Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra luận điểm "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" - sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tiếp nối những nguyên tắc, phương châm của Đề cương văn hóa Việt Nam đòi hỏi văn hóa phải phát huy những giá trị trường tồn, sàng lọc những hủ tục lạc hậu, tiếp thu, bổ sung tinh hoa văn hóa văn minh nhân loại; năm 1998, Nghị quyết Trung ương 5 khóa 8 xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc lần đầu tiên Đảng ta khẳng định văn hóa là sức mạnh nội sinh quan trọng nhất của sự phát triển, quan điểm này là định hướng cơ bản cho phát triển bền vững đất nước. TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội phân tích: "Ngay từ năm 1943, văn hóa Việt Nam có tính khoa học và có tính đại chúng. Bản thân nền văn hóa truyền thống của chúng ta đã mang tính dân tộc sâu sắc. Vậy thì chúng ta phải giữ gìn nhưng ôm khư khư cái văn hóa riêng của mình có thể hội nhập được không? Chúng ta cũng biết lựa chọn để làm cho văn hóa của mình giàu hơn".
Năm 2014, công nghiệp văn hóa được chính thức đề cập trong Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị. Đây là bước tiến mới trong nhận thức lý luận và thực tiễn. Với quan điểm mới này thì giá trị bản sắc văn hóa không chỉ là tài nguyên vô giá, tạo ra doanh thu góp phần vào tăng trưởng kinh tế mà còn củng cố sức mạnh mềm, giúp nâng cao thương hiệu vùng miền quốc gia.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, dự án văn hóa, gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhằm bảo tồn phát huy giá trị, bản sắc văn hóa của từng dòng họ, tộc người, đặc biệt là các dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch, cũng như quảng bá, giới thiệu hình ảnh thân thiện, mến khách đến với du khách trong nước, quốc tế.
Ông Lại Xuân Môn - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: "Đảng và Nhà nước của chúng ta hết sức quan tâm đến lĩnh vực văn hóa trong các văn kiện của Đại hội, nhất là văn kiện Đại hội 13 thì đề cập vấn đề văn hóa ngang tầm với kinh tế, ngang tầm với chính trị, văn hóa đứng ở vị trí thứ ba, quan điểm của Đảng phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa, tinh thần là động lực, nguồn lực to lớn của xã hội để góp phần vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội".
Hiện nay, dân tộc ta đang đứng trước thời cơ, vận hội lớn nhưng cũng phải đối diện với nhiều thách thức lớn cần vượt qua. Chính vì vậy, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước. Phát huy giá trị văn hóa sức mạnh con người Việt Nam, nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc, đó là phương hướng đặt ra theo tinh thần Đại hội 13 của Đảng. Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: "Yêu cầu đặt ra là phải xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới là gì và trên một trục xuyên suốt. Đó là phải phát triển văn hóa và con người Việt Nam, trọng tâm chính là phải khơi dậy được khát vọng xây dựng đất nước của chúng ta".
Như phân tích của chuyên gia văn hóa truyền thông Nguyễn Đình Thành, càng toàn cầu hóa người ta càng có nhu cầu khẳng định mình là ai. Càng trong dòng chảy hội nhập, những gì là quý giá, là tinh hoa của bản sắc văn hóa dân tộc càng cần phải được giữ gìn, phát triển. Hòa trong dòng chảy của cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung, các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới vẫn tiếp tục lấy lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” làm kim chỉ nam cho sự phát triển của văn hóa dân tộc mình./.