Ba tỉnh Quảng Ninh- Hải Dương- Bắc Giang sẽ hoàn thành xây dựng Hồ sơ chính thức đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là Di sản Thế giới trong năm 2022. Đây là một trong những nội dung trọng tâm được thống nhất, ký kết hợp tác tại Hội nghị triển khai các biện pháp thúc đẩy liên kết vùng giữa 3 tỉnh giai đoạn 2022-2025 diễn ra chiều 22/1.
Là 3 địa phương kề cận có nhiều lợi thế tự nhiên, gắn kết văn hoá, xã hội, những năm qua, Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang đã có nhiều chương trình, nội dung hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực trọng tâm. Đặc biệt, để khai thác giá trị có một không hai của Yên Tử - Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, bao gồm Khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh), Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (tỉnh Bắc Giang) và Khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương), ba tỉnh này đã và đang triển khai các bước xây dựng Hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trình UNESCO xem xét, ghi vào Danh mục Di sản Thế giới. Đây là Hồ sơ Di sản đầu tiên trong cả nước xây dựng trình UNESCO có phạm vi triển khai trên địa bàn 3 tỉnh.
Nhận định hoạt động hợp tác giữa 3 địa phương còn một số hạn chế, chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh, 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang thống nhất tiếp tục phối hợp chặt chẽ theo nguyên tắc “Chia sẻ - Đồng thuận - Cùng phát triển”. Trong đó, tập trung vào thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; tăng cường kết nối giao thông, đầu tư đường nối Quốc lộ 18 (TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (qua huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương), đường nối Quốc lộ 37 với Đường ven sông từ cao tốc Hải Phòng - Hạ Long đến TX Đông Triều, đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với Quốc lộ 37, đường Vành đai 5 kết nối khu vực Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) với Đền Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), cải tạo các tuyến đường tỉnh; báo cáo Chính phủ và Bộ GTVT sớm đầu tư đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long, mở rộng quốc lộ 37, cho phép nâng cấp, mở rộng quốc lộ 279…
Đồng thời, phối hợp quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh than, liên kết phát triển công nghiệp; khai thác hạ tầng thương mại của biên giới Quảng Ninh để trung chuyển hàng hoá của các tỉnh sang Trung Quốc; hợp tác cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi số…
Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang cũng sẽ triển khai ký kết thoả thuận du lịch, tạo hành trình an toàn Một hành trình 3 điểm đến; hoàn thiện hồ sơ đề cử chính thức Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trình lên UNESCO Paris trước ngày 31/12/2022. Đồng thời, Quảng Ninh và Hải Dương phối hợp, báo cáo, trình các cấp và Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng hồ sơ khoa học Di sản văn hoá – lịch sử chiến thắng Bạch Đằng.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: "Chúng tôi đã hoàn thành cơ bản khối lượng hồ sơ khoa học về Yên Tử để trình cấp có thẩm quyền xem xét. Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang sẽ nghiên cứu hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối giữa 3 địa phương vào tuyến đường ven sống 10 làn xe, tốc độ cao của Quảng Ninh, từ cầu Bạch Đằng về đến Đông Triều để kết nối với cao tốc Hà Nội – Bắc Giang và Lạng Sơn. Khi có tuyến này thì sẽ hình thành trục xương sống có lẽ là đồng bộ và hiện đại nhất hiện nay ở phía Bắc, hình thành một đại đô thị trong tương lai không xa"./.