Tiểu thuyết “Gió qua đồi Phương Bối" gồm 316 trang với 5 phần: "Chuyến đi ngẫu hứng", "Giấc mơ của Lâm - Hành trình chinh phục nữ tu hoàn tục", "Giấc mơ của Lâm - Đêm tân hôn", "Giấc mơ của Lâm - Những tháng ngày giông bão", "Giấc mơ của Lâm - Gia đình và những đứa trẻ".
Là một truyện trong truyện, câu chuyện mang tính tâm lý tình cảm, có chút huyền hoặc, kỳ ảo, xuyên không hơn nửa thế kỷ trước trong bối cảnh một Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh trước năm 1975 và hiện thực đương đại hôm nay vừa mới xảy ra ở miền cao nguyên thuộc vùng đất “Hoàng triều cương thổ”…
Trang sách mở ra bằng chuyến du ngoạn ra khỏi Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh sau đợt “phong thành” bởi dịch Covid-19 của hai chàng trai trẻ, với những lạc cảnh thần tiên trong câu chuyện của họ về một miền đất cao nguyên cổ xưa: “Cảnh sắc thiên nhiên còn vẽ lên nền trời lúc hừng Đông một khung tranh tựa hồ cổ tích. Nơi đó, trước lúc bình minh và sau buổi chiều tà, người ta thấy từng đám mây trắng sữa, trôi là là trên sườn núi, có đám bò xuống tận thung lũng dưới chân, bốn bề hoàn toàn yên tĩnh ngoài tiếng chim rừng và gió hú…
Nếu buổi sáng, sương tan, người ta thấy cảnh thành phố Bảo Lộc cựa mình thức giấc ở đằng Đông, thì đêm khuya, giữa đại ngàn, bóng trăng thanh bình ở phía Tây lại xuất hiện như người thợ thủ công, cần mẫn dát ánh bạc xuống mái rừng cô tịch…”
Tác giả đã để họ dẫn dắt câu chuyện, không thể biết trước cái gì sẽ đến, sẽ xảy ra, để bạn đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, khó gấp lại cuốn sách dở dang, mà phải đọc một hơi cho hết, cho đã, cho thỏa những khám phá từ câu chuyện trong sách… Và sau đó là thấm, là muốn lật giở lại những chương, những đoạn cảm thấy cần đọc thêm một lần - hai lần và n… lần.
Điều gì tạo nên sự hấp dẫn và quyến rũ đến thế?
“Gió qua đồi Phương Bối” có thể xem là một cuốn tiều thuyết phong cách hiện đại pha nhiều sắc thái theo xu hướng văn chương đương đại dành cho giới trẻ, nhất là ở lứa tuổi 21+, là "bàn tiệc" về nhân sinh quan, thế giới quan văn hóa nghệ thuật, tổng hòa, tổng phổ nhiều cung bậc giai điệu, nhiều hương vị sắc màu, nhiều chiều không gian, bối cảnh, hiện thực và quá khứ đan xen, nhiều cảm xúc chạm đến đỉnh trong nhiều câu chuyện vừa cung cấp tri thức cuộc sống xã hội, vừa đầy sắc thái tâm lý phức tạp trong tình yêu giữa thánh thiện và trần tục, giữa con người với thiên nhiên, con người với nhau...
Phần 1, câu chuyện dẫn bạn đọc cùng tham gia một chuyến du khảo ngẫu hứng nhiều thú vị về thiên nhiên miền cao nguyên bằng góc nhìn mới lạ đầy huyền diệu, từ dãy núi Đại Lào ẩn hiện trong mênh mông sương mờ ảo, đến biển mây trên đèo Bảo Lộc bồng bềnh dập dờn huyền hoặc, đặc biệt là khu đồi thông Phương Bối vi vút gió cao nguyên cùng ngôi nhà gỗ đơn độc, ẩn chứa những bí ẩn thời gian - bối cảnh của câu chuyện đang được từ từ hé mở.
Tác giả tinh tế đến từng chi tiết, chứng tỏ một sự quan sát “thực địa” khá sâu sắc. Cuộc đối thoại của hai nhân vật trẻ với chủ nhân ngôi nhà gỗ đơn sơ nhưng đủ đầy theo phong cách “tối giản” mọi tiện nghi trên “đồi Phương Bối”- một bà lão có “nét lai Tây”, sống qua hai thế kỷ, bạn đọc sẽ cộng thêm trong kiến văn của mình rất nhiều kiến thức trong văn hóa nghệ thuật, từ cách “sắp xếp” vườn theo phong cách Thiền “Karesansui”- Nhật, cách thưởng thức trà thanh nhã - Trà đạo, hoặc những ứng xử với đồ cổ đồ xưa qua câu chuyện thú vị về chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Telda của Thụy Sĩ lên dây FHF Cal.28 năm 1950, từng thịnh hành ở Sài Gòn giai đoạn 1930-1970…
Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết “Gió qua đồi Phương Bối”, bạn đọc trẻ cũng sẽ thích thú với những câu chuyện về một góc đời sống xã hội Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh kéo dài suốt hơn nửa thế kỷ từ thập niên 1960, để có thêm hiểu biết về một giai đoạn lịch sử nhiều xáo động từ chiến tranh đến hòa bình… Có những chi tiết mà với ngày hôm nay đã thành “bảo tàng quá khứ”, từ chuyện hàng hóa “quân tiếp vụ” viện trợ của Mỹ trong chiến tranh, những thú ăn chơi xa hoa bí mật đầy cám dỗ của các quý cô quý bà, đến chuyện những ngày đầu hòa bình nhiều thiếu thốn, khó khăn, nhiều giông bão trong lựa chọn cách sống nhiều tích cực, lạc quan….
