Tôi không phải bạn ông Nguyễn Xuân Khánh. Nói thân ư, thói ấy đâu dám, bởi về tuổi tác, ông Khánh là bậc đàn anh, trên tuổi tôi nhiều năm. Ông sinh 1933, không thể là bạn bè với lứa sinh 1948. Quan trọng hơn trong nghề là đường văn nữa. Ông viết báo từ khi tôi bé tẹo, mặc quần thủng đít, rong chơi quanh miền ông ở tạm. Cũng là miền thơ ấu lớp lứa chúng tôi, chứ quê ông ở Cổ Nhuế. Thế là thuộc đẳng cấp Người Hà Nội xịn.
Không biết gia tộc ông có ở Cổ Nhuế từ thời xa xăm bao đời? Có từ cái thời vua Lý lập nên làng này ở ngọn nguồn lịch sử? Nhưng việc ông từng gắn bó bao năm, từng dầm mình với xóm nghèo ven đê... nay lại quay về Cổ Nhuế nghỉ ngơi những ngày cuối chiều.
Người ta đau ốm, như biết mệnh trời lại bỏ nơi gắn bó, quay lại Cổ Nhuế, nơi sinh ra ông, một tuổi thơ chôn giấu ở đó, thì hẳn lí trí ông, sự mong đợi phút chót của đời người, có tính khuôn thước văn hóa Việt ấy, cũng nói một điều không hề nhẹ, nhỏ mọn, mà với thế hệ ông và cha tôi trước đó, rất trọng.
Cổ Nhuế và Thanh Nhàn cách nhau 6,7 cây số vệt chim bay, dễ cho nguyện ước này. Không như cha tôi vì thương con, muốn chôn cất nơi gần, tự từ bỏ ý định về nằm bên tổ tiên…Ông, cũng Tây học như cha tôi, một lớp lửa như Dương Tường, Châu Diên, Lê Bầu thạo thông việc dịch tạo ra vệt sáng một thế hệ đi qua đời tôi. Thế hệ ông đến với làng văn từ khi tôi chưa ý thức một tẹo nào về nghề văn. Cái nghề mà có mài hết óc cũng chỉ đủ nuôi mỗi mồm mình, lại hiểm nguy con chữ…
Cuộc sống đưa đẩy, sau khi tôi quay lại văn chương, đóng góp tí teo cho văn đàn thì ông... Vâng, chính ông cùng với Châu Diên, Bùi Ngọc Tấn, Dương Tường, Lê Bầu đã đi khá xa. Ở đời hành quân, cách nhau một vài dặm, cố là đuổi kịp. Ở nghề văn nói riêng, nghệ thuật nói chung, cách nhau một milimet, có khi cả đời lẽo đẽo là kẻ đi sau hết kiếp. Nếu không tự cách mạng cái bản ngã, vươn tới ở chính nghề nghiệp, coi nghề nghiệp làm trọng, cũng là kiểu trọng chính con người mình trước đã.
Nguyễn Xuân Khánh như thế qua vài đánh giá, lại là người dễ gần nhất với thế hệ sau ông. Mỗi lần từ Đức trở về, ghé thăm ngôi nhà hun hút sâu ở dãy phố tận cuối đê Trần Khát Chân cũ. Cái ngõ bây giờ vẫn thế, khác xưa là con đê Trần Khát Chân có dòng Tô Lịch đen ngòm chỉ có bọ gậy, loài cá sin sít, cá đuôi cờ sinh sống giờ là Đường Trần Khát Chân rộng và những sáu làn xe chạy. Sông Tô xưa đoạn ấy, ven đê xưa ấy, luôn nhận nước đổ từ nhà máy rượu, thơm mùi men rượu, cùng thum thủm bản chất của cống to, tất cả hòa quyện nhau khi ấy chảy ngoằn nghèo, qua làng Thanh Nhàn, đâm sâu xuống phía Nam là làng Mai Động, đất của đám giang hồ đánh bạc từ thời Tây, mổ trâu lợn chui cũng từ thời loạn.
Các khu làng này, đường thôn như thiên la địa võng, Mai Động đầy hồ chuôm, các đường ngang bờ tắt chi chít. Gần nhà ông ở xưa kề bên hữu có làng Lương Yên. Lương Yên có bãi chiếu bóng ngoài trời dành cho đám quần cộc. Xa Hà Nội, trò chuyện cùng ông Khánh, tôi ra đi lại thấy ở tận bên Đức khi trôi dạt, thức tỉnh phắt giữa đêm như ai bắn đoàng đoàng bằng mồm lên màn ảnh, dựng bằng hai cái cột khi chiếu phim "Bạch Mao Nữ"…
Môi trường ấy, lăn lộn chung tình cùng bà Khánh (bà Nguyễn Thị Hoàn) và con cháu Nguyễn Xuân Khánh đã bền bỉ, kiên nhẫn không chỉ với đường văn. Ông mua được hai từ "hạnh phúc" không phải bằng tiền. Ngôi nhà hạnh phúc mãn kết tới tận cuối con đường xây dựng bằng tình ông dành cho bà, nơi nương tựa cuối cùng của nhà văn, cũng nhận là chẳng lạ bằng sự yêu trọng của bà Khánh.
