Sáng 31/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn công tác của Chính phủ đã về tới Hà Nội, kết thúc thành công chuyến tham dự Hội nghị Thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2010 (WEF 2010), kết hợp thăm, làm việc với Liên Hợp Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới tại Thụy Sỹ.
Việt Nam tích cực tham gia các vấn đề toàn cầu
Đây là lần thứ 2 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự WEF. Tại một hội nghị đa phương diễn ra tới hơn 200 cuộc họp với sự tham dự của 2.500 đại biểu, trong đó có hơn 30 vị đứng đầu Nhà nước, Chính phủ, các tổ chức quốc tế, không phải ngẫu nhiên WEF năm nay dành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sự tiếp đón trân trọng, một vị trí có thể nói là tâm điểm chú ý của hội nghị. Bởi với các vấn đề nóng mang tính toàn cầu thảo luận tại các phiên họp, như: tái thiết tăng trưởng kinh tế dài hạn, tái định hình nền quản trị toàn cầu, an ninh lương thực và Cộng đồng Đông Á, Việt Nam đều có liên quan trực tiếp hoặc có ảnh hưởng rất lớn.
Trước hết là về kinh tế, Việt Nam trở thành tâm điểm khi chia sẻ kinh nghiệm, các giải pháp vượt qua những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu để trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới trong năm 2009 vẫn đạt tăng trưởng dương và tiếp tục đảm bảo các vấn đề xã hội. Thứ hai, thế giới trông đợi trong năm đảm trách Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam sẽ mang lại những tiến triển tích cực cho ASEAN và thúc đẩy các cơ chế hình thành cộng đồng Đông Á. Thứ ba là với uy tín trên trường quốc tế, WEF đã chọn Việt Nam là nước tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á đầu tiên vào tháng 6/2010 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng nhấn mạnh: Cùng với các hoạt động đối ngoại và sự kiện lớn diễn ra trong năm 2010, Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á là cơ hội rất lớn để các nguyên thủ, chính khách, các học giả và các tập đoàn kinh tế hàng đầu trên thế giới tận mắt chứng kiến những thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam sau hơn 20 năm đổi mới. Đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam với thế giới và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ và trao đổi với Phó Thủ tướng Trung Quốc |
Cùng với đề xuất nhiều ý tưởng, giải pháp thiết thực giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu trong các phiên họp của WEF 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn đối thoại với hơn 40 Chủ tịch, Tổng Giám đốc các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới; gặp gỡ và trao đổi với Tổng thống Thụy Sỹ, Thủ tướng Bỉ, Phó Thủ tướng Trung Quốc, Hoàng tử Anh... Thủ tướng không chỉ nhấn mạnh các nhân tố tạo nên sự hấp dẫn của nền kinh tế và môi trường đầu tư ở Việt Nam, chia sẻ mục tiêu, tầm nhìn của Việt Nam với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2010 mà còn góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị và thúc đẩy hợp tác song phương cùng có lợi với các nước.
Các tổ chức quốc tế cam kết ủng hộ Việt Nam
Trước khi đến Davos tham dự WEF, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm, làm việc với Liên Hợp Quốc và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tại Geneva, một lần nữa thể hiện Việt Nam rất coi trọng các cơ chế hợp tác đa phương. Trong các buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kiêm Giám đốc Liên Hợp Quốc tại Geneva, Tổng Giám đốc các tổ chức: Lao động Quốc tế, Y tế Thế giới và Di cư quốc tế đều đánh giá rất cao Việt Nam đã và đang tham gia tích cực vào các hoạt động của các thể chế kinh tế, chính trị quốc tế và là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva Vũ Dũng khẳng định: Các tổ chức quốc tế đánh giá cao chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với các tổ chức quốc tế nằm trong hệ thống của Liên Hợp Quốc. Các tổ chức quốc tế đều bày tỏ ủng hộ Việt Nam và cam kết đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trên các lĩnh vực thiết yếu liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh như y tế, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, lao động, khí tượng...
Cũng tại Geneva, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm trụ sở WTO, nơi cách đây 3 năm đánh dấu sự kiện Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại lớn nhất thế giới này. Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy đánh giá cao Việt Nam đã thực hiện các cam kết và coi Việt Nam là một điển hình thành công trong WTO. Ông Pascal Lamy và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định quyết tâm cùng nỗ lực để Vòng đàm phán Doha sớm kết thúc, mở ra cơ hội phát triển thương mại và giảm bớt trợ cấp gây ra sự méo mó của thị trường.
Tổng Giám đốc Pascal Lamy khẳng định với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: WTO sẵn sàng tiếp nhận đào tạo cán bộ cho Việt Nam, nhất là các chuyên gia đàm phán đa phương và đội ngũ luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp. Đây là hai lĩnh vực mà Việt Nam đang rất thiếu cán bộ trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. WTO cũng sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng lộ trình trong từng giai đoạn cụ thể nhằm tạo bước đi vững chắc trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu.
Chuyến tham dự Hội nghị thường niên WEF 2010 và thăm, làm việc với Liên Hợp Quốc và WTO của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thúc đẩy quá trình tham gia của Việt Nam trong các cơ chế hợp tác đa phương ngày càng sâu sắc và đầy đủ hơn. Chuyến tham dự còn củng cố và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam- quốc gia năng động, thân thiện, đang đổi mới mạnh mẽ và ngày càng hội đủ các điều kiện đảm nhiệm nhiều trọng trách quan trọng trong đời sống chính trị - kinh tế của cộng đồng quốc tế./.