PV:Thời gian qua, nhiều bộ phim Việt đoạt giải ở một số LHP quốc tế nhưng chưa xin cấp phép phổ biến và phân loại phim trong nước tiếp tục được dư luận quan tâm. Theo chị, nguyên nhân vì sao lại xảy ra tình trạng này?

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã:Có hai tình huống đưa phim ra nước ngoài dự thi hoặc phát hành. Một là do Cục Điện ảnh cử đi, với ý nghĩa một tác phẩm đại diện cho nền điện ảnh Việt Nam. Hai là phim gửi đi với tư cách tài sản cá nhân. Chính vì thế mà có phim đã dự thi ở nước ngoài mà vẫn chưa được cấp phép phổ biến ở Việt nam. Những phim ấy không đại diện cho nền điện ảnh cũng như văn hoá Việt.

Tuy nhiên, theo tôi biết, theo quy định của Nhà nước, mọi tác phẩm điện ảnh đưa ra ngoài biên giới đều phải được Cục Điện ảnh cấp phép dù có đại diện cho điện ảnh Việt hay không. Quy định này nhằm đảm bảo cho các tác phẩm đó không bôi nhọ chính quyền đương nhiệm tại Việt Nam, không xúc phạm nền văn hoá dân tộc, không bôi nhọ lịch sử dân tộc.

Nhưng rõ ràng các chủ sở hữu phim đã có những con đường khác để đưa phim ra nước ngoài mà không qua sự cấp phép của Cục Điện ảnh. Mức độ vi phạm này tôi không đánh giá đúng sai, mà chỉ nghĩ có lẽ khi đã đưa ra một quy định thì Chính phủ và cơ quan quản lý văn hoá nghệ thuật phải có chế tài đủ mạnh đối với những trường hợp vi phạm, hay còn gọi là “qua mặt” cơ quan chức năng như thế. Còn khi đã không thể quản lý thì đừng đưa ra quy định.

PV:Các nhà làm phim cho rằng, hiện cơ chế kiểm duyệt vẫn quá khắt khe, thiếu cởi mở với sự phát triển hiện tại của điện ảnh thế giới. Ý kiến của chị thì sao?

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã:Tôi không còn ngồi ở Hội đồng thẩm định phim Quốc gia lâu rồi, nên không thể nói về sự cởi mở hay không của quy chế duyệt phim. Nhưng bằng vào sự hiểu biết nghề nghiệp cũng như chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc, tôi cho rằng có sự kiểm soát được quy định từ trong Luật là đương nhiên. Đất nước nào cũng phải làm như thế để bảo vệ quan điểm văn hoá của mình.

Ở quốc gia tự do đến như Mỹ, các hội đồng đạo đức cũng có quy chế phân loại cho các phim. Họ chấp nhận cả những phim “khiêu dâm”, nhưng cho phép phổ biến trong một cộng đồng hạn hẹp, mà nếu chủ phim vượt ra khỏi quy ước ấy sẽ bị phạt rất nặng. Cũng như thế với những phim có cảnh sex hay bạo lực. Họ quy định diễn viên được hở đến đâu, những cảnh sex hoặc bạo lực được hiện diện trên màn ảnh bao nhiêu lâu thì phải chấm dứt để không kích động người xem quá đà. Việt Nam không ngoại lệ. Các nhà làm phim nên đọc kỹ Luật Điện ảnh của đất nước mình để khi làm phim không vi phạm những điều không được làm.

Về chuẩn mực văn hoá truyền thống, thì tôi thấy nhiều phim Iran không sex, không bạo lực… vẫn vô cùng hấp dẫn và mới lạ, và họ cũng đã có rất nhiều giải thưởng danh giá trên trường quốc tế. Vậy tại sao một số nhà làm phim Việt Nam lại cứ phải mang những góc tối bẩn thỉu (mà tôi thấy không hẳn đã có trong đời sống người Việt đương đại) để coi đó như một “của lạ” đem dâng cho những đôi mắt tò mò và lệch lạc của người xem ngoài biên giới?

Tôi tin là Hội đồng thẩm định phim làm việc căn cứ trên những điều luật trong Luật Điện ảnh cũng như các nghị định, thông tư… và không hẹp hòi với bất cứ tác phẩm nào mang lại mỹ cảm đẹp đẽ và nhân văn. Bằng chứng là chúng tôi từng duyệt cho phổ biến bộ phim “Chạm” của một tác giả thực hiện trên đất Mỹ, chủ yếu nói về cảm xúc xác thịt. Phim không bị cắt bất cứ cảnh nào, bởi mọi cảnh làm tình, đụng chạm… đều được làm dưới góc nhìn đầy rung động và tuyệt đẹp. Tôi nghe nói Hội đồng của hôm nay còn cởi mở hơn thế. Vì thế ý kiến cho rằng Hội đồng thẩm định phim quốc gia quá khắt khe là không đúng.

