Có thể nói, những năm gần đây, thế giới đã trải qua khá nhiều thay đổi, xáo trộn mang tính lịch sử. Đại dịch Covid-19 vẫn đang từng ngày, từng giờ tác động đến cuộc sống của từng cá nhân, vùng lãnh thổ, quốc gia. Nên làm gì và chọn thái độ sống như thế nào để đứng vững, để an toàn? Đó không còn là câu chuyện của riêng một ai. Và tất cả chúng ta hẳn sẽ tìm thấy lời giải đáp cho những thắc mắc ấy thông qua cuốn sách “Thế giới trong bạn” (tựa gốc “The World within”).
Vẹn nguyên giá trị sau nhiều năm
“Thế giới trong bạn” mổ xẻ hầu như mọi khía cạnh gây đau khổ cho nhân loại - từ những vấn đề hàng ngày như cơn giận, sự cô đơn, lòng thù hận, những suy nghĩ vụn vặt, niềm vui và đau khổ; cho đến những vấn đề mang tầm vóc lớn lao hơn như, sự sống và cái chết, chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo, hòa bình,… Từ đó, Krishnamurti hướng con người đến tự do và giải thoát nhờ sống tự biết mình, bởi mọi niềm vui và đau khổ của thế giới đều là sự phản ánh của niềm vui và đau khổ trong ta, vì ta chính là thế giới, nên mọi thay đổi đều phải bắt đầu từ chính mình.
Cuốn sách tập hợp hơn 80 bài đối thoại diễn ra vào giai đoạn Krishnamurti sống lánh đời tại thành phố Ojai, tiểu bang California, Hoa Kỳ vào giai đoạn diễn ra Thế chiến thứ hai. Nhân loại thời ấy đã tìm tới ông để đối thoại về nhiều vấn đề của thời cuộc, cũng như để được hoá giải những mối bận tâm, tình huống khó khăn của chính họ trong cuộc sống thường nhật. Đa số những cuộc thăm viếng, hỏi đáp riêng tư ấy sau này được tổng hợp lại trong một bộ sách gồm ba tập với tựa đề “Commentaries on Living” (tạm dịch: “Đường vào hiện sinh”), xuất bản từ năm 1956 đến năm 1960. Còn “The World Within: You are the story of Humanity” thì mãi đến tháng 9/2014 mới được xuất bản tại Mỹ, và bây giờ là lần đầu tiên được xuất bản tại Việt Nam với tựa đề “Thế giới trong bạn”.
Dù những cuộc vấn đáp ấy đã diễn ra khá lâu, nhưng đến nay, cuốn sách vẫn ngồn ngộn tính thời đại, và những lời giải đáp năm ấy vẫn có mối liên hệ trực tiếp với cuộc sống hiện đại.
Chẳng hạn như vấn đề tình dục và những ẩn ức, câu chuyện đồng tính luyến ái, mối quan hệ giữa người làm từ thiện và người đón nhận, tình yêu thương và sự cầu nguyện, bạo lực và cách hóa giải bạo lực, nỗi đau và cách vượt qua nỗi đau, … tất cả đều không xa lạ với con người sống trong thời đại này.
Câu hỏi được đặt ra chính là liệu những giải pháp tức thời hiện nay có phải chỉ là một cách để ta trốn tránh thực tại trong chốc lát, để rồi sau đó những vấn đề sẽ trở lại với ta trong một hình thái khác hay không.
Sống phải tự biết mình
Đọc “Thế giới trong bạn”, người đọc không chỉ dễ dàng nhận ra chính mình trong từng câu hỏi mà còn sẽ tìm thấy chiếc chìa khóa cho mọi vấn đề mình có thể gặp phải. Đặc biệt, bạn sẽ không thấy lời giải đáp nào là thừa. Mỗi câu trả lời như những con sóng tiếp nối, hết lớp này đến lớp khác. Câu trả lời này bồi đắp cho câu trả lời khác và chúng giao ở tính cốt lõi - sự tự biết mình.