Gia đình ông bao năm ở đất ngõ ấy, làm thuốc lá quấn lậu, nuôi lợn, viết văn báo chui và chính những tháng năm ấy, sau này ông viết thiên truyện cao nghề tên đầu là "Trư Cuồng" - sau này làm mềm đi ở tên sách thành "Chuyện ngõ nghèo".
Nguyễn Xuân Khánh bằng sự tích lũy cuộc sống của chính mình, quanh mình cho ra đời một câu chuyện mà đời sống chính ông làm chất liệu. "Chuyện ngõ nghèo" chật ních những truyện ngắn nhỏ mà thành. Mỗi biểu tượng ở đó trong từng chương khắc họa một đời sống oái oăm chiêm nghiệm, một khát vọng sống được tử tế hơn.
Tôi không thấy người lớn này hậm hực chèn ngang chửi xéo ở tác phẩm này mà bằng tầng địa chí triết học Đông Tây, chủ yếu là Tây phương mổ xẻ tận cùng cái xót xa của con người. Đọc nó thật lâu vì nó là khởi đầu một thể tài dung lượng lớn. Nguyễn Xuân Khánh dạy tôi về thi pháp tiểu thuyết khá nhiều ở cuốn sách này. Rồi ông viết "Hồ Quý Ly". Đánh giá rằng, tính cô đọng ở lịch sử trong cuốn thứ hai này là khá nhất. Nó được Hội Nhà văn Việt Nam vinh danh ngay tắp lự.
Tiếng "Khánh vàng" vang xa sang ngân nga trong lòng bạn đọc Việt ở châu Âu, châu Mỹ, bạn đọc bất kể là ai. Nhớ đến đây, tôi làm cầu nối cho ông một người tận Mỹ xa xôi. Ông ta nằng nặc muốn gặp tác giả ở quán ăn Việt nấu kiểu Đức, đối diện Trụ sở VOV. Xuống tận nhà ngỏ lời mời. "Bố cháu còn ăn uống được gì đâu" - anh con trai bảo tôi. Ông Khánh chỉ cười rồi chậm rãi hỏi người từ Mỹ là ai. Tôi thật thà bộc bạch về ông già chăm đọc sách ấy, quen nhau từ bạn văn và cả báo chí hải ngoại.
Rồi đến hẹn, con trai ông lấy xe máy chở bố đến để hai người tác giả và bạn đọc trò chuyện ba bốn giờ đồng hồ không dứt. Trước khi ông già bên Mỹ mất, vẫn sai con ông thư cho tôi, gửi lời chào nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Ông kịp mua cả "Mẫu Thượng ngàn", "Đội gạo lên chùa".
Nguyễn Xuân Khánh là tác giả những pho sách đồ sộ in không chạy theo mốt. Độ dày của sách phụ thuộc vào dung lượng vấn đề mà truyện ngắn hay tiểu thuyết mini bất lực. Nhà xuất bản Phụ nữ rất có công khai thác ông, chịu chơi in các cuốn sách dày cộm. Và sự tương đồng, cộng sinh này, khi tác giả giỏi và biên tập giàu kinh nghiệm thẩm đã cho Nguyễn Xuân Khánh vài trăm triệu chẳng bất ngờ.
Ở hai tác phẩm sau này, Nguyễn Xuân Khánh quay lại sự nghiêm cẩn lê thê của tiểu thuyết kinh điển. Đọc ông, như lại thấy ngày trẻ thơ đọc Victor Hugo. Nhà văn Pháp viết một chương lê thê "Cống ngầm Paris". Biến tấu đi, Nguyễn Xuân Khánh cho bạn đọc bước vào những vấn đề cốt tử của tín ngưỡng Việt. Có lẽ nó dài cả ngàn trang vì thế chăng?
Nguyễn Xuân Khánh thuộc thế hệ ấy của lớp lứa thứ hai trưởng thành trong cách mạng, lớp lứa trọng sự mới. Ai ngoan lành, tăm tắp viết thì tiến thân. Ai ương ngạnh quyết theo cái chí lớn coi sự tạo ra một dòng chảy thực sự là trung thực với nhận thức của chính mình. Văn nghệ hay cụ thể là văn chương phải thực sự đóng góp cho nền văn học cách mạng nước nhà, đưa con người ta hướng sang bến về Chân Thiện, đạt đủ độ dày hai chữ này làm nên sự Mỹ. Chính ba cái từ giản đơn ấy, trở thành bất tử (vốn là điều cần nhất cho nghệ thuật dài lâu, bất chấp thời gian, bởi sự trung thành với lợi ích của dân tộc - nhân dân, đất nước Việt).