PV:Vậy việc duyệt phim trước khi mang ra nước ngoài là cần thiết?

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Tôi nghĩ việc kiểm duyệt phim trước khi đem ra phổ biến hay dự thi ngoài biên giới là cần thiết, nhất là khi một số nhà làm phim không đủ năng lực tự thẩm định quan điểm thẩm mỹ của mình.

PV:Việc kiểm duyệt phim như vậy có làm hạn chế biên độ sáng tạo hay gây thiệt thòi cho các nhà làm phim?

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã:Việc kiểm duyệt không hạn chế biên độ sáng tạo, khi mà người sáng tạo có thiện tâm và có quan điểm thẩm mỹ đúng đắn. Những ví dụ về phim Iran, phim Thái Lan, Campuchia, phim Mỹ… cho thấy họ có thể tiếp cận với đủ loại đề tài, đủ loại góc khuất của đời sống… nhưng chỉ cần bộ phim hàm chứa một giá trị nhân văn, và các hình ảnh thấm đẫm mỹ cảm dù mô tả một cộng đồng sống trong bãi rác… thì sẽ không bị hạn chế phổ biến bởi các hội đồng đạo đức. Đương nhiên nếu nhân danh chuyện làm phim để mô tả đất nước mình, dân tộc mình như một xã hội mông muội, mọi rợ không bản sắc thì chuyện khắt khe trong kiểm duyệt là tất yếu.

PV:Nhà phê bình điện ảnh, nhà thơ Nguyễn Phong Việt nhận xét, nhiều nhà làm phim đặt mục tiêu cố gắng ghi dấu ấn trong các LHP quốc tế, nên đa số chỉ chọn tập trung vào những góc tối, u ám và mang tính cá biệt của người Việt Nam. Chị có thấy như vậy không?

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã:Một số LHP đã có những giải thưởng cho “cái nhìn lạ”. Có thể những người chấm giải chưa từng đến Việt Nam hoặc một số nước kém phát triển về kinh tế, và định kiến trong họ khiến họ muốn nhìn thấy cái có thể chứng minh cho định kiến ấy là đúng. Điều đáng buồn là một số nhà làm phim Việt Nam lấy góc nhìn ấy để thi triển với thiên hạ, mà quên mất rằng mình là người Việt, và nên mô tả đất nước, dân tộc mình một cách có trách nhiệm.

PV:Có ý kiến cho rằng, phim Việt khi mang ra nước ngoài phải mang bản sắc văn hóa Việt Nam, thể hiện được vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam, nếu có đi vào góc khuất thì vẫn thể hiện được khát vọng vươn lên. Chị có đồng tình?

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã:Đương nhiên là tôi đồng tình, trước hết bởi trách nhiệm công dân, sau nữa là tình yêu với dân tộc đã sản sinh ra mình. Người Việt là một dân tộc kỳ lạ. Họ sống và vươn lên trong một hoàn cảnh đầy tính tiểu thuyết: lịch sử tồn vong của người Việt gắn liền với lịch sử chiến tranh giữ nước trong suốt mấy ngàn năm. Mà những cuộc tranh đấu đều buộc họ phải đối mặt với kẻ thù lớn gấp trăm, gấp ngàn lần mình. Lịch sử đau thương ấy tạo nên một dân tộc biết mềm như nước, kiên cường như nước, và cố kết để sống còn. Nếu nói đến bản sắc thì đó chính là bản sắc. Nó ảnh hưởng đến cách người Việt hành xử hàng ngày và trước các biến cố lớn nhỏ. Đôi khi họ sai lầm, nhưng lúc nào cũng sẽ quay về với bản sắc vững vàng của mình. Không nhận ra điều đó thật đáng tiếc.

PV:Vậy theo chị, các nhà làm phim cần có giới hạn sáng tạo để không vi phạm quy định trong nước hay Luật Điện ảnh cần thay đổi gì để cởi mở hơn?

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã:Tôi nghĩ không nên nói đến sự “giới hạn để đúng quy định” ở đây. Tôi mong các nhà làm phim tìm lại trong sâu thẳm lòng mình tình yêu với Đất Mẹ, với dân tộc đã sản sinh ra mình. Luật đã đủ rồi, không cần chạy theo những đòi hỏi không tiền khoáng hậu nữa.

PV:Xin cảm ơn chị!./.