Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, ngày càng có nhiều loại hình giải trí xuất hiện thì việc đọc sách dường như đang bị trẻ em lãng quên. Mỗi khi nhắc đến sách cho thiếu nhi là lại nhớ đến “Dế mèn phiêu lưu kí” hay những câu chuyện cổ tích mà ít có những cuốn sách mang hơi thở hiện đại, đủ để hấp dẫn thiếu nhi. Hơn nữa, khi nhắc tới những cuốn sách thiếu nhi hay đọc, đa phần lại là những cuốn truyện tranh từ Nhật Bản, Hàn Quốc… mà không phải là những cuốn truyện “nội”.

Theo thống kê của Nhà xuất bản Kim Đồng - đơn vị đứng đầu trong việc cung cấp các loại sách dành cho thiếu niên nhi đồng thì sách văn học thiếu nhi của các tác giả trong nước chiếm khoảng 20% số lượng sách thiếu nhi xuất bản mỗi năm. Con số này cũng tương tự với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam. Điều này cho thấy sự ít ỏi và khan hiếm đầu sách cho thiếu nhi từ các tác giả trong nước như thế nào.

Thiếu nhà văn viết cho thiếu nhi

Trong khoảng chục năm trở lại đây, những đầu sách ít ỏi cho thiếu nhi của các tác giả trong nước nổi lên đa phần là của Nguyễn Nhật Ánh, Vũ Kim Dũng, Nguyễn Toàn Thắng… Các tác phẩm hầu hết đều là sự khai thác những tích truyện cũ, thiếu hơi thở đương đại và không tạo được không gian đồng thoại, phù hợp với cách nghĩ vẫn còn ngây ngô của thiếu nhi. Ngoài ra, sự lựa chọn đề tài cũ, cách xây dựng nhân vật quen thuộc và áp đặt giáo điều của người lớn cũng khiến trẻ em không có hứng thú tìm đọc những tác phẩm “nội” này.

sach1.jpg
Sách cho thiếu nhi hiện đang còn thiếu

Chia sẻ về việc viết sách cho thiếu nhi, nhà văn Nguyễn Toàn Thắng tâm sự: “Chúng ta có những tác phẩm tốt cho thiếu nhi, nhưng hiện tại, cứ nhắc đến sách thiếu nhi là lại chỉ nhớ đến “Dế mèn phiêu lưu ký”. Điều này cho thấy, sách hay cho thiếu nhi thưa thớt đến thế nào, thậm chí là chẳng có gì cả. Ngoài thế giới rộng lớn kia, có rất nhiều động vật thú vị cần được khai thác nhưng chúng ta thiếu nhà văn, thiếu sự quan tâm, đam mê viết cho thiếu nhi. Viết cho thiếu nhi rất khó để nổi tiếng, rất khó được biết đến trên các văn đàn. Nếu như không có tình yêu thật sự với trẻ thơ thì không thể viết được, mà nếu có viết, thì chẳng qua cũng chỉ mượn nhân vật thiếu nhi để giáo điều”.

Sách cho thiếu nhi là nơi để các em có thể thỏa mãn trí tưởng tượng, trí tò mò với cái nhìn ngây thơ nhưng khi người lớn đưa vào trong đó những giá trị đạo đức, những giáo điều, mượn nhân vật của thiếu nhi để truyền tải cách nhìn của tác giả đã dẫn đến việc vẽ nên một thế giới giả tạo và hoàn toàn không phù hợp với thiếu nhi. Đây là lối mòn mà các tác giả Việt Nam vẫn đi theo bởi họ vẫn chưa thực sự tâm huyết với thiếu nhi để sáng tác.

Thêm vào đó, việc cạnh tranh với những cuốn sách thiếu nhi nước ngoài, với thị trường truyện tranh hấp dẫn đã thực sự khiến các cuốn sách “nội” chìm nghỉm. Những cuốn truyện bán chạy là “Thám tử lừng danh Conan”, “Doraemon”, “Shin – cậu bé bút chì”… với hình vẽ đẹp, sinh động đã hoàn toàn thu hút các em thiếu nhi; trong khi, truyện tranh Việt Nam hoàn toàn thiếu sự đầu tư và hầu hết là được chuyển thể từ các tích cũ, những câu chuyện đã quá nổi tiếng.

