trong số ít nước cho đến nay xác lập khuôn khổ quan hệ của nước mình với các nước trên thế giới trong khuôn khổ chiến lược hoặc khuôn khổ toàn diện. Đặc biệt chúng ta đã hoàn thành xác lập khuôn khổ quan hệ với 5 nước thường trực Hội đồng Bảo An LHQ.

Thứ 2, hoạt động đối ngoại có kết quả cụ thể và lan tỏa. Chưa có một năm nào các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao nước ta đi các nước và lãnh đạo các nước đến nước ta lại là toàn bộ các đối tác trong khuôn khổ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, thể hiện mức độ quan hệ về chính trị cao, lợi ích về kinh tế, an ninh quốc phòng lớn, tăng tính tin cậy để giải quyết các vấn đề cụ thể.

Thứ 3, có tính chất nổi bật là hoạt động ngoại giao đa phương đưa vị thế của chúng ta trên trường quốc tế. Chủ tịch nước, Thủ tướng nước ta đã có những bài phát biểu quan trọng trong các diễn đàn quốc tế, chuyển những thông điệp lớn của chúng ta ra quốc tế. Đó là thông điệp hòa bình, và đặc biệt là xây dựng lòng tin chiến lược giữa các nước với nhau để tạo ra môi trường hòa bình, ổn định và phát triển. Từ đó, Việt Nam có vị thế tăng lên trên trường quốc tế. Minh chứng là chúng ta đã trúng cử vào Hội đồng nhân quyền của LHQ với số phiếu rất cao. Đây là sự lan tỏa trong quan hệ của chúng ta với các nước trên thế giới cả về chiều rộng và chiều sâu. Đồng thời chúng ta cũng rất tự tin tham gia chủ động tích cực vào các diễn đàn đa phương. Chúng ta cũng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế trong nhiệm kỳ 2013-2014.Về ngoại giao kinh tế, chúng ta chủ động tích cực thương lượng nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương, bắt kịp với xu thế của thế giới là liên kết các tiểu khu vực và liên kết trong các hình thức tự do thương mại. Năm 2013, chúng ta đã cùng một lúc tham gia đàm phán 6 FTA với EU, TPP, Liên minh thuế quan Nga – Belarus - Kazakhstan….

Về biên giới lãnh thổ, trong năm 2013 cũng đạt nhiều kết quả. Đường biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam – Lào đã hoàn thành toàn bộ các cột mốc trên 2.067km. Với Campuchia chúng ta cũng hoàn thành 80% việc xây dựng các cột mốc. Với Trung Quốc, chúng ta đang triển khai và thực hiện 3 Hiệp định về quản lý biên giới.

Về vấn đề Biển Đông, trong năm 2013, chúng ta tiếp tục duy trì được môi trường ổn định ở Biển Đông. Trong năm 2013, một mặt chúng ta đấu tranh bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, đồng thời đấu tranh chống lại các biện pháp ngăn cản ngư dân của chúng ta trên các vùng biển của Việt Nam. Quan trọng hơn Việt Nam đã cùng với các nước ASEAN và Trung Quốc tiến hành bắt đầu tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Năm 2013, ASEAN đạt được thống nhất đoàn kết cao trong lập trường về vấn đề biển Đông. Đây là kết quả đáng khích lệ khi mà năm 2012, ASEAN đã không ra được một Tuyên bố chung.  

PV: Trong năm 2013, cũng nổi lên vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông, khi Trung Quốc tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không trên vùng biển này. Liệu Trung Quốc có thể sẽ tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không tại Biển Đông hay không, thưa Phó Thủ tướng? Và ông có những kỳ vọng nào về việc giải quyết những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông trong năm 2014?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Chúng ta và kể cả một số nước trong ASEAN đã bày tỏ quan ngại nếu ở biển Đông có vùng nhận dạng phòng không. Như vậy sẽ rất phức tạp cho tình hình Biển Đông, đặc biệt là trong việc duy trì an ninh tại khu vực này. Một khi có vùng nhận dạng đó tại Biển Đông sẽ gây ra căng thẳng và sẽ dẫn tới những vấn đề không thể lường trước được. Một trong những yếu tố có thể đóng góp vào việc duy trì ổn định ở biển Đông, đó là kỳ vọng của các nước ASEAN ký được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) với Trung Quốc. Và đây cũng là mục tiêu của các nước ASEAN. Sau khi không ra được tuyên bố chung tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao 45, Indonesia và chúng ta cùng một số nước đã rất nỗ lực để ASEAN ký được một Tuyên bố 6 điểm riêng về vấn đề Biển Đông. Hiện nay trong ASEAN xu hướng chung là đều muốn xây dựng được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông  (COC) với Trung Quốc. Vai trò của Việt Nam trong COC rất quan trọng. Năm 2012, khi là điều phối viên của ASEAN – Trung Quốc, Việt Nam đã cùng các nước xây dựng được các thành tố cơ bản về COC. Trên cơ sở những thành tố đó thì ASEAN và Trung Quốc sẽ tiếp tục thảo luận về Bộ quy tắc này.

PVXin Phó Thủ tướng cho biết những trọng tâm của công tác đối ngoại của Việt Nam trong năm 2014?

 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Năm 2014, hoạt động đối ngoại của chúng ta sẽ tiếp tục triển khai theo đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11. Năm 2014 cũng là năm then chốt triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11, và xây dựng chiến lược phát triển đối ngoại cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 năm 2014 và 2015 còn là những năm quan trọng để triển khai chủ trương tích cực hội nhập quốc tế theo Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị mới ban hành; đồng thời triển khai Nghị quyết của Trung ương về chiến lược bảo vệ Tổ quốc, trong đó có những vấn đề liên quan đến đối ngoại trong việc duy trì môi trường hòa bình ổn định và phát triển đất nước. Đó là mục tiêu lớn của hoạt động đối ngoại 2014, nhưng đi vào cụ thể là tiếp tục làm cho các quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện đi vào thực chất, có hiệu quả, đồng thời củng cố các mối quan hệ hữu nghị truyền thống láng giềng tốt đẹp, mở rộng quan hệ với các đối tác khác. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, văn hoá, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, công tác bảo hộ công dân./.

PV:Vâng, xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!./.