Hôm trước nghe tin ông đã về trời, nhà thơ Trần Đăng Khoa buồn bã kể qua điện thoại. Khoa kể, năm 1967, ông Nguyễn Xuân Khánh, cùng nhiếp ảnh gia Quang Huy và nhà thơ Ngô Viết Dinh về nhà Khoa ở nửa tháng. Họ, cũng như vài nhóm nhà báo khác về cái làng nghèo xác, đất phèn chua ấy, đều thực là muốn xác minh xem cậu thần đồng có thực sự tự mình biết làm thơ không.
"Bấy giờ tôi đang viết "Đám ma bác giun" ông Thọ ạ! Đem khoe ông Khánh. Ông Khánh thích quá cứ tủm tỉm cười suốt. Nhưng có người cũng nghe bảo, cậu viết thế này là thế nào. Lại rỉ tai nhau, nó bé như cái kẹo, mà có câu bôi bác xã hội. Nó hạ rõ là cái chết người lao động: Bác giun đào đất suốt ngày/trưa nay chết dưới bóng cây sau nhà… mà có câu kết: Kiến đen uống rượu la đà/ bao kiến gió bay ra chia phần. Thực ra câu này đâu của tôi. Nó từ tứ nguyên xi ở dân gian, của ca dao cổ. Họ góp ý thẳng như cha chú làm tôi hoảng, bèn chữa: Kiến đen uống rượu trong nhà/bao nhiêu kiến gió bay ra chia buồn.
Ông Khánh đọc, lại tủm tỉm cười rồi tắt cười nghiêm trang bảo: "Không nên vậy, kết thế bài thơ bình thường". Ông thích cái kết nguyên bản. Ông Khánh về Hà Nội, viết bài báo về Trần Đăng Khoa và trích nguyên bài thơ với kết cũ. Hai trang đó là văn bản đầu tiên của báo chí viết khá kĩ về tôi. Ông trình in và khi in ra gây nhiều phản ứng và lại nhiều việc nữa gian nan.
Ông Khánh đấy là vì tôi đấy. Giữ lại cái hay cái đúng mà không uốn éo để mất mình. Rõ là giọng Khoa buồn buồn qua điện thoại, rằng ông Khánh bị nghỉ việc và về nhà quấn thuốc lá, viết văn.
Họ, những người lớn thời đó kể lại cho Khoa này, cũng không biết thực hư ra sao.”
-Ông Thọ ơi! bao lần gặp bác Khánh, tôi cố tri gặp gỡ mà chưa khi nào có dịp thuận để hỏi lại ông. Theo tôi, bác Khánh luôn ủng hộ cái mới. Bài báo đầu tiên ấy tít giật "Cháu ngoan Bác Hồ, chú bé làm thơ" có trích nguyên văn bài thơ "Đám ma bác giun"…
Sự mới cần dấn thân ấy, khi nhà văn quyết chịu chơi đi hết các cung bậc của nghề viết. Ông là ngọn bút viết đến gần hết cả đời người, kéo dài đời văn sống cho tận cùng suy ngẫm đến minh triết. Bao gồm sự nhìn nhận lịch sử chảy dài nhiều thời kì, để người đời nay nhìn vào chiều dài thời thế, biến văn chương như con thuyền đưa chính ông cùng bạn đọc sang bờ bên kia của dòng sống hoàn thiện bản tính người.
Nghĩ tới nhà văn đàn anh này, tôi thường nghĩ tới lí thuyết cơ bản nhất của Phật học. Nhà văn thì không phải tu sĩ, nhưng nhà văn sống tử tế, khi viết lại coi trước tác nghệ thuật như phương tiện, từng con thuyền chở người ta qua sông sang bờ của niềm "thiện" thì sự nhọc nhằn để viết như Nguyễn Xuân Khánh tự nó đứng trên sự tự xác lập thái độ sống, làm nên hai từ "nhân văn" như đạo tự nhiên làm người lớn.
Điều này như tấm gương cho thế hệ nối tiếp, khởi sâu nhiều dòng chảy văn học, đóng góp cho dòng sông lớn của nhân dân, mang trên vai hai cụm từ "dân tộc" và "đất nước". Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh xứng đáng là bậc đàn anh lớn của cá nhân tôi.
Ông ra đi thản nhiên sang bờ bên kia, để lại cả tầng tầng lớp lớp cho thế hệ sau... Thể xác đều tan biến cả thôi, chẳng nhà văn nào chín chắn yêu mãi xác thân mình. Nhưng những gì ông đã viết còn đây, với thế hệ chúng ta và bao bạn đọc khắp nhân thế này, mãi còn đây như những tiếng "Khánh vàng" ông đã gióng lên.
Những tiếng "Khánh Vàng" ngân nga mãi, bất chấp thời gian, tạo ra hiệu ứng thành tiếng binh bong dài trong tâm khảm nhiều con người Việt. Ông chính là nhân sĩ, nhà văn thuộc dòng văn học cách mạng, như câu chữ xưa của cha ông Văn Chương Thiên Cổ Thọ, khi nhà văn viết, dấn thân vì đất nước, nhân dân… tất sẽ còn sức đi xa bất chấp cả thời gian./.