“Hay là bạn nhầm chỗ?”

“Có thấy gì đâu? Hay là bạn nhầm chỗ?” - người lái taxi nghi ngại hỏi lại. Lúc đó, chúng tôi đang ở cách địa điểm sẽ diễn ra lễ khai mạc LHP Việt Nam 18 độ vài trăm mét, nơi mà khoảng nửa tiếng sau, chương trình thảm đỏ sẽ bắt đầu.

Đến nơi, nhìn mãi rồi cũng nhận ra thảm đỏ. Đó là một lối đi nhỏ, hơi thiếu sáng và được trải một cái thảm màu đỏ. Không có màn xướng danh các đoàn làm phim, các “sao” cứ thế lặng lẽ bước trên thảm đỏ, lách qua một cánh cửa nhỏ rồi tạo dáng trước backdrop có logo LHP 18 mờ nhạt giữa rất nhiều logo của các nhà tài trợ.

lhp1.jpg
Lễ khai mạc thiếu khán giả, các “sao” làm dáng trước nhà báo. (Ảnh: Hà Thanh)

Lễ khai mạc hình như chỉ có nghệ sĩ và quan chức, thành ra tuyệt nhiên không có màn vỗ tay reo hò hay xúm lại xin chữ ký và chụp ảnh dù đếm sơ sơ, cũng có vài chục gương mặt đang sốt xình xịch trên truyền thông. “Ông cố vấn ” Vũ Đình Thân bảo “Kể ra cũng hơi hụt hẫng".

“Tôi mang phim đến LHP không phải để tranh giải. Đến là để gặp anh em bạn bè, để xem ngành mình đã thay đổi như thế nào, được quan tâm ra sao? Nhưng nói thẳng đến hôm nay thì tôi thấy chưa hề có sự quan tâm gì hết. Hôm nay là hội thảo về hợp tác sản xuất và phát hành phim. Cứ nghĩ là quan trọng lắm, nhưng đến thì chẳng có ai. Toàn dân làm phim với nhau, nói cho ai nghe? Không có người nghe thì nói làm gì?” 
Nhà sản xuất Phước Sang nói bên lề hội thảo Hợp tác sản xuất và phát hành phim, do Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh chủ trì
Nó thiếu đi cái không khí ngày hội của điện ảnh vì thiếu khán giả. Nghệ sĩ cũng như nghệ thuật, không có khán giả thì buồn lắm”. NSƯT Diệu Thuần, người đất mỏ lại bảo: “Chưa thấy khán giả ở đâu nhiệt tình với LHP như ở đây”. Phóng viên hỏi tiếp “Ví dụ ạ?”, liền cười “Ừ! Thì cũng hơi ít khán giả”.

LHP thiếu khán giả, dù 3 rạp chiếu đều nằm trong khu vực dân cư. BTC như thường lệ, lại nhờ các trường huy động học sinh đến ngồi kín ghế. Vào xem Bí mật thảm đỏchiếu suất 10h sáng. Rạp chật kín các cháu mặc đồng phục, đeo khăn quàng đỏ.

Phim chiếu được ít phút, đến cảnh nhân vật treo cổ tự tử, các cháu vỗ tay ào ào. Đến cảnh nóng, mỗi đứa kêu lên một kiểu, càng về sau càng kêu to hơn. Hết phim, một cô giáo phân trần rằng không biết trước nội dung phim: “Cho các cháu đi xem phim thì cũng tốt, nhưng phim này không phù hợp với học sinh lớp 7. Chiều nay không biết phim thế nào, vì các cháu buổi chiều còn nhỏ hơn”.

Năm nay, giải Phim được khán giả yêu thích nhất sẽ dựa trên kết quả tổng hợp các phiếu thăm dò ý kiến khán giả tại LHP. Tò mò về đánh giá của các khán giả quàng khăn đỏ vào rạp một, thì tò mò về cảm giác khi nhận giải của nhà làm phim mười.

Thiếu vắng lời nói thẳng

LHP năm nay không chỉ thiếu khán giả đúng nghĩa, mà còn thiếu cả những lời nói thật. Phỏng vấn không dưới 10 nghệ sĩ về chất lượng phim, rốt cuộc vẫn không thể có nổi một câu nhận xét cụ thể và thẳng thắn.

Bù lại, Chủ tịch BGK phim truyện Đào Bá Sơn cởi mở hơn rất nhiều so với những người tiền nhiệm. Anh còn rất lạc quan khi đánh giá khoảng 1/3 số lượng phim truyện năm nay khá tốt. Bên cạnh những phim cẩu thả, sơ sài thì có những phim hay, có chất lượng, công phu và có tay nghề cao. “Có những phim gây bất ngờ, đạo diễn trẻ làm về chiến tranh, về người lính, về đồng bào dân tộc rất tốt, làm công phu và có tay nghề cao.”- Đào Bá Sơn nhận xét.

Phim không hay, vẫn sáng giá

Dễ đoán ra Những người viết huyền thoại của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, và anh sẽ trở lại của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ là những phim được Chủ tịch BGK Đào Bá Sơn đánh giá cao. Những người viết huyền thoại cũng được nhiều người dự đoán sẽ chiến thắng. Giả dụ mà thắng thật, thì cũng chả ngạc nhiên. Nhưng buồn.

- Trước khi đến dự LHP này, anh có kỳ vọng vào một sự thay đổi nào không?

- Trước đây thì có. Nhưng đã bao nhiêu năm nay rồi, LHP vẫn như vậy, không có gì thay đổi. Nên từ lâu rồi tôi cũng không còn kỳ vọng gì nữa.

Nghệ sĩ Vũ Đình Thân

Khó có thể coi Những người viết huyền thoại là phim hay, dù được làm sạch sẽ và kỹ xảo tốt. Nhược điểm của bộ phim được sản xuất bằng ngân sách nhà nước, do Cục Điện ảnh đặt hàng này là kịch bản yếu, tham nhân vật và nặng tính tuyên truyền.

Điểm mạnh nhất của phim là kỹ xảo trong các cảnh bom đạn, rốt cuộc lại trở thành điểm yếu vì bị các nhà làm phim quá lạm dụng. Phim thiếu độ lắng cần thiết để cho người xem có thể cảm nhận được tận cùng nỗi đau của chiến tranh.

Phim tư nhân lần này ra quân rầm rộ, tới 20 phim, nhưng ngoài những cái tên đã cũ như Thiên mệnh anh hùng, Bí mật thảm đỏ… thì phần lớn các phim còn lại đều thuộc diện thử thách sự kiên nhẫn của người xem.

Nếu như ở LHP 17 có Hotboy nổi loạn làm át chủ bài của trường phái bị coi “phim thị trường” làm đối trọng với Mùi cỏ cháy, khiến đêm bế mạc trở nên “nghẹn thở” thì Những người viết huyền thoại gần như không có đối thủ cạnh tranh. Thành ra, LHP 18 vốn đã tẻ càng thêm tẻ!./.