Vở diễn “Nước non vạn dặm” được chuyển thể sang kịch bản sân khấu cải lương từ tiểu thuyết cùng tên, có 3 phần, do PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cầm bút. Đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên cùng ekip nghệ thuật dàn dựng biểu diễn vở cải lương này. Đây là công trình chào mừng 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022) và 111 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2022).
Tại buổi họp báo giới thiệu tác phẩm diễn ra sáng nay (23/7) tại TP.HCM, NSND Triệu Trung Kiên cho biết, trong phần I, vở sân khấu “Nợ nước non” khắc họa xúc động, sâu sắc hình tượng Nguyễn Sinh Cung (do bé Anh Đức sắm vai), chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành (do nghệ sĩ Minh Hải sắm vai) và các nhân vật khác trong không gian văn hóa các vùng miền từ Bắc chí Nam. Đặc biệt là sự thay đổi, trưởng thành về nhận thức, lòng yêu nước, chí căm thù quân xâm lược, nung nấu quyết tâm tìm đường cứu nước của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành.
Ngoài những cảnh diễn xúc động, lôi cuốn như: Đêm trăng bên dòng Lam của chàng trai Nguyễn Sinh Sắc với cô gái Hoàng Thị Loan; Cảnh cha mẹ và ông bà ngoại đón bé Nguyễn Sinh Cung chào đời giữa mùa sen tháng Năm thơm ngát; Cảnh cuộc chia tay nghẹn ngào của Nguyễn Tất Thành - Văn Ba và cùng những người thân yêu trước chuyến đi xa vạn dặm…. vở sân khấu đặc biệt “Nợ nước non”, còn có nét độc đáo riêng khi kết hợp giữa nghệ thuật cải lương với hò ví dặm Huế, hò bài chòi, hò Nam bộ.
NSND Triệu Trung Kiên, đạo diễn vở sân khấu “Nợ nước non” cho biết: “Sự hòa quyện của rất nhiều loại hình âm nhạc như vậy vào vở diễn đã tạo nên một một bữa tiệc phong phú, một cảm nhận rất thú vị cho người xem, phần nào cũng làm bớt đi sự nhàm chán, trong cùng một vở diễn mà người ta có thể cùng một lúc nghe được rất nhiều âm hưởng dân ca mọi miền. Khi đặt cạnh nhau đều phát huy sự lấp lánh của mỗi một di sản âm nhạc lên, chính vì thế tạo cho khán giả sự thú vị”.
Lý giải về tên tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” và tên phần I của tác phẩm “Nợ nước non”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết, nhà văn, nhà thơ Tố Hữu đã có tác phẩm "Nước non ngàn dặm", trong khi đó Bác Hồ đã đi bốn biển, năm châu thì phải dùng từ “vạn dặm” mới phù hợp. Còn về tên “Nợ nước non” là xuất phát từ lời hát ru mà bà Hoàng Thị Loan - mẹ của Bác Hồ vẫn thường hát thuở Bác còn nằm nôi: “Con ơi nhớ lấy câu này/Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/Làm người đói sạch, rách thơm/Công danh là nợ nước non phải đền”.
So với nhiều trang văn từng viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Nguyễn Thế Kỷ cho biết, tác phẩm của ông có nét đi riêng: “Tôi vừa là người làm nghệ thuật, vừa là nhà văn nhưng tôi cũng là người làm chính trị. Do đó, khi lý giải về cái con đường yêu nước, quá trình chuyển biến tình cảm, nhận thức tư tưởng của Bác Hồ, từ khi còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung đến Nguyễn Tất Thành rồi Văn Ba ra đi tìm đường cứu nước, tôi đã lý giải trong vở diễn này và trong tiểu thuyết. Sự lý giải này tôi thấy hình như là một nét đi riêng của tôi. Và tôi nghĩ rằng khi viết về Hồ Chí Minh thì đây là cái điều rất cần”.
Vở sân khấu đặc biệt “Nợ nước non” sẽ được trình diễn tại Nhà hát TP.HCM vào ngày 25 - 26/7 và nhiều sân khấu trên cả nước trong thời gian sắp tới. Về hai tập tiếp theo của bộ tiểu thuyết và phần 2, phần 3 của tác phẩm sân khấu cùng tên “Nước non vạn dặm” dự kiến sẽ ra mắt công chúng năm 2023, 2024 với tên gọi “Lênh đênh bốn biển” và “Người về”. Ở 2 phần còn lại, tác giả và đạo diễn sẽ khắc họa, lý giải, ngợi ca con đường bôn ba cứu nước của Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ở nước ngoài và những năm tháng Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam./.