Đã từ lâu, Netflix, cùng với một số "ông lớn" trong làng công nghệ như Google, Facebook, Amazon… được coi là đang hưởng lợi lớn từ hệ thống thuế “không công bằng”. Theo đó, các công ty công nghệ này chuyển hướng sang các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có mức thuế thấp. Điều này đã dấy lên làn sóng phản đối với các đối thủ kinh doanh truyền thống, chẳng hạn các rạp chiếu phim (đối thủ của Netflix), khách sạn (đối thủ của AirBnb) hay nhà bán lẻ truyền thống (đối thủ của Amazon). Các đơn vị kinh doanh phải chịu môi trường cạnh tranh khốc liệt và còn phải trả đầy đủ thuế cho 100% doanh thu phát sinh tại nước sở tại.
Tại Canada, Netflix còn bị tố cáo là nguyên nhân đe dọa sự phát triển và tồn tại của ngành công nghiệp điện ảnh nói riêng và nền văn hóa nói chung. Theo một bài phân tích của tờ Toronto Star (Canada), Luật Phát thanh Truyền hình Canada quy định các hãng phát thanh truyền hình phải đầu tư một phần doanh thu của họ vào việc sản xuất các nội dung tại Canada. Ví dụ, các chương trình giải trí tại nước láng giềng Hoa Kỳ chiếm tỷ lệ lớn phủ sóng tại Canada, thì các đơn vị sản xuất chương trình này bắt buộc phải đầu tư đáng kể vào ngành công nghiệp điện ảnh - truyền hình của Canada để đổi lại quyền tiếp cận 38 triệu dân nước này.
Chính nhờ nguyên tắc trao đổi căn bản này, trong 50 năm qua, nền điện ảnh Canada đã sản sinh ra nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, được công chiếu tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cùng với nhiều nghệ sỹ, đạo diễn thành danh trong giới nghệ thuật toàn cầu. Văn hóa Canada được quảng bá rộng rãi khắp năm châu với nền điện ảnh thu hút đông đảo khán giả khắp các lứa tuổi và góp phần quan trọng vào việc định hình, củng cố nền văn hóa - bản sắc Canada. Nhiều tác phẩm điện ảnh Canada được khán giả toàn cầu yêu mến như “Schitt’s Creek,” “Kim’s Convenience,” “Coroner", “Transplant, “Odd Squad"... Nhiều công ty lớn trong làng giải trí Mỹ cũng quen thuộc với việc sản xuất các chương trình tại Canada và nền điện ảnh Canada càng có thêm điều kiện sản sinh ra các nhân tài nắm giữ nhiều giải Oscar hay Emmy mà không cần phải di cư đến Hollywood. Nền công nghiệp không khói này của Canada đang tạo ra hơn 12 tỷ dollar doanh thu hàng năm, tuyển dụng tới 250.000 người, phần lớn thuộc tầng lớp trung lưu.
Tuy nhiên, công nghệ giải trí trên nền tảng số mà các "ông lớn" như Netflix đã mang lại thách thức lớn đối với nguyên tắc trao đổi căn bản trên đây. Hàng tỷ USD doanh thu từ các chương trình giải trí trên hạ tầng của Netflix bán cho người Canada có thể chảy thẳng vào túi các nhà phát hành nước ngoài mà không đóng góp một đồng đầu tư nào cho nền công nghiệp điện ảnh, giải trí Canada.
Mới đây, Chính phủ nước này đã đề xuất lên Hạ viện một cơ chế thuế mới, dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2021, nhắm vào các công ty hoạt động trên nền tảng số như Netflix, Google hay Amazon. Theo đó, các công ty này có trách nhiệm nộp thuế cho mọi giao dịch phát sinh đối với người dân bản xứ, từ phí thuê bao truyền hình, phí tải các bản nhạc đến các giao dịch mua hàng xuyên biên giới. Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Canada, ông Chrystia Freeland, việc đánh thuế đầy đủ hơn với các doanh nghiệp này nhằm mục đích tạo một môi trường thuế công bằng và minh bạch hơn với mọi người dân, mọi doanh nghiệp hoạt động tại Canada.
Phản ứng trước thông tin này, đại diện của Netflix Canada cho biết là công ty sẽ phối hợp chặt chẽ với nhà chức trách Canada để thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về thuế. Netflix cũng cho biết họ đã thực hiện các chính sách về thuế tương tự tại hai tỉnh của Canada từ năm 2019 là Quebec và Saskatchewan.
Mới đây, Netflix lại đứng trước nguy cơ suy giảm lợi nhuận khi hơn 130 quốc gia thành viên tham gia Hội nghị mở rộng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thống nhất 2 nguyên tắc căn bản, để đảm bảo các “ông lớn” về công nghệ phải chịu các mức thuế công bằng hơn khi kinh doanh trên nền tảng internet. Một trong hai nguyên tắc căn bản này là doanh nghiệp kinh doanh online phải đóng thuế căn cứ vào nơi nó phát sinh doanh thu thay vì nơi đặt trụ sở chính.
Ví dụ, nếu Netflix có doanh thu tại Việt Nam, Philippines… thì mức thuế dành cho Netflix phải được tính toán trên cơ sở mức thuế áp dụng cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, Philippines chứ không phải nơi Netflix đặt trụ sở chính của pháp nhân (ví dụ tại Mỹ). Điều này có ý nghĩa quan trọng khi nhiều công ty kinh doanh online lợi dụng tính xuyên biên giới của loại hình kinh doanh này nhằm chuyển phần lớn lợi nhuận ra khỏi các thị trường chủ yếu và tập trung lợi nhuận tại các quốc gia/vùng lãnh thổ có mức thuế thấp ( “thiên đường thuế”).
Được biết, ngày 11/11/2020, đại diện Netflix phát đi thông cáo cho biết, Chính phủ Việt Nam có toàn quyền quyết định về chính sách thuế và Netflix này luôn tuân thủ các luật pháp hiện hành có thể áp dụng. Tuy nhiên, Netflix cho biết Việt Nam hiện vẫn chưa có cơ chế để các doanh nghiệp như họ có thể đóng thuế. Theo ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Thanh tra, kiểm tra (Tổng cục Thuế), Netflix đã làm việc với Bộ Tài chính, Tổng cục thuế để đặt văn phòng đại diện, máy chủ ở Việt Nam để phục vụ công tác kê khai thuế./.