Tối 15/1, lần đầu tiên Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ công bố danh sách đề cử giải thưởng Oscar trực tiếp trên sóng truyền hình. Không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn, những cái tên sáng chói nhất vừa được xướng lên tại Lễ trao giải Quả cầu vàng lần thứ 71 cuối tuần vừa qua cũng lọt vào danh sách đề cử của giải Oscar, dù Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ đã bầu chọn danh sách này từ trước.
Hai bộ phim dẫn đầu về số lượng đề cử giải Oscar năm nay là “Birdman” (tạm dịch: “Người chim”) và “The Grand Budapest Hotel” (tạm dịch: “Khách sạn Grand Budapest”). Hai tác phẩm sẽ “chạm trán” nhau ở nhiều hạng mục như: Phim truyện, Quay phim, Đạo diễn và Kịch bản gốc xuất sắc nhất.
Đứng thứ hai về số lượng đề cử là bộ phim “The Imitation Game” (tạm dịch: “Trò chơi bắt chước”) hé lộ những bí mật về cuộc đời gây tranh cãi của người hùng thầm lặng trong chiến tranh thế giới thứ 2, nhà toán học đồng tính Alan Turing. Ông đã chế tạo ra cỗ máy Christopher để phá giải hệ thống mật mã điện báo Enigma của quân đội Phát-xít Đức, giúp Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc sớm hai năm, cứu sống 14 triệu sinh mạng con người và là cha đẻ của công nghệ máy tính điện tử hiện đại.
Sau “đại thắng” với 3 giải Quả cầu vàng, bộ phim quay ròng rã trong 12 năm trời có tên “Boyhood” (tạm dịch: “Thời niên thiếu”) lại tiếp tục nuôi tham vọng “càn quét” giải Oscar với 6 đề cử. Cùng số lượng đề cử là bộ phim “American Sniper” (tạm dịch: “Tay súng bắn tỉa người Mỹ”) với sự góp mặt của tài tử Bradley Cooper trong vai nhân vật chính.
Được đề cử ít hơn nhưng bộ phim “The theory of everything” (tạm dịch: “Lý thuyết của mọi vấn đề”) góp mặt trong hầu hết những hạng mục quan trọng nhất, gồm Phim truyện, Nhạc phim, Kịch bản chuyển thể hay nhất và Nam – nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Trước đó, nam diễn viên chính trong bộ phim này là Eddie Redmayne đã giành được giải Quả cầu vàng cho vai nhà vật lý học và khoa học vũ trụ thiên tài bị khuyết tật Stephen Hawking.
Thay vì đi sâu vào cuộc đời và các nghiên cứu khoa học của Stephen Hawking, “The theory of everything” khai thác đời sống tình cảm của nhà vật lý tài ba một cách đầy cảm động dựa trên cuốn hồi ký từ người vợ đầu của ông, bà Jane Wilde Hawking. Bộ phim không những thuyết phục được khán giả mà đã khiến chính nguyên mẫu, nhà vật lý Stephen Hawking, phải rơi nước mắt tại buổi công chiếu bởi tính chân thực và những cảm xúc mà nó mang lại.
Nữ diễn viên đảm nhận vai bà Jane Wilde Hawking - Felicity Jones chia sẻ, tác phẩm này là thành quả từ sự say mê của cả đoàn làm phim: “Thật là tuyệt vời khi có một bộ phim được mọi người rất quan tâm. Đây chính là tác phẩm mà chúng tôi muốn đem đến cho thế giới. Nó là niềm tự hào của chúng tôi, vì thế, thật vui mừng khi được nhận đề cử của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ”.
Trước khi có danh sách đề cử giải Oscar, một cái tên cũng nhận được khá nhiều kỳ vọng là bộ phim “Selma” kể về quá trình đấu tranh của mục sư Martin Luther King Jr. trong thập niên 1960 để đòi quyền bình đẳng cho người Mỹ gốc Phi trước nạn phân biệt chủng tộc.
Năm ngoái, một bộ phim lên án mạnh mẽ nạn phân biệt chủng tộc là “12 Years a Slave”, (tạm dịch: “12 năm nô lệ”) đã lên ngôi cao nhất của Oscar. Nhưng, năm nay, “Selma” của nữ đạo diễn Ava DuVernay chỉ nhận được 2 đề cử, trong đó có đề cử cho Phim truyện hay nhất. Bà vinh dự là nữ đạo diễn da màu đầu tiên trong lịch sử được nhận đề cử Oscar.
Ca sỹ nhạc Rap Common, người vừa giành giải Giải Quả cầu vàng và đề cử giải Oscar cho ca khúc trong phim hay nhất với “Glory” trong phim “Selma” chia sẻ: “Tôi cũng rất vui khi biết chúng tôi nhận được đề cử cho Phim truyện hay nhất. Đề cử đó nói lên rất nhiều điều, rằng đạo diễn Ava DuVernay đã làm được một bộ phim mà chúng ta sẽ còn nhắc đến trong rất nhiều năm nữa. Ít nhất chúng ta có thể hài lòng rằng bộ phim này có những tác động đáng kể đến mọi người, dù già hay trẻ. Đó mới là chiến thắng thật sự”.
Lễ trao giải thưởng Oscar lần thứ 87 năm 2015 sẽ diễn ra tối ngày 22/2 (theo giờ Việt Nam). Người dẫn chương trình năm nay là tài tử Neil Patrick Harris vốn quen thuộc với một số khán giả Việt Nam qua loạt phim truyền hình Mỹ “How I met your mother” (tạm dịch: “Bố đã gặp mẹ thế nào”)./.