Thú vị hơn là có thể hiểu biết và “học” thưởng thức rượu vang thật phong cách. Cảm nhận về nước hoa, một thứ mê dược của mùi hương để tạo ấn tượng với “đối tác”, trở thành độc quyền “nhận biết” gây hưng phấn, kích thích… Hay cách sống chậm để hòa mình, hòa hợp với thiên nhiên trong hoàn cảnh tách biệt với những tiện nghi hoa lệ…
Đặc biệt, ở phần 3 - Giấc mơ của Lâm - Đêm tân hôn, là những trang viết khá tào bạo và nóng bỏng, nhưng thấm đẫm sự lãng mạn, ngọt ngào, nồng nàn, trong nghi lễ thánh thiện và khát khao bản năng Tình yêu và Sắc dục, của chàng ký giả chiến trường với nàng nữ tu hoàn tục… Có thể nói, tác giả đã dùng ngôn ngữ ẩn dụ tinh tế đầy hình tượng, từ ngữ thanh nhã để miêu tả những sắc thái đam mê, hoan lạc, để bạn đọc cảm nhận và tưởng tượng nhiều hơn qua trang viết.
Phần 4 - "Giấc mơ của Lâm- Những tháng ngày giông bão", là trang viết ám ảnh gợi mở, hé lộ những góc khuất “lục dục” tiềm ẩn trong sâu thẳm con người, ưa thích xa hoa, bản năng phóng đãng, thèm muốn cảm giác thỏa mãn tận cùng sắc dục, trong một tâm hồn thiếu phụ từng 18 năm bị gò ép khuôn phép nghiêm cẩn trường Dòng.
Và một khi được nếm trái cấm, giống cánh cửa khép kín đã khai mở, không thể ngắt đoạn những nhục cảm một khi vắng chồng, nàng đã ngoại tình để chiều chuộng bản thân, thỏa mãn khám phá những sâu thẳm cung bậc khác nhau của sắc dục, dù vẫn yêu chồng… Là sự vị tha đến nghiệt ngã cho trái tim cũng chỉ vì tình yêu sâu đậm của chàng ký giả với người vợ của mình.
Có thể nói hai phần này của “Gió qua đồi Phương Bối” còn như những bài học về tâm lý giới, đời sống tình dục vợ chồng, để có sự hòa hợp cả thể xác và tâm hồn, sự trao nhận đồng điệu, sự thỏa mãn để thăng hoa, sự tha thứ để giữ gìn bình yên, cho cuộc sống hôn nhân gia đình thêm gắn bó, bền vững trong hạnh phúc trọn vẹn đủ đầy.
Phần 5 - "Giấc mơ của Lâm - Gia đình và những đứa trẻ", một tiếp nối viên mãn của mối tình giữa nàng nữ tu với chàng ký giả ở khu đồi thông Phương Bối. Với họ, tình yêu, bổn phận và trách nhiệm đã cho họ vượt qua rất nhiều khó khăn tưởng chừng đã có lúc gãy đổ, không thể chống đỡ, nhất là khi cuộc sống thay đổi thăng trầm, mọi thứ ngả nghiêng, bấp bênh, chơi vơi… Và họ đã trụ vững, tạo nên một gia đình ấm áp.
Đây có thể xem như những trang viết hiền hòa thanh bình, là sự hòa giao tình cảm giữa con người với thiên nhiên… Qua đó tác giả ngầm gửi gắm thông điệp gìn giữ, bảo vệ, trân trọng thiên nhiên như người bạn, người thân…, để thiên nhiên là sự thân thiện, gần gũi, nguồn tài nguyên bảo vật quý giá dành cho con người, như ngay chính trang mở đầu tác giả đưa lời cảnh báo: “Lá phổi của hành tinh này đang bị hủy hoại rất nghiêm trọng. Xin giữ lấy địa cầu”.
Tiều thuyết “Gió qua đồi Phương Bối” lấy bối cảnh trài dài từ thập niên 1960 cho tới hôm nay, có rất nhiều vấn đề tác giả chuyển tải trong tác phẩm, để bạn đọc dung nạp, nên thoáng qua có vẻ tác giả hơi “tham” chi tiết, nhưng đó lại là ưu điểm. Chính điều đó như gợi mở kích cầu, để bạn đọc sẽ phải tìm hiều sâu hơn vấn đề, cũng như trông đợi tác phẩm kế tiếp có nhiều hấp dẫn khuyến dụ bạn đọc hơn nữa.
Từ mở đầu cuốn tiểu thuyết, cái cách hai chàng trai trẻ gần gũi thân mật trong những trò chuyện chia sẻ trên đường đi… “Dưới ánh trăng bàng bạc, chúng tôi nằm nghe gió hát. Hỏi nhau những câu chuyện đời… Và chẳng nhớ còn bao nhiêu câu chuyện ngoài lề như thế nữa, cho đến khi chìm vào giấc ngủ…”. Và câu chuyện của họ khi trở lại thành phố như vẫn còn bỏ ngỏ, như một thầm hứa hẹn của tác giả Nguyễn Hoàng Trung Hiếu - một luật sư - nhà văn, sẽ còn có câu chuyện tiếp nối, có thể mang chủ đề “nóng” về môi trường, xã hội, tình yêu “hậu” Covid-19… hiện đang được các bạn trẻ, những “nam thần”, “soái ca”, “Idol”, “KOL” quan tâm không kém./.