Bước chân Hoài dường như đã mỏi rã rời. Hoài cố gắng leo lên mấy trăm bậc thang để được lên đến đỉnh “thiên đường” của ngôi đền cao nhất cụm Angkor Thom. Vừa thở hổn hển, vừa trấn tĩnh con tim đang loạn nhịp, tầm mắt Hoài nhìn ra xa, xa thật xa, qua khung cửa hẹp phủ đầy rêu phong và dấu ấn tàn phai của thời gian… Nơi ấy, có màu xanh điệp trùng như sóng biển nhấp nhô… nơi ấy, nhiều đồng đội của anh đã ngã xuống vì sự sống còn của một dân tộc láng giềng.

Hoài lầm lũi theo con dốc mòn, nghiêng chừng hơn ba mươi độ để lên đồi Bakheng. Anh chợt sững người, dưới gốc tùng cổ thụ, một dàn nhạc ngũ âm đang trổi lên bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” rộn rã và tươi tắn. Những nhạc công Campuchia, người cụt tay, người mang chân giả, có người mù cả đôi mắt đang như thả hồn mình trong điệu nhạc. 
Trước mặt họ là một cái thùng nhỏ, dùng để khách dừng chân thả vào đấy một vài tờ bạc lẻ. Hoài chợt thoáng buồn khi nhận ra sở dĩ họ hát bài ấy bởi anh là người Việt Nam. Bằng chứng là khi thoáng thấy bóng một đoàn du khách người Nhật, họ mau chóng chuyển sang bản “Mùa hoa anh đào”. Anh băn khoăn tự hỏi, không biết trong số họ có ai là lính của Pôn Pốt hay không? Biết đâu được ấy, cuộc đời vốn có những ẩn số khó ngờ…
hoang-hon19.jpg
Ảnh minh họa: Diệu Mai

Hoài là một đứa trẻ được sinh ra bên cạnh vùng sông nước cửa Trần Đề. Mẹ anh một mình nuôi anh trong bọt bèo trôi nổi của kiếp người, nay làm mướn chỗ này, mốt làm thuê chỗ nọ. Hoài lớn lên đi học, phải làm khai sinh, không ai biết đứa bé học muộn mang họ gì, kể cả mẹ anh cũng không hề biết họ của người mà mình đã trao thân. Và anh mang cái họ Trần của mẹ: Trần Hoài, có nghĩa là nhớ. Nhớ một bóng hình hay nhớ ai? Hoài chưa kịp hỏi mẹ thì bà đã mất trong một vụ nổ thuyền trên dòng Hàm Luông. Từ đó Hoài ở với một ông thầy dạy võ người Miên.

Đất nước thống nhất, rồi sau đó là cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam nổ ra, lính Khmer đỏ tràn vào nơi Hoài đang ở. Hoài thoát chết do một sự may mắn khi theo ông thầy đi ăn giỗ ở tỉnh. Cả nhà thầy bốn người không ai còn sống sót. Lạ thay cái bàn thờ Tổ bị đốt cháy nhưng sợi dây “cà- tha” vẫn còn, không một chút lấm khói bụi!

Ngày Hoài nhập ngũ, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước và cứu lấy một dân tộc đang họa diệt vong, thầy trao sợi “cà- tha” và nói với Hoài:

“Mày sang cứu dân tao, đây là bùa của cha, tao cho mày được may mắn!”

Ông đeo sợi dây lên cổ Hoài, hai tay chắp lại kính cẩn.

Hồi ấy, Hoài không thực sự tin lắm lời của ông thầy dạy võ Thất Sơn...
Cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt, đơn vị Hoài tiến sâu vào đất Campuchia. Sợi dây “cà- tha” không biết rơi rớt từ khi nào. Mùa mưa ở Campuchia cũng giống như mùa mưa ở Việt Nam, có khi dài lê thê đến vài ngày. Muỗi vắt nhiều như trấu, những đền đài đá ong nghiêng đổ, rêu phong trơn trợt, đất đỏ lầy lên theo vết chân người. Suốt một tuần, tiểu đội của Hoài lạc đơn vị, tụt lại phía sau, giờ chỉ còn năm người. Cứ cắt rừng, nhắm hướng Phnom Penh mà đi…

Hoài và đồng đội đã đến một xóm nhỏ thuộc Stoung Konpong Thom. Xóm thưa thớt dăm ba căn nhà, chỉ có vài người già và một thiếu nữ chừng mười lăm, mười sáu tuổi. Trong nhà họ chẳng còn thứ gì ăn được ngoài nửa lon gạo nếp. Một đồng đội của Hoài phải lấy ra cái võng bằng vải dù còn mới để xin đổi nửa lon nếp ấy. Nửa lon nếp được đem nấu cháo loãng cho năm người cùng ăn. Người thiếu nữ cứ nhìn Hoài bằng đôi mắt to đen buồn đến não lòng, còn lưng chén cháo, Hoài mang hết cho cô gái.

