Sáng 27/6, tại thành phố Hồ Chí Minh, Cục điện ảnh tổ chức Hội nghị tuyên truyền phổ biến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quy phạm kỹ thuật thuộc lĩnh vực điện ảnh. Tham dự có đại diện các Sở Văn hóa thể thao du lịch, các đơn vị sản xuất phim ở các tỉnh thành phía Nam.

Trong hơn một thập kỷ qua, thực hiện chủ trương mở cửa, hội nhập và xã hội hóa, các công ty nước ngoài, công ty liên doanh, công ty tư nhân đã thực hiện kinh doanh, phát hành phim ngày càng hiệu quả. Nhiều cụm rạp được xây mới hoặc cải tạo thu hút đông khán giả, làm sống lại hoạt động chiếu bóng sau nhiều năm vắng người xem.

Phim Mỹ - Transfomer 4 đang "làm mưa làm gió" tại các rạp Việt Nam.

Nhưng bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước không thể kiểm soát, định hướng hoạt động chiếu phim vì không điều tiết được nguồn phim phát hành cũng như không quản lý được hệ thống chiếu phim hiện đại. Đặc biệt, khi Việt Nam gia nhập WTO thì nguy cơ xâm lấn của phim ngoại càng cao. Qua khảo sát, nhiều khán giả chỉ thích xem phim ngoại, nhất là phim Mỹ, chiếm tỷ lệ 80% phim chiếu rạp. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho việc bảo vệ nền điện ảnh dân tộc.

Chính vì vậy, Việt Nam đã xây dựng 6 tiêu chuẩn quốc gia về điện ảnh như tiêu chuẩn hình ảnh, âm thanh rạp chiếu phim, phương pháp đo, chỉ tiêu âm thanh…Thạc sĩ Đinh Nguyễn Phương Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường thuộc Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cho biết:

Đến năm 2013, bên Cục điện ảnh đã hoàn thành 6 tiêu chuẩn và 1 quy chuẩn . Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là một văn bản quy phạm pháp luật mang tính đặc thù bắt buộc áp dụng nhưng phải phù hợp với nguyên tắc của Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của Tổ chức thương mại thế giới WTO. Quy chuẩn quốc gia đầu tiên do Bộ Văn hóa thể thao và du lịch xây dựng thuộc lĩnh vực điện ảnh./.