“Trẻ em bây giờ thích đọc truyện tranh vì đọc truyện chữ mất nhiều thời gian và không có hình ảnh minh họa. Đặc điểm tâm lý trẻ em là phải có tranh minh họa, đáp ứng trí tò mò, nên các em mới say mê đọc truyện tranh” – cô giáo Lê Tố Oanh, giáo viên chuyên Văn, THCS Trưng Vương (Hà Nội), chia sẻ.

Giáo dục trẻ từ những cuốn sách ý nghĩa

Đứng trên cương vị của một người làm công tác giáo dục, cô Lê Tố Oanh rất băn khoăn trong việc lựa chọn những đầu sách hay cho các em học sinh: “Hiện nay, trong chương trình học cũng có những tác phẩm viết cho thiếu nhi như “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài, “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi hay “Quê nội” của Võ Quảng… nhưng những tác phẩm ấy, dù hay đến mấy cũng đã cũ rồi. Những tác phẩm mang hơi hướng của thời đại dành riêng cho thiếu nhi nhưng vẫn có giá trị nghệ thuật thì lại không nhiều”. Chính bản thân các em không biết, sách nào là hay, là tốt trong khi, việc định hình nhân cách, thái độ sống và tư tưởng của các em ở lứa tuổi thiếu nhi rất quan trọng. Trong rất nhiều đầu sách cho thiếu nhi, có những cuốn có nội dung khá cộc cằn, thậm chí có những lời không mấy văn hóa và vẽ nên cho các em thế giới ảo tưởng. “Chúng ta không thể cấm các em đọc truyện tranh mà chỉ có thể định hướng cho các em. Tìm hiểu xu hướng các em thích đọc cái gì, có lợi hay có hại như thế nào để các phụ huynh biết cách chọn sách cho con là điều mà chúng tôi đang làm để giúp các em có được sự phát triển toàn vẹn” - cô Oanh cho biết.

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng (ngoài cùng bên trái) và cô Lê Tuyết Oanh trong buổi ra mắt cuốn "Cô gà mái xổng chuồng"

Một trong những cuốn sách mới xuất bản gần đây của Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam mang tên “Cô gà mái xổng chuồng” của tác giả Hwang Sun Mi là cuốn sách phổ biến tại Hàn Quốc và được Bộ Giáo dục nước này khuyên đọc. Nội dung cuốn sách xoay quanh cô gà Mầm Lá với ước mơ tự do rời khỏi chuồng chật hẹp, khát khao được yêu thương và cố gắng hết sức mình để bảo vệ đứa con Vịt Trời.

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng cho biết: “Không phải vô cớ mà cuốn sách này nổi tiếng. Tác giả Hàn Quốc thành công ở việc, vẽ được một bức tranh thiên nhiên rất đẹp nhưng cũng rất khốc liệt. Những tác phẩm thiếu nhi trước đây của chúng ta rất một chiều, lối mòn với kiểu “ta thắng địch thua”, “cái thiện chiến thắng cái ác” nhưng trong thực tế không phải lúc nào cũng thế. Cái kết buồn mà không giả tạo, triết lý được diễn giải một cách tự nhiên và cách viết cũng rất phù hợp với sự tiếp nhận của tâm lý trẻ thơ. Thêm vào đó là sự nghiêm túc tìm hiểu tập quán sinh hoạt của những loài vật để miêu tả, thực sự chú tâm với tác phẩm của tác giả Hwang Sun Mi khiến cho các nhà văn của Việt Nam phải học tập”.

Trước đây, vì không có đủ điều kiện in ấn, phát hành nên các đầu sách thiếu nhi vẫn luôn thiếu, nhưng trong giai đoạn hiện nay, thiếu sách là có tội với trẻ em./.