Buổi chiều muộn, hoàng hôn bầm như máu, loang đỏ một góc trời. Tiểu đội Hoài rút xa khu nhà dân, vào một khu vườn rậm để qua đêm, Hoài bỗng thấy những người dân mang vác những bọc áo quần rút dần ra hướng đường lộ. Cô gái nhỏ chạy nhanh đến chỗ Hoài, máng lên đầu võng anh sợi dây niệc bằng chỉ đỏ. Một nụ cười nở trên môi cô, Hoài mang máng nghe cô gái nói “Ba…Ba…Yon…” và chạy vụt đi. Hoài sực nhớ đến lời của ông thầy người Miên: “ Bùa của cha là Ba- Yon đó”. Cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Linh cảm về một điều không hay cho mình và đồng đội, Hoài bàn di chuyển ra khỏi vùng này ngay. Năm người lặng lẽ thu xếp tăng võng, súng đạn. Vừa nhổm dậy thì hàng loạt đạn AK đã nã vào đội hình của họ. Những bóng áo đen dày dặc như mối sau mưa, ào ào băng tới. Trời bỗng sầm sập mây đen, mưa như trút nước. Hoài nghe toàn thân mình tê rát, anh lao vào khoảng trống trước mặt. Người anh như bay giữa muôn ngàn cây lá. Đêm sâu hun hút và lặng ngắt…

Hoài tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trong một căn phòng nhỏ, quét vôi màu trắng. Chung quanh anh có rất nhiều đồng đội, người nào cũng mang trên người vài vết thương với bông băng trắng toát còn loang vết máu đỏ. Anh choàng dậy, kêu tên bốn đồng đội. Không có ai ở đây cả. Nước mắt Hoài ứa ra, môi khô rát. Bỗng có tiếng la từ ngoài vọng vào “ Giải phóng Nam Vang rồi! Giải phóng Nam Vang rồi!”. Tất cả các thương binh dường như đồng loạt ngồi dậy. Họ ôm chầm lấy nhau, nước mắt đầm đìa khuôn mặt. Có người còn nhảy lên, chạy ra ngoài cửa. Hoài nhìn xuống tay mình, sợi dây chỉ đỏ vẫn còn ở cổ tay. Hoài khóc, khóc như một đứa trẻ…

Hơn hai mươi năm rồi, Hoài mới có dịp trở lại Campuchia. Lúc ở Angkor Thom, nhìn nụ cười Bayon, đằm đẵm một nét từ bi dung dị, Hoài bỗng nhớ đến nụ cười bí ẩn của cô gái nhỏ ở  Stoung. Cô gái ấy giờ ở đâu? Làm gì? Có phải cô là hiện thân của Bayon khi mắc lên võng của Hoài sợi niệc bằng chỉ đỏ, đem lại may mắn và sự thoát chết một cách kỳ lạ cho Hoài trong cái buổi hoàng hôn kinh hoàng ấy? Và đồng đội anh, cả bốn người tuy không còn sống, nhưng xác thân họ cũng đã được đưa về nước, vĩnh viễn an nghỉ bên các đồng chí, đồng đội của mình trong một nghĩa trang liệt sĩ của thành phố…

Đồi Bakheng vẫn đông người lên trong buổi chiều tàn. Có đủ các màu da, sắc tộc: Anh, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Việt Nam… Họ đến để được nhìn một đất nước Campuchia hồi sinh, đang từng ngày thay da đổi thịt. Họ lên tuốt trên đỉnh đồi để ngắm cảnh hoàng hôn. Một du khách có lẽ là người Nhật, hỏi Hoài bằng một câu tiếng Anh: “Where are you from?” Và Hoài đã tự hào trả lời: “I am Vietnamese”. Người du khách bỗng nở nụ cười thân thiện và đưa lên ngón tay cái: “Việt Nam! Việt Nam, very good! Number one!”.

Cái màu xanh bát ngát, chập chùng như đẫm trong màu chiều vàng nhạt. Mặt trời tròn vành vạnh, đỏ màu cam đang tụt dần xuống phía tây. Có ai đó đã từng ví von mặt trời có khi là thần hủy diệt và có khi là thần của sự sống. Đã có một thời, trên đất nước Campuchia, chỉ nhìn thấy cái màu đỏ của khói lửa, của bom đạn và cả của máu. Mắt Hoài bỗng nhòe lệ. Cái màu đỏ bầm như máu của một ngày hoàng hôn xưa cứ nhức nhối trong lòng. Để một ngày được ngắm hoàng hôn ở đỉnh Bakheng, đã có rất nhiều xương máu của hàng vạn thanh niên Việt Nam đã đổ, và hàng triệu người con của đất nước chùa tháp đã phải phơi xương mình trên những cánh đồng chết.

Ngồi ngắm hoàng hôn, để trân trọng với một bình minh mới trong từng trái tim con người… Hoài tự nhắc với mình một câu như thế…/.