Hơn 300 người mẫu chuyên nghiệp và không chuyên đã trình diễn 12 bộ sưu tập áo dài của 12 nhà thiết kế nổi tiếng trong nước như Minh Hạnh, Ngọc Hân, Huệ Thi, Cao Minh Tiến... Các bộ sưu tập áo dài được lấy cảm hứng từ văn hóa Phật giáo và mang tinh thần của thiên nhiên Yên Tử như: Rừng trúc, mây gió, sương khói, trăng, khái niệm về Thiền và sự tĩnh tại...

Nhà thiết kế Ngọc Hân chia sẻ: "Bộ sưu tập này của tôi có tên gọi là "Tĩnh". Đây là cảm giác mà tôi có được khi đặt chân tới Yên Tử dù đi trên phiến đá, hay đặt chân lên đỉnh non thiêng, ngắm nhìn những quần thể rừng già và tôi thấy bình yên, thấy tâm mình tĩnh lại. Đó là cảm xúc để tôi cho ra mắt bộ sưu tập này".

Chương trình có sự tham gia của các khách mời là các Đại sứ một số nước tại Việt Nam cùng đại diện UNESCO, UNICEF và WHO với vai trò là người mẫu cùng trình diễn áo dài truyền thống Việt Nam. 

Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNSESCO tại Việt Nam cho biết: "Cảm xúc thật đặc biệt khi cảm nhận sự lan tỏa tinh thần đoàn kết, sự giao thoa các nền văn hóa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Việc các bạn tổ chức Festival Áo dài tại 1 địa điểm đang được đề cử là Di sản thế giới như Yên Tử có ý nghĩa rất lớn, cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong kết nối di sản Vật thể và phi vật thể để lan tỏa giá trị di sản đến với thế giới khiến cho câu chuyện di sản của bạn trở lên hấp dẫn hơn". 

Bên cạnh chương trình biểu diễn áo dài là không gian trưng bày quy trình ươm tơ dệt lụa của nghề làm lụa Bảo Lộc - Lâm Đồng giúp người xem hiểu rõ từ quy trình chế biến cây gai xanh đến quy trình dệt vải áo dài truyền thống. 

Chương trình biểu diễn áo dài "Tâm thân an tịnh" nằm trong khuôn khổ Festival Áo dài Quảng Ninh 2022 nhằm quảng bá hình ảnh áo dài Việt Nam, kết nối hành trình đưa Áo dài trở thành di sản thế giới và cũng là hoạt động kích cầu thu hút du lịch trong nước và quốc tế, góp phần giúp Quảng Ninh đón 10 triệu lượt du khách trong năm nay./.