Krishnamurti liên tục nhắc đến khả năng tự trị và việc tự nhận thức. “Thông qua sự tự biết mình, ta có tư duy đúng và nỗ lực đúng. Tư duy đúng là nền tảng để sống đúng, và từ đó, thông qua thiền định, sự thanh tịnh của trí tuệ xuất hiện. Trí tuệ là sự giản dị của trái tim. Chính trong sự giản dị này, người ta nhận ra cái tối thượng”, ông nói, “nếu không có khả năng tự tri thì không có tư duy đúng, và khi không có tư duy đúng thì không có bình an, không có tình thương”.
Đôi khi, người hỏi sẽ chưa hiểu được hết những lời giải đáp của Krishnamurti ở ngay trong thời điểm đó, nhưng đối với một số người khác, câu trả lời của ông chính là một cú đánh chí mạng vào thói quen xấu lâu đời của mình. Bởi Krishnamurti không đời nào ve vuốt cái tôi của người khác, đồng thời cũng không phê phán hay áp đặt góc nhìn mang tính cá nhân. Bậc đạo sư vĩ đại của nhân loại này đơn thuần chỉ giúp người ta nhận diện được vấn đề, từ đó tiếp cận được với giải pháp tốt nhất.
Không khuyên bảo hay dạy dỗ, điều Krishnamurti làm là gợi mở cho người đọc tự chiêm nghiệm, tự suy nghĩ để tìm kiếm câu trả lời. Ông không ngừng nhắc nhở mọi người nhìn vào nội tâm, nhìn thế giới qua chính mình, để tự giải thoát bản thân khỏi những sự khuôn định, khỏi những tư tưởng và thẩm quyền. Mỗi người đều có khả năng tự thức tỉnh mà không cần một bậc đạo sư hay một hệ thống tư tưởng, tín điều nào. Khả năng đó đến từ sự quán chiếu nội tâm, từ tĩnh lặng và nhìn thấy thế giới và chính mình là một, “vì bạn chính là thế giới. Bạn là gì thì thế giới là vậy”./.
Đức Đạt Lai Lạt Ma coi Krishnamurti là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thời đại, cả Phương Đông lẫn Phương Tây đều chào đón ông như bậc đạo sư uyên bác nhất, nhưng chính ông tuyên bố mình là người không quốc gia, không tôn giáo, không môn phái, đồng thời đặt mình nằm ngoài mọi tư tưởng, mọi ý thức hệ.
Trong gần sáu mươi năm, ông đã có vô vàn buổi nói chuyện về mọi chủ đề, với thính giả từ một vài cá nhân cho đến hàng ngàn người – trong phòng riêng, trong sảnh lớn, trong hội trường, ngoài bãi cỏ – ở bất cứ nơi nào có người sẵn lòng lắng nghe. Lời của Krishnamurti dành cho mọi người thuộc mọi độ tuổi, mọi giai tầng, không phân biệt trình độ tri thức. Ông tạo ra một bầu không khí chan hòa, không sợ hãi, không có cạnh tranh, để mọi người được tự do tìm về chính mình, đánh thức cái tâm thiện lương, giàu cảm thông, lòng bác ái trong mình.
Là một triết gia và nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần. Ông thường bàn về các chủ đề mục đích của thiền định, mối quan hệ giữa con người và phương cách để tạo nên sự thay đổi tích cực cho xã hội. Các tựa sách của Krishnamurti đã được xuất bản tại Việt Nam: “Tự do đầu tiên và cuối cùng”, “Bạn đang nghịch gì với đời mình”, “Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống”, “Tự do vượt trên sự hiểu biết”.
Ngày 17/2/1986, Krishnamurti từ giã cõi đời, để lại di sản là triệu triệu trái tim và khối óc nhờ nương tựa bóng cổ thụ nơi ông mà được hòa mình vào dòng chảy đời sống tự do và từ ái.