Sự kiện trên có đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phát biểu chỉ đạo Hội nghị với nhiều nội dung sâu sắc.

“Tôi cảm thấy rằng đây là một cuộc “vực dậy”, “xốc lại” cả về tinh thần, tư tưởng và sức mạnh nội sinh trước hết trong chính lực lượng hoạt động văn hóa chuyên nghiệp, giới văn nghệ sĩ. Tôi thấy phấn khởi vô cùng, bởi vì một lần nữa Đảng ta đã nhìn nhận đúng mức vai trò, sứ mệnh, vị trí của văn hóa. Và khác với cách đây 75 năm ở chỗ là bây giờ đặt trong giai đoạn mới, vận hội mới của đất nước và thế giới”.

Là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ông Lâm cho rằng, bản thân qua Hội nghị cũng tự nhận thức sâu sắc hơn, có trách nhiệm hơn trong việc khai thác bản sắc văn hóa dân gian, nhất là văn hóa các dân tộc ở địa phương mình đang sống. Những tác phẩm phải lấy nguyên liệu từ chính đời sống lao động, sản xuất, tâm tư của nhân dân để đi vào hiện thực, nhưng phải mang tính văn học đặc trưng, lấy ngòi bút làm sức mạnh mà không sa đà sang chuyên ngành khác như báo chí.

“Trong cuộc vận động, sinh sôi đấy có nhiều vấn đề mà các nhà văn phải quan tâm, có cả hai chiều tích cực và mặt hạn chế, tiêu cực nhưng phải phản ánh thế nào để “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, vừa ca ngợi được cái tốt cái hay nhưng vừa phải biết phê phán đúng mức những cái chưa hay chưa tốt, tinh thần thái độ phản văn hóa, đấy là trách nhiệm của nhà văn thông qua những hình tượng, các thủ pháp của văn học nghệ thuật”.

Theo ông Lâm, sau Hội nghị, các cấp, ngành từ Trung ương tới địa phương cần có giải pháp đẩy mạnh nâng cao nhận thức, chính trị, tư tưởng về văn hóa; chú trọng, quan tâm đầu tư cho lĩnh vực này một cách hài hòa, ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội đúng với tinh thần Hội nghị đề ra.

Riêng đối với Lào Cai, ông Lâm cho rằng thời gian qua, lĩnh vực văn hóa đã được địa phương quan tâm đầu tư, tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hoàn thành các mục tiêu chính trị. Tháng 8 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai ban hành một Nghị quyết riêng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lào Cai đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững. Ngay sau đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng ban hành Đề án riêng về Phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh Lào Cai đến năm 2025. Đây sẽ là những tiền đề để Lào Cai tiếp tục hình thành, khẳng định giá trị văn hóa, con người mới tốt đẹp với các đặc tính cơ bản của người Việt Nam, mang đặc trưng vùng đất biên cương của Tổ quốc./.