Ngoài phim “Thái sư Trần Thủ Độ”, hiện còn có một bộ phim có kinh phí lên tới 100 tỉ là “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” vẫn đang nằm “đắp chiếu”, dù đã được các cấp duyệt và đồng ý công chiếu.

Lay lắt dù mất… trăm tỷ!

Trong số nhiều bộ phim được thực hiện dịp 1.000 năm Thăng Long, tính sơ sơ cũng có ít nhất 3 bộ phim có “số phận” lắt lay nhất là “Thái sư Trần Thủ Độ”, “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” và “Huyền sử thiên đô”. Trong đó, “Huyền sử thiên đô” mục tiêu ban đầu đặt ra sản xuất 40 tập, nhưng mới làm được 20 tập thì cho phát sóng. Không biết có chuyện do phản hồi không tốt từ khán giả hay không mà đến tận bây giờ, nhà sản xuất vẫn im bặt về kế hoạch sản xuất các tập còn lại? Nhưng dù có tâm huyết tới đâu, nhìn vào cảnh “chờ sóng” của hai bộ phim “Thái sư Trần Thủ Độ” và “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” thì chắc chắn là nhà sản xuất cũng phải… chạy dài.

tram-ty-3be86.jpg
Một cảnh trong phim: Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long. 

Với phim “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long”, ngay cả khi mọi văn bản giấy tờ liên quan đến thẩm duyệt, chỉnh sửa và cả kiến nghị để phim được công chiếu đều đủ cả, nhưng để công chiếu được lại do… VTV tự quyết. Tuy nhiên, sau một thời gian chờ đợi, có thông tin cho hay, phía Trường Thành Media - đơn vị sản xuất phim “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” đã cảm thấy “oải” và không mấy quan tâm đến việc bao giờ phim được phát sóng nữa.

Nhưng kinh phí mà bộ phim đã bỏ ra thì khó có thể “không quan tâm”: 100 tỷ đồng để làm phim với hàng nghìn diễn viên chính - phụ sẽ là chuyện dài kể mãi của các nhà làm phim. Trong đó, câu chuyện “đầu ra” cho phim lịch sử - tưởng chừng không phải quan tâm với loại hình không phải phim chiếu rạp - lại trở nên nan giải như những gì công chúng đã thấy ở hai bộ phim lịch sử có kinh phí “khủng” này. Chính vì vậy mới có chuyện, nhiều đơn vị khi có kịch bản trong tay đã hợp tác với nhà đài để “mua sóng” trước, sau đó mới tiến hành… quay. Phim dù có bị chê ẩu (vì để kịp tiến độ) thì cũng không nghiêm trọng bằng cảnh “đắp chiếu” chờ sóng, vốn liếng mới nhanh được quay vòng.

Chỉ nên “liều mạng” một lần?

Lý giải cho việc vì sao các bộ phim sản xuất cho dịp 1.000 năm Thăng Long phải chịu cảnh hẩm hiu khi ra mắt, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho biết: “Phải tính đến yếu tố cụ thể của từng bộ phim. Chẳng hạn như phim “Thái Sư Trần Thủ Độ” là do được đặt hàng nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhưng có phản ứng cho rằng kỷ niệm 1.000 năm của đế đô do nhà Lý sáng lập và xây dựng, mà lại phát sóng bộ phim về người đã “hạ bệ nhà Lý” thì e rằng… sái. Thế là bộ phim phải lẳng lặng tạm dừng công chiếu. Chưa kể, tiến độ làm phim cũng chậm khiến phim không ra được đúng dịp kỷ niệm đó. Cá nhân tôi cho rằng việc thận trọng đó là hợp lý. Khi chưa phát sóng được phim về Thái tổ Lý Công Uẩn thì không nên phát sóng phim về Thái sư Trần Thủ Độ trước”.

Đoàn làm phim Trần Thủ Độ chụp ảnh lưu niệm ở phim trường Hoành Điếm (Trung Quốc).

Đứng trên góc độ là nhà làm phim lịch sử đang có nguy cơ ngày càng nản chí, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, có hai lý do để phim lịch sử “gặp khó”, đó là kinh phí và chiến lược phát triển Văn hóa - Xã hội của Nhà nước. “Đã có nhà làm phim tư nhân “liều mạng” tham gia vào việc làm phim lịch sử, nhưng vẫn còn trở ngại để bộ phim ra mắt, khiến nhà đầu tư tư nhân chỉ dám “liều mạng” một lần duy nhất trong đời. Với phim do nhà nước đầu tư, do quản lý không khoa học, không nghiêm túc dẫn đến các bối cảnh, đạo cụ, phục trang… sau khi làm phim đã để bị mai một và không ai dám làm bộ phim thứ hai nếu không được đầu tư lại từ đầu. Do đó, phim lịch sử nào cũng đòi một kinh phí khủng và không có hy vọng nó sẽ rẻ dần đi trong tương lai. Đây chính là rào cản lớn nhất để dòng phim lịch sử của Việt Nam có thể ra đời và tồn tại, phát triển mạnh như đáng ra phải thế”.

Một đơn vị sản xuất phim tư nhân cho rằng, sau câu chuyện về những bộ phim 1.000 năm Thăng Long như đã thấy, chúng ta đang tự đặt ra cho mình những rào cản lớn để đưa dòng phim lịch sử đến với công chúng. Và như thế, câu chuyện về việc “người Việt xem phim sử Việt” sẽ còn xa lắm…/.