“Chiều nay dắt mẹ đi chơi

Hỏi bao nhiêu chuyện không đuôi không đầu

Con ong nó cứ đi đâu

Để bao nhiêu mật chảy vào trong hoa

Đám mây sao lại chơi xa

Mặt trời bị nắng chẳng nhà nào che”

Những vần thơ dung dị ấy trích từ tập thơ “Ngày mai con sẽ”, một trong năm tập của bộ sách thơ “Dắt mẹ đi chơi” do tác giả Mai Quyên sáng tác.

Nếu cùng chơi với con, những người làm cha làm mẹ hẳn sẽ luôn được “chất vấn” bởi hàng ngàn câu hỏi thơ ngây, kiểu như: “ Mẹ ơi tóc con ngựa. Sao lại gọi là bờm? Em con có cái bờm. Có phải là tóc ngựa?” Rồi thì: “ Mẹ ơi sao chú Cuội. lại ngồi gốc cây đa? Tại sao có con gà? Chui được vào quả trứng? Tại sao khi con đứng. Cái bóng lại ngã kềnh? Lúc bà ở một mình. Sao bà không sợ tối?”. Trong những bài thơ của bộ sách "Dắt mẹ đi chơi", người đọc có thể gặp được muôn vàn những sắc thái gần gũi, đáng yêu của con trẻ. Chúng gần gũi đến độ ta như nhận ra cả con mình trong đó.

Tập thơ có cảnh sắc của nhiều vùng đất, nhiều miền quê. Với các bé ở thành phố, thơ có những sẻ chia đầy thương yêu, ngộ nghĩnh mà cũng là tiếng lòng thổn thức của con trẻ: “Ông ơi con muốn về quê. Ở đây nóng bức con về với ông. Ở đây chẳng được chạy rông. Suốt ngày mẹ nhốt con trong điều hòa”.

Về với miền quê, thơ lại tràn đầy những sớm mai thức giấc cùng với tiếng gà, những đêm sâu có tiếng con sập sành ri ri hòa cùng tiếng dế. Những ngày mưa, bên cổng nhà ướt át, hình ảnh những dòng nước mưa như còn vương cả hương cau. Không chỉ thế, rất nhiều bài thơ trong bộ sách này còn mang đậm hình ảnh núi rừng và thảo nguyên, nơi quê hương tác giả. Nơi mà “khi con sinh ra, núi đã có núi rồi”. Mỗi chiều, ông mặt trời từ từ về sau núi ngủ. Hơi lạnh buông dần để bầu trời nhóng nhánh những sao. Thơ có lời ca hát của thảo nguyên, của suối và của núi rừng.

Có thể nói tác giả không làm thơ mà luôn kể chuyện. Cả 5 cuốn thơ "Ngày mai con sẽ", "Nói chuyện với hạt ngô", "Rủ rà rủ rỉ", "Đố mẹ" và "Dế mèn học chữ" đều có thật nhiều những câu chuyện. Khi là chuyện của chính tác giả và con trai, lúc cùng con lang thang, trải nghiệm; khi lại là những thắc mắc của con, mà cũng là của mọi đứa trẻ, khi ngắm nhìn vạn vật chung quanh.

Bằng những ngôn từ gần gũi và trong sáng, tác giả dường như muốn đem đến cho người đọc, người nghe, những bậc làm cha làm mẹ và con cái họ một không gian để sẻ chia và thấu hiểu. Không gian ngày Tết ấm cúng biết bao nhiêu qua lời kể của bé con: “Ở tít quê của tớ. Ngày Tết được chơi đu. Trời đất lộn tít mù. Xem hoài không chán mắt. Trước sân hai cây quất. Mọc ở đất hẳn hoi. Quả chi chít trong ngoài. Không phải trồng trong chậu. Nhuộm vàng đôi bờ dậu. Dây tơ hồng giăng giăng. Ông bảo là mùa xuân. Trời se duyên cùng đất”.

Chẳng cha mẹ nào không gặp khó khăn khi rèn cho con thói quen tập đánh răng, tập gấp chăn dọn gối. Những bài thơ lại đem đến cho bé bài học thật tự nhiên, không lên gân, gò ép: “ Sáng dạo chơi vườn cà. Bé gặp hai chú nhện. Chợt nhoẻn cười thân thiện. Nhưng nhện không đáp lời. Mải chăng lưới ra phơi. Chắc nhện đang còn bận. Chiều qua mưa mấy trận. Cả vườn rau ướt đầm. Chắc nhện chẳng nhanh chân. Không kịp mang lưới cất. Sớm nay trời trong vắt. Nắng rải mật vàng ươm. Vừa mới ngủ dậy xong. Nhện đã ra giúp mẹ. Bé ngồi xem thấy thế. Liền chạy ngay vào nhà. Lấy khăn mặt phơi ra. Bé học làm giống nhện”.

Với mỗi chúng ta, khi sinh con, ta cho chúng một hình hài. Nhưng khi lớn lên cùng con, chính con mới là người giúp cha mẹ tròn đầy nhân tính. Năm tập thơ với thông điệp giản dị, hãy để con dắt tay và cùng đi khắp thế gian, con sẽ trưởng thành, và mẹ cha cũng vậy. Bộ sách thơ “Dắt mẹ đi chơi” gợi nhớ lại ký ức tuổi thơ của những người làm cha làm mẹ, và trở thành người bạn đồng hành thân thiết của các con./.