Tháng 10/2019, tròn 20 năm kể từ khi Hà Nội được vinh danh là "Thành phố hòa bình" của UNESCO, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) trên toàn cầu với danh hiệu "Thành phố thiết kế sáng tạo". 

Phát biểu tại hội thảo “Thiết kế sáng tạo từ nguồn lực văn hóa Thủ đô" do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức, bà Phạm Thị Mỹ Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhấn mạnh: "Tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hà Nội".

Tuy nhiên PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho biết 2 năm trôi qua nhưng khái niệm "thành phố sáng tạo" vẫn mờ nhạt. Việc Hà Nội là thành phố sáng tạo trong mạng lưới UCCN vẫn mơ hồ với nhiều người dân. 

Để "thành phố sáng tạo" không là "danh hiệu hão", PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng Hà Nội phải thúc đẩy công nghiệp văn hóa như một ngành kinh tế mũi nhọn, vì "thủ đô văn hiến rất khó phát triển ầm ầm bằng công nghiệp nặng"; đồng thời định vị Hà Nội như một trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu, một trung tâm sáng tạo của cả nước thậm chí của Đông Nam Á.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, để thực sự là thành phố sáng tạo, Hà Nội cần thúc đẩy thiết kế sáng tạo; kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong sản phẩm công nghiệp văn hóa; tạo ra cơ chế đầu tư tài chính thu hút vốn và hình thành môi trường thúc đẩy sáng tạo; khai thông các điểm nghẽn về cơ chế hợp tác công tư và đầu tư cho công nghiệp văn hóa. "Hà Nội phải đầu tư cho cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ thì mới có thành phố sáng tạo, còn nếu  cứ ngồi bàn về thành phố sáng tạo thì sẽ không đi đến đâu cả" – PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương nói. 

Đồng quan điểm về vai trò của hợp tác công tư, PGS.TS Đặng Văn Bài (Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia Việt Nam) nhận định "muốn thúc đẩy thành phố sáng tạo thì phải cho nó một cơ chế", vì hiện nay ở Hà Nội đã có sẵn nguồn nhân lực sáng tạo, cùng nhu cầu lớn về hưởng thụ văn hóa của một tầng lớp nhân dân.

Lấy ví dụ trước đây khi cho phép bảo tàng tư nhân, các loại hình sưu tập tư nhân có điều kiện phát triển đã góp phần giúp nhiều bảo vật trở về Việt Nam và nhiều hiện vật được hiến tặng cho bảo tàng, PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng hợp tác công tư là hình thức tốt nhất để thúc đẩy văn hóa sáng tạo.

Bà Phạm Thị Mỹ Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng để thực hiện cam kết với UNESCO, Hà Nội sẽ phải cụ thể hóa bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của Thủ đô, tạo điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo, cũng như nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội - thành phố sáng tạo.

Trên thực tế, PGS.TS Đặng Văn Bài cho biết Hà Nội đã có một số mô hình tốt về sáng tạo văn hóa, trong đó có Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Trước đây, ngoài tiếp thu Nho học, khu Văn Miếu có thêm Quốc Tử Giám để đào tạo nhân tài cho Việt Nam. Với nhà Thái Học, vườn Giám, hồ Văn… Văn Miếu dần trở thành không gian sáng tạo với các trưng bày hiện đại, kết hợp công nghệ, ánh sáng, âm thanh để lôi cuốn du khách, từ đó có nguồn lực đầu tư trở lại cho di tích. Đáng chú ý, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã và đang hướng tới hàng loạt đổi mới gồm thuyết minh tự động 12 ngôn ngữ, trợ lý du lịch ảo, tham quan ảo 3D, tái hiện không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám thời Lê bằng công nghệ thực tế ảo...

Ngoài Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội còn sở hữu hệ thống di sản văn hóa với gần 6.000 di tích, trong đó nhiều nơi có thể trở thành không gian sáng tạo. "Hà Nội nên đổi mới tư duy và đi đầu về hợp tác công tư, đặc biệt là thực hiện các cam kết. Đã gia nhập một tổ chức là phải thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Hà Nội đã 'nhúc nhích' rồi nhưng tốc độ còn chậm" - PGS.TS Đặng Văn Bài nói./.