Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, Hội nghị “Đối ngoại đa phương thế kỷ 21 và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam” sẽ diễn ra tại Hà Nội ngày 12/8.

doi_ngoai_viet_nam_2_csjj.jpgVới chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ, Việt Nam đã phá vỡ thế bao vây của các thế lực thù địch,  thực hiện hội nhâp quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực
Đây là dịp nhìn lại chặng đường gần 30 năm đối ngoại đa phương của Việt Nam kể từ khi đất nước tiến hành Đổi mới toàn diện vào năm 1986. Hội nghị, do Bộ Ngoại giao phối hợp với UNDP tổ chức, sẽ đánh giá các thành tựu cũng như rút ra những bài học cho hoạt động đối ngoại đa phương của nước ta trên tất cả các lĩnh vực.

Không những vậy, đây còn là diễn đàn để các bộ ban ngành và các địa phương trao đổi với các chuyên gia quốc tế hàng đầu trong hoạch định và triển khai đối ngoại đa phương, từ đó thống nhất nhận thức giữa các bộ ban ngành, địa phương và doanh nghiệp để đẩy mạnh hoạt động đối ngoại đa phương trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nữa.

Hội nghị “Đối ngoại đa phương thế kỷ 21 và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam” được kỳ vọng sẽ cung cấp nhiều gợi mở cho việc nâng tầm đối ngoại đa phương Việt Nam, đẩy mạnh đóng góp của Việt Nam đối với quốc tế và khu vực, đặc biệt trong thời gian 10 năm tới khi đất nước đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh cục diện thế giới đa trung tâm đang được định hình và đối ngoại đa phương trở thành xu thế tất yếu với vai trò ngày càng quan trọng trong quan hệ quốc tế thế kỷ 21. Bộ Ngoại giao cho biết, các quốc gia đang ngày càng coi trọng các thể chế hợp tác đa phương trên tất cả cấp độ nhằm đáp ứng nhu cầu hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu đan xen đang không ngừng gia tăng về mức độ gay gắt.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton năm 2011
Đối với Việt Nam, đối ngoại đa phương đã trở thành một bộ phận quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hỗ trợ phát triển và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Cụ thể, để đạt được điều này, kể từ khi công cuộc Đổi mới bắt đầu, chúng ta đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách, trong đó có chủ trương “đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” của Đại hội Đảng lần thứ XI,và Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

Theo nguồn tin Bộ Ngoại giao, tham dự vào sự kiện này sẽ có nhiều lãnh đạo và nguyên lãnh đạo cao cấp của nước ta, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển… Về phía quốc tế, đáng lưu ý sẽ có 3 chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực đối ngoại đa phương tới thuyết trình và thảo luận tại Hội nghị, đó là cựu Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy, cựu Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Jayantha Dhanapala và cựu Ngoại trưởng Singapore George Yeo.

Dự kiến phần chính của hội nghị sẽ kéo dài từ 8h30 đến 18h ngày 12/8, với các phiên thảo luận chung (về các xu thế lớn trong đối ngoại đa phương thế kỷ 21, định chế đa phương…), phiên thảo luận chuyên đề về kinh nghiệm và bài học của Singapore, ASEAN, Việt Nam và một số quốc gia khác, và phiên chuyên đề về khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam và ASEAN. Nội dung tham luận đề cập hợp tác đa phương trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, an ninh, quốc phòng, chính trị, xã hội.

Vẫn theo Bộ Ngoại giao, dự kiến khoảng 200 đại biểu đại diện các bộ, ban ngành thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về hội nhập quốc tế và đại diện các sở và phòng ngoại vụ của 63 tỉnh thảnh trong cả nước sẽ tham dự Hội nghị.

Ngoài ra, ngay trước thềm Hội nghị lớn về đối ngoại này, cựu Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới Pascal Lamy sẽ đối thoại với các doanh nghiệp Việt Nam vào chiều 11/8 tại trụ sở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam./.