Sinh năm 1970, nhưng đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã có hai tác phẩm điện ảnh khá thành công về đề tài chiến tranh là “Đường thư” và “Những người viết huyền thoại”. Và mới đây một bộ phim truyền hình khác cũng về đề tài chiến tranh – “Đường lên Điện Biên” do anh làm đạo diễn đang được phát sóng trên VTV1.

Đây là bộ phim tái hiện lại một cuộc chiến khốc liệt thời kỳ chống Pháp và đã xảy ra cách đây 60 năm. Phóng viên VOV đã có cuộc trò chuyện cùng đạo diễn Bùi Tuấn Dũng về cách làm phim chiến tranh của anh cũng như về bộ phim “Đường lên Điện Biên”:

P.V: Thưađạo diễn Bùi Tuấn Dũng, là một đạo diễn được coi là trẻ nhưng anh thường chọn đề tài chiến tranh cho những bộ phim của mình. Anh có thể cho biết lý do vì sao?

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Thực ra, tôi đã làm phim về nhiều đề tài nhưng có lẽ đề tài chiến tranh là hợp hơn cả. Cũng vì vậy, bộ phim đầu tay của tôi (Đường thư) cũng là về đề tài này.

p1030509.jpg
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng

Bên cạnh đó, có rất nhiều lý do để tôi quan tâm tới đề tài này. Tuy nhiên, điều đầu tiên phải nói tới đó là chiến tranh vẫn đang xảy ra ở khắp nơi và nó khiến nhiều người phải sống trong sự đau khổ, ly biệt… vì vậy tôi muốn lưu lại một chút gì của lịch sử. Đồng thời, tôi cũng muốn nhìn nhận xã hội, lịch sử và đưa ra một vài quan điểm của mình qua những bộ phim về chiến tranh mà mình đã làm.

P.V: Vậy theo anh làm phim về đề tài chiến tranh ở Việt Nam có khó khăn gì?

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng:Làm phim về đề tài nào thì cũng có cái khó và dễ riêng của nó. Nhưng với đề tài chiến tranh ở Việt Nam thì khó khăn hơn do mức kinh phí eo hẹp, bối cảnh, thời gian câu chuyện trải dài... Cũng vì vậy nên rất ít người lựa chọn để làm.

Ngoài ra, tư tưởng làm phim về chiến tranh cũng có nhiều cái bó buộc nên để làm được một bộ phim có sức hấp dẫn được khán giả theo một phong cách mới là không dễ dàng. Sẽ có rất nhiều yếu tố chi phối đến kịch bản cũng như nội dung câu chuyện để phim sao cho phù hợp.

P.V: Không chỉ là một đề tài khó, mà những bộ phim về đề tài chiến tranh lại khá kén khán giả. Vậy, tại sao anh vẫn lựa chọn? Theo anh, thì một bộ phim về chiến tranh muốn thú hút được khán giả cần những yếu tố nào?

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng:Tuy làm phim về chiến tranh ở Việt Nam có nhiều cái khó nhưng không phải là không làm được hay không làm được hay. Việc tôi vẫn chọn đề tài chiến tranh để làm phim là vì tôi có độ đanh đá của riêng mình; biết làm thế nào để đạt được những gì mình muốn.

Ngoài ra, muốn có một bộ phim về chiến tranh có sự lôi cuốn thì người đạo diễn phải có sự hiểu biết nhất định về lịch sử và các cuộc chiến xảy ra tại Việt Nam. Điều này là dọ sự tìm hiểu, nghiên cứu của mỗi người.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đang chỉ đạo làm phim "Đường lên Điện Biên" - Ảnh: VTV

Đồng thời, người đạo diễn cũng cần biết khán giả cần gì ở một bộ phim về chiến tranh. Nếu chỉ làm một bộ phim về chiến tranh mang tính cơ cấu kỹ thuật, miêu tả một cách máy móc dập khuôn theo thông tin lịch sử thì chắc chắn khán giả sẽ không mấy quan tâm. Mà quan trọng là cần tìm ra những quan điểm về cuộc chiến, con người, chi tiết mang tính nghệ thuật mà có thể động đến được trái tim, cảm xúc của khán giả. Đó mới là điều đáng làm.

Với tôi, làm phim là phải đưa ra một tri thức chứ không phải là nhận thức. Có nghĩa tôi không đưa ra nhận thức của mình để làm ra một cái nhận thức khác.

Giống như bộ phim mình làm là một tri thức để qua đó khán giả có thể nhìn nhận về cuộc chiến bằng những quan điểm cá nhân và cảm xúc của họ ngay tại lúc bấy giờ. Và lúc đó sẽ có rất nhiều quan điểm, ý kiến của khán giả về bộ phim từ đó người làm phim sẽ biết được yếu tố nào là đúng và yếu tố nào là sai. Những gì nên làm và bỏ đi. Từ đó, sẽ có nhiều kinh nghiệm khi làm các bộ phim sau này.

P.V:Bộ phim mới “Đường lên Điện Biên” do anh làm đạo diễn đang được phát sóng trên VTV1 cũng là môt tác phẩm về đề tài chiến tranh. Vậy so với hai bộ phim trước là “Đường thư” và“Những người viết huyền thoại” thì “Đường lên Điện Biên” có gì khác biệt?

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng:Sự khác biệt đầu tiên có thể nói tới đó là “Đương lên Điện Biên” là một bộ phim truyền hình chứ không phải điện ảnh như “Đường thư” vàNhững người viết huyền thoại”.

Các diễn viên trẻ là một trong những thử thách đối với đạo diễn Bùi Tuấn Dũng khi làm phim "Đường lên Điện Biên".

Chính vì đây là phim truyền hình nên cách kể chuyện của nó sẽ khác. Cách kể của nó phải dung dị, đơn giản và bỏ đi nhiều yếu tố điện ảnh mang tính học thuật để câu chuyện có thể dễ dàng đi vào lòng người.

“Đường lên Điện Biên” là một bộ phim truyện nên tôi dựa trên nền của lịch sử để xây dựng thành câu chuyện của mình chứ không dựa trên các sự kiện, nhân vật lịch sử để mô phỏng lại. Qua bộ phim, một cuộc chiến tranh nổi tiếng trong lịch sử sẽ được tái hiện lại và nội dung chính là tập trung vào khai thác tính nhân văn và số phận con người.

P.V: Vậy làm phim “Đường lên Điện Biên” thì yếu tố nào là khó nhất với anh?

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Trong “Đường lên Điện Biên” thì yếu tố về diễn viên là một thử thách. Bởi dàn diễn viên tham gia khá trẻ và họ đều sinh ra và lớn lên ở thời bình nên không có nhiều am hiểu về lịch sử cũng như biết được cuộc sống khó khăn, vất vả ngày đó như thế nào? Chính vì vậy, muốn có được sự vừa ý trong mỗi vai diễn thì người đạo diễn luôn phải chú ý, theo sát từng diễn viên trong mỗi phân cảnh.

P.V: Anh có thể chia sẻ về những điều anh gửi gắm trong bộ phim này?

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng:Nếu trong vai trò làmột người đạo diễn thì tôi không có một thông điệp nào đặc biệt với một bộ phim truyền hình. Mà thông điệp đó hãy để những khán giả họ nói và trả lời.

Tự mỗi người khi xem sẽ cảm nhận và thấy được thông điệp mà bộ phim và người đạo diễn muốn nói tới. Việc của đạo diễn là làm nên một bộ phim hay, ý nghĩa và trong đó là những hình tượng đẹp để con người có thể vươn tới.

P.V: Xin cảm ơn đạo diễn Bùi Tuấn Dũng./.