Hơn 30 năm sưu tầm và tìm hiểu, ông Nguyễn Tử Xuyên (phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đang sở hữu hơn 20.000 hiện vật, trong đó có rất nhiều hiện vật gắn liền với văn hóa Tây Nguyên như chiêng, ché, đồ trang sức, đồ đựng lễ cúng của các dân tộc thiểu số tại chỗ. Cùng với đó, ông cũng quan tâm sưu tầm những hiện vật mang tính lịch sử, những món đồ từ thời bao cấp hay các vật dụng qua các thời kỳ như máy hát, điện thoại, tiền cổ. Sở hữu nhiều món cổ vật có giá trị nên khi biết thông tin Bảo tàng Đắk Lắk vận động hiến tặng tài liệu, hiện vật, từ năm 2018, ông Xuyên đã tích cực tham gia hiến tặng. Suốt 4 năm qua, ông đã hiến tặng hàng chục hiện vật có giá trị, trong đó có những kỷ vật gắn với kỷ niệm của ông với vùng đất Tây Nguyên.
Mới đây, ông Nguyễn Tử Xuyên cho biết đã hiến cho bảo tàng một số hiện vật tâm đắc để trưng bày phục vụ quần chúng nhân dân: "Hiện nay số hiện vật nằm trong những nhà sưu tập tư nhân còn rất nhiều, cho nên tôi tiên phong để lan tỏa ra cộng đồng những nhà sưu tập, làm sao để chúng ta đưa được những hiện vật này về nơi bảo quản, gìn giữ mang tính chất lâu dài và phục vụ cho công tác bảo tồn, bảo tàng của tỉnh Đắk Lắk".
Từ năm 2019 đến nay, anh Võ Minh Luân (phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột) đã hiến tặng cho bảo tàng hơn 20 tài liệu, hiện vật trong các bộ sưu tập về vùng đất Tây Nguyên của mình. Từ chiếc ché gốm có hình ảnh lễ hội đâm trâu và cặp voi gốm thuộc dòng gốm Biên Hòa được sản xuất trong khoảng những năm 1970 - 1980, đến những cuốn sách quý hiếm viết về Tây Nguyên như Chúng tôi ăn rừng, Miền đất huyền ảo, Sắc màu Tây Nguyên. Cùng với đó, anh Luân còn tích cực kêu gọi, vận động các nhà sưu tập trong câu lạc bộ cổ vật Thuận An hiến tặng nhiều tài liệu, hiện vật quý cho Bảo tàng Đắk Lắk. Anh Võ Minh Luân chia sẻ, là người sưu tập cổ vật và nghiên cứu văn hóa nên anh rất hiểu và mong muốn được lưu giữ những giá trị văn hóa của các thế hệ trước. Không chỉ ở Đắk Lắk, anh còn hiến tặng và trưng bày ở nhiều bảo tàng khác trong nước.
"Hàng năm, khi Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức hiến tặng và trưng bày thì tôi đều tham gia. Tôi nghĩ đây là một hoạt động ý nghĩa và thiết thực nhằm bảo tồn những di sản của cha ông để lại, cũng như những nét văn hóa của Tây Nguyên. Tôi mong muốn những hiện vật do tôi hiến tặng được triển lãm ở đây để cho công chúng được biết. Ngoài ra phong trào sưu tầm và hiến tặng các hiện vật xưa cho bảo tàng sẽ được lan rộng trong và ngoài tỉnh để cùng góp phần giữ gìn văn hóa, di sản của nước nhà" - anh Võ Minh Luân nói.
Từ năm 2018 đến nay, hàng năm Bảo tàng Đắk Lắk đều tổ chức kêu gọi, vận động hiến tặng tài liệu, hiện vật từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh. Qua đó đã tiếp nhận được hơn 1.700 tài liệu, hiện vật về khảo cổ, văn hóa dân tộc hay hiện vật tiêu biểu qua các thời kỳ xây dựng và phát triển của đất nước. Ông Đinh Một - Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk cho biết nhiều tổ chức, cá nhân hưởng ứng tích cực đã giúp bảo tàng có nguồn tư liệu, hiện vật phong phú, đa dạng và có giá trị. Một số cá nhân nhiều lần hiến tặng những hiện vật quý hiếm mà ngay cả các bảo tàng lớn trong nước cũng chưa có.
Ông Đinh Một cho biết: "Những năm gần đây, năm nào chúng tôi cũng nhận được rất nhiều tài liệu và hiện vật sưu tập, không chỉ riêng trong tỉnh mà cả các tỉnh khác. Mặc dù do dịch bệnh họ không đến tận nơi nhưng vẫn gửi hiện vật lên để chúng tôi tiếp nhận. Điều này có vai trò rất quan trọng nhằm tiếp tục duy trì sưu tầm những tư liệu quý và tránh thất thoát, vì có nhiều hiện vật nếu không bảo quản tốt sẽ hư hỏng theo thời gian".
Còn với các nhà sưu tập, mỗi hiện vật là một câu chuyện gắn với quá trình tìm kiếm, sưu tầm, thậm chí là kỷ vật gắn với kỷ niệm cá nhân. Chia tay những đồ vật đã dày công sưu tập tuy có phần luyến tiếc, nhưng theo các nhà sưu tập chia sẻ, việc hiến tặng sẽ tạo sự lan tỏa, để có thêm nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ biết đến những vật dụng đã gắn bó với đời sống người dân hay một giai đoạn lịch sử, một giá trị văn hóa của cộng đồng; từ đó thêm trân quý những giá trị lịch sử, truyền thống của dân tộc./.